suy niệm, năm C-2016
by Trầm Thiên Thu
August 30, 2019
NỖ LỰC
(Chúa nhật XXI TN, năm C)
Nỗ lực là rán sức, cố gắng tối đa khi thực hiện điều gì đó. Văn sĩ Triết gia Elbert Green Hubbard (1856-1915, Hoa Kỳ) nói: “Không biết đã bao nhiêu lần con người buông tay từ bỏ khi mà chỉ một chút nỗ lực, một chút kiên trì nữa thôi thì người ta sẽ đạt được thành công”. Người ta luôn phải tự khó với chính mình, nhưng phải thoải mái với người khác. Đó là dạng nỗ lực cơ bản nhất.
Nói đến nỗ lực là nói đến những việc khó, càng khó càng phải nỗ lực nhiều. Ví dụ như lách mình cho lọt vào khe hở để vào bên trong khi cửa bị đóng, hoặc đi vào những ngõ ngách nào đó. Ai đã tới Hà Nội thì biết thế nào là “ngách”, đúng là phải “lách” thật. Và còn rất nhiều thứ khác phải sử dụng đến nỗ lực.
Người Việt có câu: “Ở rộng người cười, ở hẹp người chê”. Thật là khó, kiểu nào cũng khổ, bởi vì “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, chẳng làm sao có thể sống vừa lòng hết mọi người, dù là người tốt lành nhất. Thật vậy, không ai tốt lành như Chúa Giêsu, thế mà Ngài vẫn bị người ta ghen ghét. Thế nhưng, nhân chi sơ tính bổn thiện, vì lương thiện là căn tính của con người được Thiên Chúa tạo dựng. Do đó, bổn phận của chúng ta luôn phải sống tốt lành theo lương-tâm-chính-đáng, theo công lý của Chúa, chứ không thể lấy cớ và tự biện hộ: “Chỉ đâu mà buộc ngang trời, tay đâu mà bụm miệng người thế gian”. Văn hào Victor Hugo (Pháp) xác định: “Lương tâm là Thiên Chúa trong mỗi con người”. Thật là tuyệt vời!
Theo bản năng nhân loại, không ai thích “tù túng”, nghĩa là ai cũng thích có khoảng rộng cho thoải mái: Phòng ốc khang trang, nhà to, cổng lớn, lối rộng,… chứ không ai muốn “ép mình” ở trong khoảng chật hẹp, gò bó. Về lĩnh vực tinh thần cũng tương tự. Thế nhưng sự dễ dàng dẫn tới dễ dãi, dễ dãi quá hóa hư thân, mất nết. Sự thiếu thốn có thể khiến người ta phải hy sinh và chịu đựng nhiều thứ, nhưng chính sự nghèo khó lại có thể giúp người ta thành nhân – thực sự và đúng nghĩa.
Sự thật vẫn là sự thật, vừa mặc nhiên vừa minh nhiên, và thường có sự đối lập. Chính Chúa Giêsu đã thẳng thắn giải thích: “Cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà NHIỀU NGƯỜI lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ÍT NGƯỜI tìm được lối ấy” (Mt 7:13-14). Theo lẽ tự nhiên, cái gì nhiều thì bình thường, còn cái gì hiếm thì quý giá. Nhưng sự bình thường vẫn có thể khác thường. Là một tín nhân, đại văn hào Victor Hugo cũng đã cảm nghiệm sâu sắc: “Đau khổ là hoa quả, Chúa không khiến nó sinh ra trên những cành quá yếu ớt mà không chịu nổi”. Thánh Phaolô xác định: “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1 Cr 10:13).
Chữ Khôn và chữ Khốn chỉ khác nhau cái “dấu sắc”. Với người này thì có thể là “cái khó BÓ cái khôn”, nhưng với người kia thì có thể là “cái khó LÓ cái khôn”. Cùng một tình huống, một hoàn cảnh, một vấn đề,… nhưng kết quả khác nhau – xấu hoặc tốt, hại hoặc lợi.
