suy niệm sưu tầm

2016

Lễ Hiển Linh: Tầm nhìn Ba Vua
Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng1/2/2016

TẦM NHÌN BA VUA

LỄ HIỂN LINH 2016 NĂM C

Với cái nhìn thầm lặng, không ồn ào, không khoa trương, không gợn chút mưu toan tính toán, nhưng sâu lắng, công chính, chân thật, đầy nội tâm, đầy thiện chí và là tầm nhìn của cả một tấm lòng, ba con người (quen gọi là ba vua, ba đạo sĩ, ba nhà chiêm tinh…) đã nhìn xuyên thấu ánh sao, đã nhận ra bên kia ánh sao là Chân Lý. Nhờ tầm nhìn xuyên thấu như thế, ba vua đã nhận ra Ơn Cứu Độ của mình: Hài Nhi Giêsu – Thiên Chúa làm người.

Còn Thiên Chúa, Đấng hằng yêu thương con người, không làm ba vua thất vọng. Người ban cho những kẻ có tấm lòng chân thật được gặp mình.

Bởi Thiên Chúa là Đấng chân thật. Ai để lòng mình trào dâng sự thật, người đó sẽ được Thiên Chúa nhìn nhận và cho sống trong tình yêu vô cùng của Thiên Chúa.

Tầm nhìn của ba vua tỏa chiếu sự đơn sơ, không kiêu sa, không cầu kỳ, nhưng tỏa chiếu hạnh phúc và dạt dào thánh ân. Tôi gọi tầm nhìn hiệu quả của ba vua là tầm nhìn xuyên thấu.

I. NHÌN XUYÊN THẤU.

Chỉ một mình tông đồ Matthêu tường thuật biến cố lạ thường: Ngay sau ngày Chúa Giêsu giáng sinh, bầu trời phương đông xuất hiện một vì sao lạ.

Chắc không thiếu những người nhìn thấy ngôi sao. Nhưng chỉ có ba vua nhìn xuyên thấu ánh sao để không dừng lại nơi ánh sao, không chỉ ngồi nhìn ánh sao, không bằng lòng với việc nghiêng cứu ánh sao, mà khám phá nơi cái lạ của một ánh sao vừa xuất hiện để thấy điềm trời, để nhận biết chân lý, để khám phá tình yêu của Đấng Tạo Thành.

Nhờ tầm nhìn xuyên thấu thụ tạo, để nhận ra Đấng Tạo Thành ấy, đã dẫn ba vua về gặp Chúa, gặp Đấng cứu độ mình.

Từ nay, cuộc đời của họ sẽ thay đổi. Bởi từ nay, họ đã mang Chúa nơi tâm tư. Hình ảnh Chúa Hài nhi chiếm ngự đầy ắp trong cõi lòng. Từ nay, họ sẽ ấp ủ hình ảnh của Chúa, và sống cho Chúa trọn đời. Từ nay, họ sống với Chúa và Chúa trong họ.

Biết bao nhiêu biến cố, biết bao nhiêu tai ương xảy ra trên thế giới, trong vũ trụ qua từng thời gian sống của nhân loại. Học nơi Ba Vua để chúng ta cũng có một tầm nhìn, nhìn xuyên thầu mà nhận ra sự quan phòng của Chúa, nhận ra bàn tay Chúa luôn hiện diện trên mọi hoàn cảnh, trên toàn thế giới tạo thành.

II. HỌC NƠI TẦM NHÌN BA VUA.

Có những giọt nước mắt làm cho cả thế giới phải giật mình. Giọt nước mắt rớt xuống trong yêu thương và trong tinh thần trách nhiệm của những nhà lãnh đạo cao cấp, càng làm rúng động thế giới.

Ngày lễ Hiển Linh, chiêm ngắm tầm nhìn xuyên thấu của ba vua, tôi muốn gọi những giọt nước mắt như thế là “Nước mắt Yeb Sano”.

Hãy soi chiếu những giọt nước mắt trong những cơn khốn cùng vào tầm nhìn ba vua, để rút ra bài học cho chính chúng ta.

