dongcong.net
 
 

Suy Niệm Mùa Chay

CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY, NĂM C

ƯỚC GÌ ĐÁM ĐÔNG BIẾT NGHE THEO TIẾNG CHÚA

CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY, NĂM C-3 THÁNG 4-2022

Trong ca khúc “Yêu nhau ghét nhau”  của nhạc sỹ Vi Nhật Tảo đã nhắc đến hai từ ‘ném đá’ thật đời thường như sau:

“Yêu nhau kéo áo đắp chung, ghét nhau nắng dãi mưa dầm mặc nhau 

Yêu nhau con mắt liếc qua, ghét nhau ném đá vỡ đầu nhau ra”

Ném đá theo nghĩa đen là cầm đá ném vỡ đầu nhau ra. Ném đá theo nghĩa bóng còn là vận động đám đông để công kích người mình ghét. Đây là loại “ném đá giấu tay”. Đây là hành vi thường không quang minh chính đại, tiểu nhân, muốn hãm hại người khác nhưng lại giấu mặt, vẫn tỏ vẻ không liên quan, nhưng lại kích động đám đông cuồng loạn để ném đá người mình không ưa.

Ngày nay người ta sợ những hòn đá vật lý một thì người ta cũng sợ “những hòn đá truyền thông” mười. Chỉ cần một động tác nhẹ nhàng qua bàn phím đã có thể sát hại uy tín, tinh thần và cả thể xác người bị ném đá, với sự ‘chứng kiến”, thậm chí “tham gia cùng ném đá” của hàng ngàn hàng vạn người trên khắp thế giới”. Đám đông này thường là thiếu hiểu biết, thiếu lý luận nên gọi là dư luận viên. Họ dẫn dắt dư luận theo ý họ và sẵn sàng thóa mạ những ai khác quan điểm với họ.

Câu chuyện về người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình có thể đi đến một án mạng vì bị đám đông cuồng loạn. Đám đông ấy đầy nộ khí đã dẫn người phụ nữ đến trước mặt Chúa Giê-su. Họ muốn Chúa Giê-su đứng về phía đám đông để ném đá người phụ nữ mà họ đang lan truyền bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Nhưng Giê-su, với lời thách thức lương tâm của từng người chứ không phải của đám đông: ai không phạm tội thì hãy ném đá người này đi, rất may những người hôm đó đã nhìn ra sự thật để dám buông bỏ hòn đá. Lương tâm đã không cho phép họ ném đã người tội lỗi, nhưng phải từ bi, tha thứ để cho nhau cơ hội làm lại cuộc đời và sửa đổi , chuộc lại lỗi lầm.

 Ở đây chúng ta thấy trái tim đầy nhân ái nơi Chúa Giê-su. Ngài không hùa theo đám đông để kết án. Dù rằng tội người đàn bà này theo đám đông là “rõ mười mươi”. Nhưng đám đông không là chân lý. Chân lý cần kiểm chứng. Chân lý cần sáng tỏ chứ không chỉ nghe mà hùa theo đám đông. Chúa Giê-su đã chất vấn lương tâm từng người một để rồi đám đông ấy lần lượt bỏ đi vì “ai nên khôn mà không dại một lần”. Cuối cùng chỉ còn lại một mình tội nhân với Chúa, Chúa không kết án mà còn mở ra cho chị một con đường mới: con hãy về, và từ nay đừng phạm tội nữa.

Câu chuyện hùa theo đám đông để kết án lẫn nhau dường như vẫn xảy ra trong thế giới chúng ta. Những cuộc ném đá nhau trên không gian mạng ngày một ác liệt hơn. Người ta có thể dùng những từ nặng nề nhất để thóa mạ nhau. Kẻ ném đá giấu tay thường nên cao chính nghĩa để lôi kéo đám đông triệt hạ người mà họ từng yêu nay lại ghét. Có khi vì gato, có khi vì lợi ích nhóm mà tìm cách ném đá lẫn nhau.