Ngày xưa, Thiên Chúa đã dùng miệng lưỡi của ngôn sứ Isaia để tuyên phán: “Còn Ta, Ta BIẾT RÕ việc làm và ý định của chúng, Ta sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ; họ sẽ đến và được thấy vinh quang của Ta. Ta sẽ đặt giữa họ một dấu hiệu và sai những kẻ sống sót của họ đến các dân tộc: Tác-sít, Pút, Lút, là những dân thạo nghề cung nỏ, đến dân Tuvan, Giavan, đến những hải đảo xa xăm chưa hề được nghe nói đến Ta và chưa hề thấy vinh quang của Ta. Họ sẽ loan báo vinh quang của Ta giữa các dân tộc” (Is 66:18-19). Cách nói của Cựu Ước có vẻ “xa lạ” với chúng ta ngày nay, nhưng không phải vậy. Có phải vì cách nói ngày xưa đơn giản và bình dị, còn chúng ta ngày nay phức tạp quá nên hóa “xa lạ” và cảm thấy nhiêu khê chăng? Rất có thể là như thế.
Và rồi Đức Chúa tiếp tục tuyên ngôn: “Giống như con cái Ít-ra-en mang lễ phẩm trên chén dĩa thanh sạch đến Nhà Đức Chúa, người ta cũng sẽ đưa tất cả những anh em các ngươi thuộc mọi dân tộc về làm lễ phẩm tiến dâng Đức Chúa – đưa bằng ngựa, xe, võng cáng, lừa và lạc đà – về trên núi thánh của Ta là Giêrusalem. Và cả trong bọn họ, Ta sẽ chọn lấy một số làm tư tế, làm thầy Lêvi” (Is 66:20-21). Thiên Chúa luôn dùng những hình ảnh gần gũi với đời sống con người để họ có thể hiểu được ý Ngài.
Với trí óc phàm phu tục tử, con người không thể hiểu hết ý Thiên Chúa vì Ngài là Đấng toàn năng, chí minh và chí thánh. Nhưng cảm tạ và chúc tụng Ngài là bổn phận tuyệt đối của chúng ta. Nhận biết được điều tối quan trọng như vậy, Thánh Vịnh gia tha thiết mời gọi: “Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa, ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người!” (Tv 117:1). Lý do? Thật đơn giản nhưng vô cùng chính đáng: “Vì tình Chúa thương ta thật là mãnh liệt, lòng thành tín của Người bền vững muôn năm” (Tv 117:2). Vả lại, “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1 Ga 4:19).
Quả thật, đó là khối tình mầu nhiệm của Thiên Chúa, sâu thẳm và khôn dò, cũng chính là Lòng Thương Xót bao la vô tận của Ngài. Từ ngàn xưa, chính Đức Mẹ cũng đã đề cập Lòng Chúa Thương Xót khi Mẹ dâng lời tán tụng Thiên Chúa qua thánh ca Magnificat: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng THƯƠNG XÓT những ai kính sợ Người. Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại LÒNG THƯƠNG XÓT dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời” (Lc 1:50, 54-55).
Đối với con người trong cuộc sống đời thường, đứa con nào có cuộc sống khó khăn, khổ sở, chắc chắn vẫn được cha mẹ quan tâm hơn – thế mới là “nước mắt chảy xuôi”. Cha mẹ vì thương con, muốn con nên người nên cũng sửa dạy đứa con nào ngỗ nghịch, như tục ngữ Việt Nam nói: “Thương con cho roi cho vọt, ghét con cho ngọt cho bùi”. Thiên Chúa dựng nên chúng ta nên Ngài vẫn luôn tôn trọng quy luật Ngài đã tạo nên, vì Ngài không muốn “lập dị”. Ngài cho chúng ta được quyền tự do nhưng Ngài cũng sửa trị vì yêu thương chúng ta. Nước mắt không bao giờ chảy ngược!