1. Nước mắt Yeb Sano.

Tháng 11.2013, tại Hội nghị Công ước Khung của Liên Hiệp quốc (COP) về biến đổi khí hậu lần thứ 19, Ngoại trưởng Yeb Sano, trưởng đoàn đàm phán Philipines đã có bài phát biểu kêu gọi hành động khẩn cấp để ngăn chặn một cơn bão tàn khốc khác có thể ập tới, giống như siêu bão Haiyan ập vào Philipines chỉ một tuần trước khi diễn ra Hội nghị này.

Bài phát biểu của nhà Ngoại trưởng thật cảm động:

“…Đến thời khắc này, chúng tôi vẫn không thể chắc chắn về toàn bộ mức độ của sự tàn phá vì thông tin được cập nhật một cách nhỏ giọt tới khốn khổ bởi điện và viễn thông đã bị cắt đứt, có thể còn lâu mới được khôi phục. Đánh giá ban đầu cho thấy Haiyan đã để lại những tổn thất khủng khiếp chưa từng có trong tiền lệ, không thể hình dung nổi và vô cùng tàn khốc, ảnh hưởng tới 2/3 Philippines, khiến khoảng một nửa triệu người mất nhà, cảnh tượng gợi nhớ tới hậu quả của sóng thần đối với vùng đất lớn, lầy lội, đầy bùn, ngập mảnh vỡ vụn và xác người chết.

Theo ước tính từ vệ tinh, Cơ quan Khí tượng và Hải dương quốc gia Hoa Kỳ cũng ước tính rằng Haiyan đã có áp suất tối thiểu khoảng 860 mbar, còn Trung tâm Cảnh báo bão chung ước tính Haiyan có thể đã đạt tới sức gió 315 km/h và gió giật 378 km/h, khiến nó trở thành cơn bão mạnh nhất trong lịch sử hiện đại mà chúng ta từng biết.

Bất chấp những nỗ lực to lớn mà nước tôi đã chuẩn bị để đối đầu với sự tấn công dữ dội của cơn bão quái vật này thì bão cũng quá mạnh, và mặc dù Philippines một quốc gia quen thuộc với bão thì siêu bão Haiyan không giống với bất cứ thứ gì chúng tôi trải qua trước đây, hay có lẽ là không giống với điều gì mà bất cứ quốc gia nào từng trải qua.

Hình ảnh sau cơn bão cũng dần dần từng bước chậm chạp trở nên rõ ràng hơn. Sức tàn phá thật khủng khiếp. Và như thể điều đó còn chưa đủ, một cơn bão khác đang hình thành trong vùng nước ấm ở bờ tây Thái Dình Dương. Tôi rùng mình khi nghĩ tới một cơn bão khác sẽ tấn công chính những nơi mà người dân thậm chí còn chưa thể gượng sức để đứng dậy nổi…”.

Trong nước mắt, ông Sano bất ngờ tuyên bố (không được soạn trước), ông sẽ tuyệt thực trong quá trình diễn ra hội nghị cho đến khi đạt được những bước tiến có ý nghĩa. Ông nói:

“Để đoàn kết với đồng bào tôi, những người đang đấu tranh để tìm thức ăn ở nhà và với em trai tôi, người chưa ăn gì suốt ba ngày qua, với tất cả lòng kính trọng, thưa ông Chủ tịch, và tôi không hề có ý không tôn trọng sự hiếu khách tử tế của ông, bây giờ tôi sẽ bắt đầu tình nguyện tuyệt thực vì khí hậu. Điều đó có nghĩa là tôi sẽ tự nguyện không ăn trong COP này cho đến khi thấy được một kết quả có ý nghĩa.”.

Những lời đau xót và tha thiết của ông Yeb Sano đã làm các tham dự viên nói riêng, và cả thế giới chết lặn.

Nỗi đau về thiên tai chỉ là một phần trong vô vàn nỗi đau mà nhân loại phải gánh chịu. Nó có thể là cơn diệt chủng những dân tộc, những nhóm người yếu thế; có thể là sự lừa lọc trên diễn đàn bằng những tuyên bố, những lời hứa “có cánh” trong những cuộc chạy đua quyền lực; có thể là sự làm ngơ trước cái nghèo, cái khốn khổ của đồng loại, miễn mình an thân trong sự giàu có của mình của quốc gia mình; có thể là sự tìm triệt hạ kẻ yếu bằng sức mạnh của mình, của quốc gia mình; sử dụng một cách vô trách nhiệm đối với tài nguyên, khoán sản, miễn sao chính mình, phe nhóm của mình, quốc gia của mình vinh thân phì da…

2. Bài học của chúng ta.

Với tất cả những gì đang diễn ra trên thế giới và xung quanh, chúng ta cần có tầm nhìn xuyên thấu để tìm cho mình bài học.