Ước gì những đám đông ấy hãy biết dừng lại để chất vấn lương tâm. Tôi ném đá anh em sẽ mang lại cho tôi điều gì? Hãy suy nghĩ để rồi từng người một đều nhận ra thân phận mỏng dòn của mình mà buông hòn đá xuống. Hãy sống hòa giải và tha thứ thay cho nuôi dưỡng hận thù. Hãy học nơi Chúa Giê-su : Ta muốn lòng nhân từ chứ không cần hy lễ. Vâng, chỉ có lòng nhân từ mới mang lại sự sống, bình an và hạnh phúc.

Xin Chúa cho chúng ta biết sám hối và từ nay đừng phạm tội nữa. Amen.

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền 2022

https://www.youtube.com/watch?v=WNzI4vDwcqQ

 

Chia sẻ Lời Chúa về Người Đà Bà Bị Bắt quả tang phạm tội
Chúa nhật 5 Mùa chay, Năm C-2019

Có cần ném đá nhau không?
By Jos. Tạ Duy Tuyền

Ném đá" là một thuật ngữ rất thông dụng trên mạng xã hội hiện nay. Mạng xã hội phát triển thì ngày càng nhiều “anh hùng bàn phím” tự cho mình cái quyền lập một “tòa án công lý ảo” trên Internet để phán xét, chửi rủa, kết tội những hành vi mà họ cho là đáng lên án.

Người ném đá và kẻ bị ném đá nhiều khi chẳng biết gì về nhau nhưng cũng sẵn sàng tương ra những lời cay độc giết hại lẫn nhau. Ném đá trong mọi tình huống và trong mọi chuyện. Từ chuyện tâm linh cho đến chuyện gia đình, từ chuyện tình yêu, mẹ chồng-nàng dâu cho đến kinh doanh đối nhân xử thế, công việc gia đình, công sở... bất cứ chuyện nào được các thành viên chia sẻ họ đều có thể hùa nhau lên án ném đá.

Chúa Giê-su đã từng nói: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi!”. Tiếc thay, phong trào “ném đá” mang màu sắc… Việt Nam lại khác xa tinh thần đó. Nhiều người đã mạnh tay ném đá người khác mà không hề nhìn lại bản thân còn đầy bất toàn, khiếm khuyết và tội lỗi.

Có lẽ chúng ta còn vẫn còn nhớ vụ cô bé 15 tuổi ở Đồng Nai bị người yêu cũ tung clip sex lên mạng đã uống thuốc tự tử vì bị chỉ trích lăng loàn, ngu si... Người chịu trách nhiệm cho cái chết của em là gã người yêu cũ nhưng có lẽ, hung thủ thật sự chính là sự soi mói, chỉ trích độc ác của cư dân mạng. Một lời chê bai có thể chưa mang lại nhiều tác động tiêu cực nhưng khi một đám đông hung hãn “hùa” vào thì hậu quả thật khó lường. Nó chẳng khác gì một con dao vô hình, có thể lấy đi sự tự tin, niềm vui, cướp đi ước mơ, hoài bão, thậm chí sinh mạng con người.

Vềhiện tuợng thích ném đá trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng: “Một số người có thói quen thích đùa cợt, chê bai ác ý, a dua theo số đông mà không nghĩ tới hậu quảcó thể giết chết một con người”. Điển hình là vụ một cô giáo Bình Thuận vào nhà nghỉ với cậu học trò lớp 10, đã bị rất nhiều người ném đá, nhưng ngay cả người chồng quay clip và cả hàng ngàn người lao vào ném đá cô giáo đâu ai nhìn thấy họ đang ân ái với nhau. Vào nhà nghỉ với nhau thì chưa gọi là tội . . . Đi đêm với nhau đâu chắc họ đã phạm tội. Điều đáng tiếc, là con người chúng ta đã thiếu tình yêu thương để có thể cảm thông những yếu đuối của nhau.