Cũng với tinh thần đó, Thánh Phaolô đã khuyến cáo: “Anh em đã quên lời khuyên nhủ được nói với anh em như với những người con: Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt” (Dt 12:5-6). Và rồi ông còn nhấn mạnh: “Anh em hãy KIÊN TRÌ để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy?” (Dt 12:7). Ai không bị nói tới là coi như “đồ bỏ” rồi. Vì thế, đừng tự ái mà để cho “cái tôi” vùng lên và nổi loạn.
Thánh Phaolô đề cập một sự thật rất hiển nhiên theo bản tính nhân loại: “Ngay lúc bị sửa dạy thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính. Bởi vậy, hãy làm cho những bàn tay bủn rủn, những đầu gối rã rời, nên mạnh mẽ. Hãy sửa đường cho thẳng mà đi, để người què khỏi trật bước và hơn nữa, còn được chữa lành” (Dt 12:11-13). Rất rõ ràng, rất thực tế, và cũng rất đời thường.
Có Khó mới nên Khôn, nhờ Khôn mà bớt Khổ và khỏi Khốn – “ca hát” hay “khờ” còn tùy người (cả nghĩa đen và nghĩa bóng đối với KH). Chí sĩ Phan Bội Châu (1867-1940) đã có cách so sánh thú vị: “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai”. Và chí sĩ Nguyễn Thái Học (1902-1930) cũng đã dõng dạc minh định: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Chứng tỏ rằng sự gian khó là thứ “xa xỉ phẩm” cần thiết để người ta khả dĩ thành nhân và sống có ý nghĩa hơn. Theo cách nói của Chúa Giêsu, đó là cách ĐI QUA CỬA HẸP để có thể vào được Nước Trời.
Quả thật, lịch sử đã cho thấy rằng chính gian khổ đã tạo nên những vĩ nhân lừng danh thế giới, khiến chúng ta phải tâm phục khẩu phục, trong Công giáo cũng rất nhiều vị thánh lớn là nhờ “đi đường hẹp” dẹp “đường rộng”. Vấn đề của chúng ta là có DÁM hay KHÔNG DÁM hành động như vậy mà thôi! Đừng bao giờ viện cớ với mấy liên từ “khó chịu” này: Vì, tại, bởi, nếu, giá mà, ước gì, phải chi,… Chỉ có nguy thôi!
Ngày xửa ngày xưa, trên đường lên Giêrusalem, Chúa Giêsu đã đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. Rồi có kẻ thắc mắc nên phải hỏi: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” (Lc 13:23). Ngài ôn tồn bảo họ: “Hãy CHIẾN ĐẤU để qua được CỬA HẸP mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được” (Lc 13:24). Có lẽ người hỏi không thỏa mãn chút nào với câu trả lời của Chúa như vậy. Thế nhưng, dù họ không phản ngôn thì chắc hẳn họ cũng cảm thấy có gì đó “khác lạ” và “ngược đời” lắm. Họ im lặng. Có thể họ chưa đồng ý nhưng cũng đã cân nhắc, mà cân nhắc thì phải suy nghĩ. Đêm đó, họ về nhà và phải suy tư nhiều về những “lời lạ” của Chúa Giêsu, rất có thể họ phải trằn trọc và khó ngủ. Biết đắn đó là có tín hiệu tốt rồi.
Dĩ nhiên Chúa Giêsu biết thừa là họ đang “đâu cái điền” lắm. Kệ, Ngài vẫn tỉnh queo và nói tiếp: Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: “Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào”, thì ông sẽ bảo anh em: “Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!”. Bấy giờ anh em mới nói: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi”. Nhưng ông sẽ đáp lại: “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!” (Lc 13:22-27). Chúa Giêsu luôn thích giản dị, thẳng thắn, nghiêm túc, nên những điều Ngài nói cũng luôn bình dị, thiết thực và gần gũi với đời sống dân chúng. Hầu như ai cũng có thể hiểu, trừ những người câu nệ hoặc cố chấp. Có tai mà không muốn nghe, có nghe cũng không muốn hiểu, lời vào tai này liền luồn sang tai kia mà bay theo gió...