- Đó là bài học mà Ba Vua đã dạy chúng ta: Nhận ra Chúa hiện diện nơi thụ tạo, để yêu con người hơn, yêu thiên nhiên hơn, yêu chính công trình hoàn vũ mà Chúa đã tạo dựng và ban tặng ta.

- Nhìn xuyên thấu những nỗi đau biết bao nhiêu người, biết bao nhiêu quốc gia, dân tộc phải rên siết, giúp chúng ta có trách nhiệm với nhau, quý trọng sự sống, quý trọng quyền được hạnh phúc của người khác, của quốc gia khác.

- Có nhiều lãnh vực không thuộc khả năng giải quyết của ta, như những gì vừa nhắc đến, bởi nó thuộc tầm vóc quốc tế. Nhưng từ những gì căn bản nhất, gần cận cuộc sống của ta nhất, đến những gì đặc biệt lớn lao, đều cần sự quan tâm, hơn thế, cần sự trăn trở và thao thức của từng cá nhân, để mỗi cá nhân ý thức, thì mới có ý thức của cả cộng đồng.

- Chúng ta là Kitô hữu, những thăng trầm của cuộc sống mình, của đồng loại quanh mình sẽ trở thành lời cầu nguyện, sẽ là hiến lễ dâng lên Chúa để kết hợp những rên siết của nhân loại với thánh giá Chúa Kitô, mong được Chúa thánh hóa và ban ơn tha tội cho mọi con người.

- Dù có nhiều hoàn cảnh không thể do cá nhân giải quyết, nhưng vẫn cần ta lưu ý nó, để khi có thể, ta phải lên tiếng, phải làm tất cả sao cho cuộc sống thêm hạnh phúc, con người bớt đớn đau.

- Dù có nhiều vấn đề không thuộc cá nhân ta, nhưng ta cần biết đến mọi đau khổ của con người, để trong trách nhiệm, trong giới hạn của mình, ta tránh bớt được bao nhiêu hay bấy nhiêu, những tổn thương mà cá nhân có thể gây ra trên cuộc sống của mình, của đồng loại và của mọi thụ tạo.

Tóm lại: Nơi toàn thể thụ tạo, dấu ấn của Thiên Chúa không bao giờ tàn phai. Hãy nhận ra Chúa, nhận ra tình yêu và bàn tay quan phòng của Chúa nơi thụ tạo để yêu mến Chúa hơn, yêu thụ tạo của Chúa hơn.

Thực tập thật nhiều tầm nhìn xuyên thấu, để luôn luôn nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi thụ tạo. Hãy tôn trọng thụ tạo, vì đó là cách ta nâng niu sự sống của mình. Yêu thụ tạo, yêu sự sống cũng là một nghĩa vụ thờ phượng mà ta phải có đối với Thiên Chúa, Đấng tạo thành ta và tạo thành vũ trụ.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG

 

Lễ hiển linh : Ngôi sao rạng ngời
Lm. Vinh Sơn1/1/2016

Lễ Hiển Linh: NGÔI SAO RẠNG NGỜI

Is 60, 1-6; Ep 3, 2-3a. 5-6; Mt 2, 1-12

Vào một đêm mưa bão tố, ngọn hải đăng tại một hòn đảo bị mất điện nên không thể chiếu sáng. Người phụ trách hải đăng vội vã đốt một cây nến nhỏ và cầm cây nến theo đường cầu thang leo lên sân thượng để đốt đèn lên. Bấy giờ có người đi xuống cầu thang lên tiếng liền hỏi anh rằng :

- Ông làm gì với cây đèn cầy nhỏ bé này ?

Anh trả lời :

- Tôi mang cây đèn lên sân thượng để chiếu sáng giúp tầu bè từ ngoài khơi biết đường trở về và cập bến an tòan.

Người kia thắc mắc:

- Nhưng cây nến nhỏ bé thế này thì tầu bè ở tận ngoài khơi làm sao nhìn thấy ánh sáng được ?

Người phụ trách trả lời :

- Bây giờ tôi chỉ cần nó đừng bị gió thổi tắt là được. Còn các chuyện khác thì đã có lo liệu tính toán.