Cáchđây hơn 2000 năm có một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Các luật sĩ và biệt phái đã dẫn người phụ nữ này đến trước mặt Chúa Giêsu. Mỗi người một hòn đá. Mỗi người một khuôn mặt mang đầy sát khí hôi tanh. Tất cả đang sẵn sàng ném đángười phụ nữ thấp cổ bé miệng, lại cô thân cô thế. Ngườiphụ nữ thật tội nghiệp, chỉ biết cúi đầu chẳng dám nhìn ai. Chị biết tội mình đã làm nên chẳng dám thốt lên lời van xin.

Chúa Giêsu đã không kết án, nhưng cũng không dung túng sự xấu mà chị ta đã phạm. Ngài đã im lặng lấy tay viết trên cát. Ngài đã viết trên cát chứ không ghi khắc vào bia đá hay giấy vở. Cát sẽ bị xoá nhoà. Tội lỗi con người luôn được Chúa khoan dung tha thứ, vì “nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được, nhưng Chúa luôn rộng lượng thứ tha”. Có nhiều ngừơi cũng cho rằng: Ngài muốn trì hoãn thời gian, để mỗi người tự vấn lương tâm. Có cần kết liễu một đời người mà thanh danh đã bị bôi nhọ bởi hành vi lăng loàn của mình hay không? Ngài muốn có một khoảng thời gian tĩnh lặng để những cảm xúc: hỉ, nộ, ái, ố được lắng dịu hầu có thể đối xử công bằng với nhau hơn. Cuối cùng, Ngài đã nói với đám đông rằng: “ai trong các ông trong sạch, thì hãy ném đá người này đi”.

Tất cả đều lặng lẽ bỏ cuộc. Từ người lớn tới người nhỏ, xem ra không ai là người trong sạch đủ để có thể thi hành một lề thói dã man này. Họ đã bỏ đi hết. Lúc này, Chúa Giê-su đã mở ra cho chị một con đường mới: “Ta cũng không kết án chị phải chết đâu! Chị hãy về bình an và từ nay đừng phạm tội nữa”. Một làn gió của yêu thương đã xoá bỏ quá khứ tội lỗi của chị. Làn gió của yêu thương đã mang lại cho chị một niềm hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến trong cuộc đời của chị.

Kính thưa, qúi OBACE, Có bao giờ chúng ta đã từng nói điều đó với anh em chúng ta chưa? Có bao giờ chúng ta đã đối xử khoan hồng với nhau chưa? Có bao giờ chúng ta đã can đảm xoá bỏ đi những thành kiến xấu về người anh em hay chưa?

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta: “đừng kết án để khỏi bị kết án”. Hãy sống độ lượng với nhau để xây dựng một thế giới thanh bình. Và hãy nhớ rằng: “điều gì anh em không muốn ngừơi khác làm cho mình thì cũng đừng làm cho người ta như vậy”. Amen.

 

VỢ CHỒNG PHẢI THA THỨ

Chúa Nhật 5 mùa chay, năm C-2016

Gia đình là một xã hội thu nhỏ. Gia đình là tập hợp những phần tử sống chung với nhau thành một gia đình. Thế nên, chấp nhận kết hôn là chấp nhận chung sống lứa đôi. Một cuộc sống không phải lúc nào cũng là màu hồng mà có khi là màu đỏ của giận hờn, màu đen của lạnh lùng. Chén bát bên nhau theo năm tháng cũng va đập sứt mẻ huống chi đời sống chung vợ chồng tránh sao những lúc mà cha ông ta bảo rằng “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”? Vì :

Ngọc nhìn lâu sẽ tìm thấy vết,

Hoa để gần sẽ hết mùi hương.

Có một người vợ khoe rằng: Vợ chồng em ly hôn nhau cả chục lần rồi, toàn em khởi xướng. To còi mà, cứ cãi nhau phát là em gào: Ly hôn đi, tôi không muốn sống với anh nữa. Và thường thì những lúc ấy lão chồng em không trả lời lại. Còn nếu ở trước mặt nhau nói câu ấy thì kiểu gì lão cũng vênh mặt: Cô viết đi tôi ký.