Không ngập ngừng, không úp mở, không bóng gió, Chúa Giêsu nói rõ ràng: “Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Ápraham, Isaac và Giacóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (Lc 13:28-29). Người Việt cũng có câu: “Khi vui chẳng nhớ đến ai, đến khi nóng cứ trái tai mà sờ”. Cái “trái tai” bị chúng ta lợi dụng nhiều quá!
Tương tự, khi chúng ta thấy ai đó được hãnh diện về điều gì đó (ví dụ: người đạt giải trong một cuộc thi nào đó), có người bắt khao, có người ganh tỵ, có người làm ngơ, có người bĩu môi,… Thậm chí mua chiếc xe cũng bị đòi “rửa xe”, làm được cái nhà cũng phải “mừng tân gia”. Đủ dạng, đủ kiểu, đủ mức. Nhưng chúng ta đâu biết rằng người đó đã nỗ lực và khổ luyện như thế nào mới được vậy, và cũng chẳng thiếu sự mất mát nào đó. Gian khổ càng dày, hạnh phúc càng cao. Thiên Chúa tuyệt đối chí công. Vả lại, Chúa Giêsu đã xác định: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5). Thánh Vịnh cũng nói rõ ràng: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 127:1). Bao nhiêu nỗ lực cũng vô ích mà thôi!
Quá trình vào Nước Trời cũng vậy. Nếu cứ thảnh thơi, sống khơi khơi, chơi tà tà trong lúc hành trình thì chẳng có gì đáng nói, đáng công, đáng thưởng. Những người chịu thiệt thòi ở cuộc đời này, nếu biết kết hợp với cuộc khổ nạn và tử nạn của Đức Kitô thì sẽ lợi ích lắm. Chắc chắn Thiên Chúa có kế hoạch độc đáo của Ngài. Những người đó không chỉ chịu thiệt thòi mọi thứ ở cuộc đời tạm này, mà thậm chí họ còn bị chúng ta khinh khi, miệt thị, ruồng rẫy. Nếu họ chịu khổ đủ thứ mà “tương lai” không xán lạn thì hóa ra Thiên Chúa bất công. Thế nhưng không phải vậy! Và Ngài tuyên bố thẳng thắn: “Những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót” (Lc 13:30). Một dạng hoán vị vô cùng thú vị – khốn đốn cho người nọ và ngạc nhiên cho người kia. Giờ G đã điểm. Không thể thay đổi được gì nữa!
Câu kết luận của Chúa Giêsu là lời “nhắc khéo” với những ai đang an nhàn hưởng thụ cuộc sống, đang ung dung tự tại, đang vinh thân phì da ở đời này. Thánh Phaolô cũng đã có lần cảnh báo: “Ai tưởng mình đang đứng vững thì hãy coi chừng kẻo ngã” (1 Cr 10:12).
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con tỉnh thức, can đảm và khôn ngoan “lách mình” vào những lối hẹp của cuộc sống đời này để tôi luyện chính mình có thể nên hoàn thiện và nên giống Con Một Yêu Dấu của Ngài. Xin Ngài ban ơn cho mọi người sống đúng trách nhiệm và bổn phận của mình, xin nâng đỡ những người đau khổ để họ biết dùng chính đau khổ làm bậc thang lên Nước Trời. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
CHUYỆN NHỚ QUÊN
[Niệm ý Mt 25:1-13]
Đi học quên bút, sách
Có phải là học sinh?