Khi cả hai leo lên đến nơi, thì người phụ trách đã dùng cây nến châm lửa vào cái đèn lồng, trong giây lát ánh sáng từ cây đèn lồng rực lên chiếu tỏa ra chung quanh. Chiếc đèn lồng này đã được thiết kế để khi cần có thể xử dụng thay bóng đèn điện. Ánh sáng của nó có sức chiếu ra tận ngoài khơi, hầu giúp tầu bè dễ dàng định hướng di chuyển qua lại hay quay về cập bến an toàn.

Ánh sáng của một vì sao lạ đã tỏa sáng trên bầu Trời dẫn đưa ba nhà đạo sĩ từ phương Đông xa xôi đến bên Hài Nhi Giêsu để thờ lạy Ngài…

Theo Sách Dân số (x. Ds 24,17) sẽ có ngày “ngôi sao nhà Giacóp” sẽ mọc lên và tỏa sáng. Dân Do Thái ngay ở thế kỷ I đã áp dụng lời tiên tri này cho Đấng Mêsia – Đấng Cứu Thế đến cứu dân Chúa đã được tuyển chọn. Hình ảnh tượng trưng đó rất phù hợp với câu chuyện về các đạo sĩ dân ngoại từ phương Đông xa xăm đến thờ lạy Hài Nhi. Lời tiên báo về ngôi sao cho dân Israel không phải do một Ngôn sứ Israel nói ra mà bởi Balaam, một phù thủy dân ngoại, truyền thống vẫn coi ông ta như là kẻ giải mộng huyền bí, nghĩa là một “đạo sĩ”.

Chính Hài nhi là ngôi sao cứu tinh của nhân loại như chính tên Giêsu nghĩa là Đấng Cứu Chuộc. Hài nhi là Đấng Messia, là Chúa Kitô, Ngài là "ánh sáng chiếu soi muôn dân" mà Ngôn sứ Isaia loan báo :“người đi trong bóng tối đã trông thấy xuất hiện một ánh sáng lớn lao, bởi vì một Hài nhi đã sinh ra cho chúng ta” (Is 9,1-5). Ánh sáng đó dẫn đưa mọi dân nước quy tụ thờ phượng Thiên Chúa như Ngôn sứ Isaia tiên đoán các dân các nước sẽ đến để thờ phượng Thiên Chúa của Israel: "Lạc đà dần dần che rợp đất, lạc đà Mađian và Êpha; dân Sơ-Va hết thảy kéo lại, mang vàng với trầm hương, và cất cao lời ca tụng Đức Chúa" (Is 60,6).

Ba nhà đạo sĩ đã theo ánh sao đến Giêrusalem thì mất ánh sao, nên các nhà Hiền Triết phương Đông vào triều đình hỏi: “ Đức Vua dân Do Thái mới sinh đang ở đâu”, làm vua Hêrôđê bối rối lo sợ (x. Mt 2,3) khi triệu tập các tư tế cùng các kinh sư, những nhà thông thái đã nghiên cứu và giải thích Thánh Kinh,cho biết Đấng Cứu Thế sinh ra ở Bê-lem (x. Mt 2,4-6); dù biết rõ Chúa Kitô xuất hiện nhưng họ cũng hoàn toàn dửng dưng. Thái độ của họ coi như là không có Hài Nhi – Đấng Cứu Thế - được sinh ra. Riêng Vua Hêrôđê, sử sách làm chứng rằng vào những năm cuối đời, ông nghi ngờ mọi người có ý đồ lật đổ ông, vì thế mà ông không ngại ra tay tàn sát tất cả những ai mà ông nghi là sắp làm hại ông, kể cả những người trong gia đình. Dẫu biết rằng Hài Nhi đến từ Thiên Chúa, nhưng với tính cách đa nghi sẵn có ông vẫn sợ Hài Nhi mới sinh sẽ lật đổ vương quyền của ông. Cái sợ đó đã làm ông mất hết lương tri, gây nên tội ác vô cùng to lớn: quyết tâm tìm giết con trẻ Giêsu bằng cách “ Sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận từ hai tuổi trở xuống ” (Mt 2,16) sau khi các Đạo sĩ quay về không trở lại với nha vua theo lời phủ dụ của ông..