Nhớ có lần cãi nhau to lắm nhưng qua điện thoại, cách mặt nên em rất khẳng khái: Ly hôn mẹ nó đi, sống thêm làm gì , tôi mệt mỏi lắm rồi.

Ấn send phát nằm run và nghĩ bụng: Chết dở, lỡ lão nhắn ok phát thì xong.
Mãi chả thấy trả lời. Cũng đành im lặng . Tận tối thấy lão nhắn: Bình tĩnh chưa con điên.
Em mở cờ trong bụng: May quá. Ai điên, tôi đang rất tỉnh táo, anh cứ đợi đấy, tôi viết đơn rồi.

Lão đáp: Đồ điên, đụng cái đòi ly hôn. Ly hôn xong tao ở với ai, sao ngu thế…

Thế là hết cơn. Nằm cười một mình. (ST)

Thực tế cho thấy cuộc sống Hôn nhân không luôn phẳng lặng như mặt nước hồ ao. Bao nhiêu sóng gió nổi lên vì cá tính dị biệt, anh thì chậm rãi nghiêm trang, chị lại mau chân lẹ miệng. Hoặc chồng thì hào hoa phong nhã, vợ thì kín đáo, keo kiệt; anh mê tân nhạc, chị thích cải lương . . . Đấy là chưa kể đến vấn đề bất đồng quan điểm trong việc làm ăn, sống theo tôn giáo, dạy bảo con cái…

Thế nên, để sống chung với nhau dài lâu nhất thiết phải có một chữ nhịn và một lòng yêu thương tha thứ. Chính lòng yêu thương tha thứ mới có thể ở bên nhau suốt đời cho dù vẫn còn đó những hiểu lầm, nghi kỵ và kể cả sự khó thương.

Phúc âm hôm nay kể rằng người ta bắt được một phụ nữ phạm tội ngoại tình. Ngoại tình theo luật Do Thái là ném đá. Thế mà Chúa Giê-su đã cứu người phụ nữ bằng tình yêu và lòng cảm thông. Chúa nói với đám đông: Ai trong sạch thì ném đá người đàn bà này đi. Chẳng ai trong sạch. Ai cũng có tội. Ai cũng yếu đuối nên đành từng người một rút lui ra về.

Ở đây chúng ta thấy khi Chúa nói người phụ nữ chị hãy về từ nay đừng phạm tội nữa. Nhưng chị về đâu nếu chồng không tha thứ cho mình. Về đâu khi mình đã quá nhục nhã ê chề. Chắc chắn với trái tim  đầy tình yêu thì Chúa Giê-su đã đích thân hòa giải cho gia đình. Chúa đã đưa chị về nhà với tình yêu tha thứ của chồng.

Hay có thể nói nếu người chồng không tha thứ thì cho dù Chúa Giê-su có tha thứ nhiều lần thì chị cũng chẳng có cơ hội làm lại từ đầu. Chị cần tình thương tha thứ của chồng. Chị cần chồng bao dung và đón nhận để chị hoàn lương. Chị cần Chúa Giê-su là Đấng hòa giải cho chị và gia đình.

Xem ra đời sống gia đình cũng rất cần lòng thương tha thứ của nhau. Có tha thứ thì vợ chồng mới sống gắn bó suốt đời bên nhau.