Điều cần thì quên sạch
Chỉ nhớ thứ linh tinh
Cô gái “đảm đang” lạ
Đi chợ quên đem tiền
Kiểu “vô tư” như thế
Không biết tỉnh hay điên
Đèn có, dầu chẳng có
Mà đòi soi đường đi
Cái bụng không có dạ
Vì ruột để ngoài da
Xin Chúa giúp luôn nhớ
Ngài sẽ đến bất ngờ
Tỉnh thức, chớ mê ngủ
Kẻo lạc giữa giấc mơ
Xin Thánh Thần Thiên Chúa
Khơi thần khí khôn ngoan
Biết dấn thân phục vụ
Giữ đèn sáng mến tin
TRẦM THIÊN THU
Sáng 23-8-2019
CHUYỆN TIỆC CƯỚI
[Niệm ý Mt 25:1-13]
Trinh nữ có mười cô
Cùng hăm hở đợi chờ
Vì chàng rể chưa đến
Họ chờ mãi tới khuya
Nửa đêm có tiếng hô
Chàng rể đến rồi kìa
Mọi người vui hớn hở
Ra đón chàng rể vô
Năm cô khôn và khéo
Đèn có dầu trữ theo
Không lo đèn bị tắt
Đèn sáng chẳng lo âu
Năm cô khờ nên dại
Đèn thiếu dầu tối mù
Ra ngoài mua không kịp
Cửa kép chẳng được vô
TRẦM THIÊN THU
Chiều 23-8-2019
CÕI XƯA
“Hồi tưởng lại bao ngày xa cũ, tâm hồn ấp ủ những năm xưa” (Tv 77:6)
Khơi miền ký ức xưa xa
Vị quê hương thật đậm đà yêu thương
Đồng bào mưa nắng, gió sương
Vẫn luôn nguyên vẹn một lòng nghĩa nhân
Nhìn nhau niềm nở, ân cần
Cuộc sống lặng thầm nhưng rộn rã vui
Cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi
Cùng nhau kinh kệ chung lời ngợi ca
Niềm tin sáng cả nhà thờ
Dù cho vất vả bốn mùa gian nan
Bây giờ còn nhớ hay quên
Ngày xưa một thuở êm đềm quê hương
Cầu xin Thiên Chúa xót thương
Cho quê hương Việt trọn lòng tin yêu
TRẦM THIÊN THU
Chiều 23-8-2019
TAM KHỐN
[Bi khúc Hc 2:12-14 và Hc 4:21]
KHỐN con người hèn nhát
Những bàn tay rã rời
Lòng dạ không trung thực
Cứ lập lờ nước đôi
KHỐN quả tim nao núng
Nhưng miệng lại ba hoa
Bởi vì không tin tưởng
Nên chẳng được chở che
KHỐN kẻ mất kiên nhẫn
Bồn chồn suốt ngày đêm
Còn biết làm gì nữa
Khi Đức Chúa đến thăm?
Đời có hai loại nhục
Nhục tội lỗi, sai lầm
Và nhục là ân sủng
Dẫn đến ánh vinh quang
TRẦM THIÊN THU
Sáng 25-8-2019
ƯỚC ĐỜI
Chúng con xin lỗi Chúa
Vì lầm lạc lâu nay
Sống như kẻ vô đạo
Tội lỗi chất cao dầy
Cứ mạo nhận công chính
Ảo tưởng nên giả hình
Tự nhận mình là thánh
Soi mói anh em mình
Xin ban niềm xác tín
Để đi đúng con đường
Mà Chúa hằng mong muốn
Là bác ái, yêu thương
Xin khơi lòng tôn trọng
Đối với mọi tha nhân
Ðể trở thành nhân chứng
Sống động giữa gian trần
TRẦM THIÊN THU
Sáng 26-8-2019
NÉN TÌNH
[Niệm ý Mt 25:14-30 ≈ Lc 19:12 -27]
Chúa ban cho những ơn lành
Nhiều khôn xiết kể Thiên Tình xót thương
Hồng ân là những nén vàng
Chúa trao phải cố không ngừng lời thêm
Năm hay mười nén chớ quên
Vốn nhiều, vốn ít, phải thêm số lời
Chớ đem giấu, cứ ham chơi
Quen thói biếng lười, ắt khốn vào thân!