Nhà Vua, các bậc thông thái và dân chúng Giêrusalem tượng trưng cho người Do Thái được Thiên Chúa tuyển chọn làm dân riêng nhưng lại khước từ ơn cứu độ Đức Kitô ban tặng, còn Lương dân được đại diện bởi các nhà chiêm tinh thì đón nhận và hết lòng tìm kiếm để biểu lộ sự tôn thờ cung kính. Dân ngoại khi tin vào Hài Nhi đã thay thế người Do Thái bỏ trống trong lòng sứ điệp của Thiên Chúa, khi họ không chịu tin vào Lời của Ngài: nghe và đón nhận Đấng Cứu Thế. Dân ngoại tin tập họp từ khắp nơi sẽ là dân Israel mới của thời đại cuối cùng, được kêu gọi chia sẻ hạnh phúc của cuộc sống tương lai, chính Chúa Giêsu đã nói"Người ta sẽ từ đông sang tây đến dự tiệc trong nước Chúa"(Lc 13, 29)

Rời khỏi triều đình, các nhà hiền triết phương Đông lại thấy ánh sao tỏa sáng dẫn đường đến tận Bêlem. Khi đến bên Hài nhi các nhà chiêm tinh sấp mình thờ lạy (= bái lạy: cc. 2.8.11): “Bái lạy” hay “sấp mình thờ lạy” (proskyneô) là hành vi sấp mình trên nền nhà để tôn thờ thần thánh hoặc những người có địa vị cao, chẳng hạn với các bậc quân vương. Tác giả Tin mừng Matthêu hầu như chỉ dùng động từ này để diễn tả lòng tôn kính đối với Đức Giêsu bởi những người khẩn cầu tín thác vào Ngài (x. Mt 8,2; 9,18; 15,25; x. 20,20) và bởi các môn đệ tôn kính Thầy (x. Mt 14,33: liên kết với việc tuyên xưng niềm tin vào Con Thiên Chúa), đặc biệt thái độ thờ lạy dành cho Đấng Phục Sinh (x. Mt 28,9.17), như thế hành động tôn kính bái lạy của các hiền triết Phương Đông loan báo về thân phận Đấng Cứu Thế sẽ chịu chết và Phục sinh trong Hài nhi để cho muôn dân tìm kiếm tôn thờ.

Các Đạo sĩ đã lấy vàng, nhũ hương, mộc dược dâng tiến Hài Nhi. Truyền thống cổ xưa cho thấy: sau khi bái lạy một vị vua, các vị khách thường có việc dâng lễ vật (x. St 43,26; 1 Sm 10,27; 1 V 10,2; Tv 72,10). Ba thứ lễ vật mà các đạo sĩ tiến dâng xứng đáng dành cho bậc quân vương như Kinh Thánh đã nói: vàng trong Thánh Vịnh (x. Tv 72,15); vàng và nhũ hương của ngôn sứ Isaia (x. Is 60,6 ); xức mộc dược cho vua (x. Tv 45,8), hay nhũ hương và mộc dược trong Diễm ca (x. Dc 3,6). Theo truyền thống của các Giáo Phụ nối tiếp truyền thống các tông đồ coi các lễ vật này là những biểu tượng về vương quyền (vàng), thần tính (nhũ hương) và việc mai táng (mộc dược) của Đức Giêsu.

Các nhà đạo sĩ tìm kiếm Thiên Chúa nhờ ánh sao tỏa trên bầu Trời, chúng ta được mời tỏa sáng đức tin và tình yêu để anh em lương dân nhận biết Thiên Chúa như Đức Giêsu nói :”Sự sáng của các con cũng hãy tỏa sáng trước mặt mọi người” và thánh Phaolô mời gọi : "Giữa một thế hệ sa đọa, anh em hãy tỏa sáng như những vì sao trên vòm trời" (Pl 2,15).

Tuy nhiên ánh sáng của ngọn đèn chúng ta chỉ leo lét, yếu ớt, Chúng ta chỉ là những vì sao sáng khi chúng ta để mọc lên trong lòng chúng ta (x. 2Pr 1,19) ngôi sao mai là chính Đức Kitô (x.Kh 2,28).

Thật thế như Ngôn sứ Isaia kêu mời:

"Hãy đứng lên, hãy tỏa sáng ra" (x. Is 60,1-6).

Lm. Vinh Sơn, Sài Gòn 03/01/2016