Ước mong cho các gia đình luôn học lấy lòng bao dung tha thứ của Đức Ky-tô để có thể quên đi những lỗi lẫm của nhau. Xin cho chúng ta luôn vì Đức Ky-tô mà đón nhận nhau trong yêu thương tha thứ để vợ chồng mãi sum vầy bên nhau trăm năm tình viên mãn. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền


ĐỪNG KẾT ÁN ANH EM

Chúa nhật 5 mùa chay, năm C-2013

Nếu có lúc nào đó chúng ta sa ngã vì yếu đuối, vì lầm lỡ, chúng ta cần điều gì nơi tha nhân? Cần trừng trị cho thích đáng hay cần khoan dung tha thứ? Cần những lời kết án cay nghiệt hay cần những lời cảm thông nâng đỡ? Có lẽ ai cũng cần được khoan dung để có cơ hội làm lại cuộc đời. Có lẽ ai cũng cần sự cảm thông để tìm lại sự bình an tâm hồn. Thế nhưng, giòng đời thường không đối xử tốt với chúng ta như vậy. Người đời thường dễ kết án hơn tha thứ. Người đời thường tìm cách xa lánh kẻ phạm tội hơn gần gũi để cảm thông. Có biết bao nhiêu lý do để người ta luận tội và kết án lẫn nhau, và chắc chắn cũng có rất nhiều lý do để họ xa tránh kẻ phạm tội để khỏi lụy vào thân.

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy một quang cảnh rất đời thường. Có một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Chị đã phạm phải trọng tội mà theo luật Do Thái phải chịu ném đá tử hình. Các luật sĩ và biệt phái đã dẫn người phụ nữ này đến trước mặt Chúa Giêsu. Mỗi người một hòn đá. Mỗi người một khuôn mặt mang đầy sát khí hôi tanh. Họ sẵn sàng trị tội một người để làm gương cho nhiều người. Tất cả đang sẵn sàng một án tử hình cho người phụ nữ thấp cổ bé miệng, lại cô thân cô thế. Kẻ đã từng tòng phạm với chị cũng đã được tẩu thoát. Vì phúc âm nói rằng: “người ta dẫn tới trước mặt Chúa một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình”. Ngoại tình phải là hai người. Quả tang tức là bắt tại chỗ. Thế mà chỉ có một mình chị bị dẫn ra trước đám đông, còn kẻ đồng phạm với chị đâu? Có thể anh ta là người có thế lực và giầu có nên đã mua chuộc các hương chức trong làng? Có thể anh ta là loại người “vừa ăn cướp vừa la làng” chăng? Và như thế, có thể anh ta cũng cùng đứng chung với nhóm người đang chờ đợi ném đá người phụ nữ tội lỗi này. Chị cúi đầu chẳng dám nhìn ai. Chị biết tội mình đã làm nên chẳng thốt lên lời van xin. Chị đã sẵn sàng cho một cái chết dành cho một người phụ nữ lăng loàn.

Nhưng phúc đức cho chị, những kẻ chủ mưu ném đá chị lại muốn “mượn gió bẻ măng”. Họ muốn dùng một mũi tên mà “bắn chết hai con nhạn”. Họ đòi Chúa Giêsu làm trọng tài để nhân cơ hội này, hãm hại chính Chúa Giêsu. Nếu Chúa bảo tha, là chối bỏ luật của tiền nhân. Nếu Ngài bảo phải chết, lại vi phạm quyền xét xử của Đế quốc Rôma đang cai trị nước Do Thái.