Nén tình Chúa vẫn ban luôn
Ai chăm làm sẽ được ban thêm nhiều
Lười thì chẳng được gì đâu
Vốn rồi cũng hết, khổ đau theo liền
Tạ ơn Chúa vẫn thương ban
Suối nguồn Ơn Thánh ngày đêm tràn đầy
Chúng con cảm tạ ơn Ngài
Xin thương dạy cách sinh lời nhiều hơn
Nén tình, nén đức, nén ơn
Nén tài, nén phúc, sớm hôm mỗi ngày
Chúng con muốn trọn ý Ngài
Nỗ lực miệt mài để có lời thêm
TRẦM THIÊN THU
Đêm 25-8-2019
CÁCH CẦU NGUYỆN
1. Khiêm Nhường – Nếu dân Ta, dân vốn kêu cầu Danh Ta, mà biết hạ mình xuống khẩn nguyện và tìm kiếm Nhan Ta, từ bỏ những con đường xấu xa mà trở lại, thì Ta, từ trời, Ta sẽ nghe và thứ tha tội lỗi nó và sẽ phục hưng xứ sở của nó. (2 Sb 7:14)
2. Liên Lỉ – Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu. (1 Tx 5:16-18)
3. Bình Tĩnh – Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. (Pl 4:6)
4. Thú Tội – Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính. (1 Ga 1:9)
LỜI CẦU TÍN THÀNH
Lạy Chúa, con vẫn cố gắng mỗi ngày càng nên tốt hơn;
con cố gắng bước đi với Ngài và thi hành ý Ngài,
mặc dù con cố gắng nhiều
mà đôi khi có vẻ như con lại trượt vào vết chân cũ.
Đôi khi con lẫn lộn,
mặc dù con muốn làm điều đúng,
con không biết đó là gì.
Vì thế, lạy Thiên Chúa,
con cầu xin Ngài uốn thẳng tâm trí và cuộc đời con.
Lạy Chúa,
xin dẫn con đi,
và xin ban Chúa Thánh Thần hướng dẫn con.
Mặc dù sự sửa trị gây đau đớn,
xin giúp con mở rộng tâm trí ra với sự thật của Ngài.
TRẦM THIÊN THU chuyển ngữ
RÌNH RẬP
[Niệm ý Lc 4:31-37 ≈ Mc 1:21-28]
Quỷ ma không ngủ bao giờ
Ngày đêm rong ruổi rình mò khắp nơi
Quỷ ma có thật, chẳng chơi
Nó không phải thứ ma trơi hay đùa
Quỷ ma ranh mãnh, mưu mô
Bẫy giăng khó thấy, tinh vi vô cùng
Ngọt ngào quảng cáo dễ thương
Thế nên rất dễ vô tròng nó ngay
Cầu xin Thiên Chúa ra tay
Giúp tỉnh thức hoài kẻo dính bẫy giăng
Chở che, ngăn chặn bất lương
Niệm suy Lời Chúa không ngừng ngày đêm
Xin ban sức mạnh Thánh Thần
Giúp con hoán cải, xa con đường lầm
Chỉ đường dẫn lối thiện tâm
Để sinh lực Chúa đầy tràn sớm hôm
TRẦM THIÊN THU
Sáng 27-8-2019
VỊ TRÍ
[Niệm ý Lc 14:1, 7-14]
Được mời dự tiệc là mừng
Nhất là tiệc cưới có đông khách mời
Mọi người đều muốn mình oai
Coi trọng chỗ ngồi – vị trí phải hơn
Phải ngồi trước, phải ăn trên
Chỗ ngồi khuất mặt thì buồn lắm thôi
Không oai mà lại bị xui
Chẳng khác chi ngồi xó bếp mà ăn
Thế nhưng với Chúa là hên
Nghĩa là khiêm hạ, tìm quên tiếng đời
Thực thi bác ái vì người
Chứ không lấy tiếng được người ta khen
Thương người như thể thương thân
Ca dao tục ngữ Việt Nam nói rồi
Đúng Tôn Ý của Chúa Trời
Cho đi không đợi được người trả ơn
Đời này mau chóng qua liền
Đời sau vĩnh cửu mới cần hơn thôi
Ngồi đâu mà chẳng là ngồi
Miếng ăn là miếng rất tồi, chẳng hay!
Ăn nhiều, uống lắm, khổ ai?