Chúa Giêsu đã không kết án, nhưng cũng không dung túng sự xấu mà chị ta đã phạm. Ngài đã im lặng lấy tay viết trên cát. Có nhiều người cho rằng Ngài đã viết lên những tội lỗi của con người đã từng phạm. Ngài đã viết trên cát chứ không ghi khắc vào bia đá hay giấy vở. Cát sẽ bị xoá nhoà. Tội lỗi con người luôn được Chúa khoan dung tha thứ, vì “nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được, nhưng Chúa luôn rộng lượng thứ tha”. Có nhiều ngừơi cũng cho rằng: Ngài muốn trì hoãn thời gian, để mỗi người tự vấn lương tâm. Có cần kết liễu một đời người mà thanh danh đã bị bôi nhọ bởi hành vi lăng loàn của mình hay không? Ngài muốn có một khoảng thời gian tĩnh lặng để những cảm xúc: hỉ, nộ, ái, ố được lắng dịu hầu có thể đối xử công bằng với nhau hơn. Cuối cùng, Ngài đã nói với đám đông rằng: “ai trong các ông trong sạch, thì hãy ném đá người này đi”. Sự trong sạch không chỉ là không làm những điều xấu, mà còn đòi hỏi sự trong sạch trong tâm hồn chưa một lần ước muốn phạm tội. Sự trong sạch không chỉ là không phạm tội mà còn là không làm gương mù gương xấu cho người khác. Tất cả đều lặng lẽ bỏ cuộc. Từ người lớn tới người nhỏ, xem ra không ai là người trong sạch đủ để có thể thi hành một lề thói dã man này. Họ đã bỏ đi hết. Một quang cảnh thanh bình đã đến với chị. Chân trời mới đã mở ra với chị. Chúa Giêsu đã mở ra cho chị một con đường sống, bằng một giọng nói dịu dàng nhưng chứa đựng một nguyên tắc sống cho cả cuôc đời của chị: “Ta cũng không kết án chị phải chết đâu! chị hãy về bình an và từ nay đừng phạm tội nữa”. Một làn gió của yêu thương đã xoá bỏ quá khứ tội lỗi của chị. Làn gió của yêu thương đã mang lại cho chị một niềm hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến trong cuộc đời của chị.

Kính thưa, qúi OBACE, Có bao giờ chúng ta đã từng nói điều đó với anh em chúng ta chưa? Có bao giờ chúng ta đã đối xử khoan hồng với nhau chưa? Có bao giờ chúng ta đã can đảm xoá bỏ đi những thành kiến xấu về người anh em hay chưa? Nếu chưa, chúng ta hãy tập để đối xử tốt với nhau hơn. Nhiều người vẫn biết rằng “nhân vô thập toàn”, thế nhưng vẫn để “bụng” và cố chấp về những lầm lỗi của anh em. Nhiều người vẫn đầy rẫy khuyết điểm nhưng lại dễ dàng la rầy, kết án anh em. Nhiều người đã quên cái đà trong mắt mình, mà lại chỉ thích tìm kiếm bới móc, bêu xấu, những cái rác của tha nhân.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta: “đừng kết án để khỏi bị kết án”. Hãy sống độ lượng với nhau để xây dựng một thế giới thanh bình. Và hãy nhớ rằng: “điều gì anh em không muốn ngừơi khác làm cho mình thì cũng đừng làm cho người ta như vậy”. Amen.

 

Hãy nhanh khi nghe – chậm khi nói
chúa nhật 5 mùa chay, năm C-2013

Người Việt Nam thường có câu: hãy “nhanh khi nghe – chậm khi nói”. Nghe để đấy, nghe để biết chuyện, suy nghĩ bàn hỏi mới là người khôn ngoan. Còn kẻ dại khờ thì dễ tin, dễ bị khích động và dễ kết án hùa theo đám đông.

Có rất nhiều trường hợp thương tâm đã xảy ra chỉ vì nhanh nghe, nhanh nói, dễ tin vào lời người khác để hành động điên cuồng gây nên những đau khổ do hiểu lầm, nhẹ dạ mang lại. Có rất nhiều lần chính chúng ta cũng vì quá tin người mà hành động thiếu suy nghĩ khi ném đá anh em. Cũng có rất nhiều lần chính chúng ta cũng khổ sở, chẳng biết phân bua thế nào vì bị người khác hiểu lầm, dựng chuyện làm hại chúng ta.

Có một câu chuyện thương tâm kể rằng:

Tạnh mưa, bọn trẻ bưng cơm đứng ăn trước cửa. Tý khoe:
- Nhà Tý ăn thịt gà.
Đêm đó, bà Tám chửi:
- Mả cha nó, nghèo mạt kiếp tiền đâu ăn gà, nó ăn gà bà, nó chết bất đắc cho mà xem.
Ông giáo buồn lắm, ngã bệnh, qua đời. Thương tình, hàng xóm lo ma chay.
Tý hớn hở vì nhà nó đông vui.
Trời đổ mưa.
Thằng Tý la lớn:
- Con gà vô nhà, dậy bắt làm thịt ba ơi.

Mọi người nhìn theo. Thì ra, một con cóc dưới kẹt tủ đang giương mắt nhìn lên quan tài ông giáo.
Hóa ra, nhà ông giáo ăn thịt cóc nhưng lại nói thịt gà để cho con trẻ khỏi thèm thịt gà! Thật là oan gia. Chỉ vì một lời kết án vu vơ đã làm mất đi một mạng người thật là đáng tiếc!

Thế nên, ở đời đừng vội kết tội cho người khác. Hãy bao dung độ lượng và tha thứ. Có những chuyện thấy vậy mà không phải vậy, nên cần cẩn trọng lời nói. Có những sự thật cũng cần được cảm thông hơn là kết án, vì có khi chính chúng ta cũng trải qua những lần lầm lỗi như thế.

Lời Chúa hôm nay cho ta thấy thái độ của Chúa Giê-su thật từ tâm. Ngài không hùa theo đám đông để kết án người đàn bà tội lỗi. Dù rằng tội người này theo lời của người Do Thái là “rõ mười mươi”. Dù rằng là tội quả tang nhưng cũng cần cảm thông và tha thứ. Ngài đã đi bước trước trong sự tha thứ khi Ngài nói: “Tôi không kết án chị đâu”. Ngài cũng nhắc nhở những người chung quanh đừng dễ dàng kết án người khác, đừng dễ dàng chửi bởi anh em, bởi vì: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá ném trước đi”. Ngài còn tạo cơ hội cho người phụ nữ chuộc lại lỗi lầm: “Chị hãy về và từ này đừng phạm tội nữa”.

Đức Giê-su là Thiên Chúa rất thánh thiện vô cùng. Ngài không hề sai phạm một lầm lỗi nào, thế mà Ngài vẫn luôn luôn thông cảm được với sự yếu đuối của người tội lỗi. Ngài không kết án mà sẵn sàng tha thứ. Còn chúng ta, chúng ta cũng yếu đuối như tất cả mọi người, thế mà ta lại khó thông cảm với những yếu đuối của người khác, nhất là khi họ làm thiệt hại đến ta, đến quyền lợi, danh tiếng, hay cản trở ý muốn của ta.

Ở đời: “Ai nên khôn mà không dại một lần”, thế nên, làm người cần có sự khiêm nhu để nhìn lại mình và để cảm thông với anh em. Có thể ta dễ dàng kết án người khác. Có thể chúng ta không muốn gương xấu trong môi trường chúng ta. Nhưng liệu chúng ta làm ầm ĩ lên, hoặc mạnh tay ném đá kẻ có tội chúng ta sẽ được gì khi mất anh em , mất bạn bè vì sự nóng giận của chúng ta?

Mùa chay là mùa giúp chúng ta nhận ra thân phận yếu đuối của mình để sám hối và cũng để cảm thông với lỗi lầm của anh em. Đừng kết án anh em. Đừng đẩy anh em vào đường cùng. Đừng lên án xử anh em, nhưng hãy bao dung và tha thứ cho nhau. Hãy nhớ lời Chúa dạy: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá ném trước đi”.

Xin cho chúng ta học nơi Chúa bài học của bao dung và tha thứ để chúng ta luôn lấy lòng từ bi, nhân hậu mà đối xử với nhau. Xin cho chúng ta cũng nhận ra mình là con nợ đã từng được Chúa tha thứ để đừng bao giờ hà khắc, kết án anh em. Xin Chúa giúp chúng ta học nơi Chúa luôn “chậm bất bình và rất mực khoan nhân” để đối xử với nhau trong bác ái yêu thương. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền 17-3-2013

April 1, 2022

Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền - dongcong.net

 

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)