Khổ mình chứ chẳng ai thay cho mình
Ước gì sống trọn nghĩa tình
Với người, với Chúa – chân thành mới hay
Ngồi kia, ngồi đó, ngồi đây
Nước Trời có chỗ mới hay hơn người
TRẦM THIÊN THU
Cuối tháng 8-2019
NỐI ĐỜI
[Niệm ý Lc 4:16-30 ≈ Mt 13:53-58; Mc 6:1-6]
Chúa Giêsu về quê
Ngài cũng gặp rắc rối
Bởi người ta phách lối
Coi thường Chúa Giêsu
Công lý đòi tự do
Giải thoát người đau khổ
Chữa lành và tha thứ
Là công lý Nước Trời
Lạy Thiên Chúa Ngôi Lời
Ngài là Chúa sự thật
Xin cho chúng con biết
Sẵn sàng vâng lời Ngài
Làm đúng, diệt điều sai
Vượt qua mọi ranh giới
Vượt qua mọi trở ngại
Nối kết sợi yêu thương
TRẦM THIÊN THU
Chiều 26-8-2019
NƯỚC MẮT HỒI SINH
[Niệm ý Lc 7:11-14]
Bà góa thành Na-in
Có thằng con duy nhất
Thế mà nó lại chết
Lá vàng khóc lá xanh
Chúa Giêsu thương tình
Cho người con sống lại
Nước mắt người mẹ ấy
Sưởi ấm đứa con yêu
Có bà mẹ khổ đau
Monica lặng lẽ
Kiên trì cầu xin Chúa
Thương xót gia đình bà
Con Augustinô
Bao tháng ngày thất lạc
Được hồi sinh phúc đức
Nhờ nước mắt mẹ hiền
Hai người mẹ ưu phiền
Vì đứa con yêu dấu
Được Thiên Chúa hiểu thấu
Cho hai con hồi sinh
TRẦM THIÊN THU
Lễ Thánh Monica, 27-8-2019
PHỤC HỒI
[Niệm ý Lc 4:38-44 ≈ Mt 8:16-17; Mc 1:32-39]
Giao mùa thời tiết thất thường
Yếu người dễ bệnh, cõi lòng băn khoăn
Bà nhạc gia của Si-môn
Khổ vì sốt nặng, xác thân mệt nhoài
Chúa thương nên vội ra tay
Chữa cho bà được khỏi ngay tức thì
Chữa lành bất cứ bệnh gì
Quyền năng Thiên Chúa diệu kỳ biết bao!
Bệnh nhân tìm đến rất nhiều
Chúa thương chữa khỏi – hết sầu mà vui
Quỷ ma cũng phải xuất thôi
Nói Ngài là chính Con Trời đến đây
Người ta muốn níu kéo Ngài
Nhưng Ngài phải đến nhiều nơi, nhiều miền
Chúa luôn ở giữa chúng nhân
Vì lòng thương xót, ân cần cứu nguy
Vâng lời mệnh lệnh Chúa Cha
Ðến trần gian để tỏ ra Tình Trời
Tình Trời ở với mọi người
Mong ai cũng được sống đời bình an
Chúng con bệnh xác, bệnh hồn
Cầu xin Chúa chữa khỏi liền, Chúa ơi!
Ước mong cảm nghiệm Tình Trời
Tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi nhiệm mầu
TRẦM THIÊN THU
Sáng 28-8-2019
THỜI ĐIỂM
[Niệm ý Mt 24:42-51]
Nếu biết trước thời điểm
Xuất hiện kẻ côn đồ
Gian tham cướp hoặc trộm
Người ta sẽ ngăn ngừa
Bởi vì không thể biết
Chuyện xảy ra bất ngờ
Thế nên cần tỉnh thức
Không thỏa mãn đam mê
Tỉnh thức trong ân sủng
Luôn sẵn sàng đón chờ
Chúa bất ngờ gõ cửa
Vui mở ra, chẳng lo
Tỉnh thức là hoán cải
Sửa đổi những sai lầm
Lắng nghe lời Chúa dạy
Để đẹp lòng Chúa hơn
Có rất nhiều thời điểm
Niềm vui và nỗi buồn
Đời sợ một điểm hẹn
Vĩnh biệt cõi gian trần
TRẦM THIÊN THU
Chiều 28-8-2019
VŨ ĐIỆU SATAN
Quyền cao chức trọng mà hèn
Chỉ vì phụ nữ mà quên công bình
Sống buông thả, chỉ biết mình
Không lo đại sự, bạc tình với dân
Thế nên bán cả nước non
Làm quà cho gái, có hèn hay không?
Hê-rô-đê, một quốc vương
Bỏ công lý bởi có lòng quỷ ma
Nữ nhân uốn éo điệu tà
Khiến cho nghiêng ngả loại vua đốn hèn
Coi chừng vũ điệu Satan
Uốn mềm mà cuốn cong thân, mất hồn
Ngày đêm vẫn xuất hiện luôn
Cả tin, nhẹ dạ, tiêu tan cuộc đời
Càng hèn càng nhát càng tồi
Càng ngu càng ác với người hiền lương
TRẦM THIÊN THU
Sáng 29-8-2019
ĐONG ĐƯA ĐIỆU ĐỜI
Bồi hồi cuối Tháng Tám
Miên man những nỗi niềm
Không đợi chờ Tháng Chín
Vẫn lóng ngóng nhớ, quên
Bâng khuâng tiễn mùa hạ
Lặng lẽ đón mùa thu
Mùa chẳng quen, chẳng lạ
Chiếc lá sầu vu vơ
Cúi nhặt mấy nốt nhạc
Vụng vể ghép vào thơ
Tìm giai điệu thất lạc
Ướt sũng giữa cơn mưa
Soải bước đời trần thế
Tìm phương hướng về Trời
Bao phen bước nghiêng ngả
Điệu ru buồn chơi vơi
Cô đơn mỏi cánh vạc
Níu vào sợi thời gian
Khàn giọng kêu da diết
Trầm bổng lời nỉ non
Niệm đời lời Kinh Thánh
Mong ước không lạc loài
Đèn đức tin khơi sáng
Soi lối hẹp trần ai
TRẦM THIÊN THU
Lễ Thánh Gioan Tẩy Giả, 29-8-2019
CHUNG RIÊNG
Khắp nơi thấy bán sầu riêng
Sao không ai bán sầu chung bao giờ?
Cái riêng bán chẳng ai mua
Cái chung thì cứ bàn ra tán vào
Khen thì ít, trách thì nhiều
Như trận mưa rào làm khổ nhau thôi
Cái chung là của mọi người
Cái riêng là cái của Trời ban cho
Dù cho cái nhỏ, cái to
Cái nào cũng có cái lo nặng lòng
Lo ngoài rồi lại lo trong
Lo như bão đến thổi tung đời mình
Như tàu chao đảo lênh đênh
Quay cuồng sóng đánh tan tành ngoài khơi [*]
TRẦM THIÊN THU
Chiều mưa bão, 29-8-2019
[*] Tv 48:8 – “Quay cuồng như những chiếc tàu trên biển cả bị bão đánh tan tành.”
MỚI CŨ RẠCH RÒI
[Niệm ý Lc 5:33-39 ≈ Mt 9:14 -17; Mc 2:18-22]
Liên hoan tiệc cưới đang vui
Chẳng lẽ lặng ngồi, kiêng cữ, giữ chay?
Giả hình như thế không hay
Thật lòng thì chẳng thích bày vẽ chi
Mới và cũ chẳng là gì
Nhưng thật là kỳ vì đối nghịch nhau
Rạch ròi chúng chẳng hợp đâu
Cái kia phá hại, làm đau cái này
Cũ hay mới có cái hay
Cái gì không hợp, bỏ ngay kẻo phiền
Tin Mừng luôn phải ưu tiên
Cần can đảm bỏ tinh thần xấu xa
Cố chấp là thói quỷ ma
Yêu thương, bác ái mới là tín nhân
Vuông tròn bổn phận ngày đêm
Không ngừng biến đổi để nên trọn lành
TRẦM THIÊN THU
Sáng 30-8-2019
BỎ VÌ YÊU
Chỉ buông ra để bỏ đi
Dễ mà lại khó – khó gì khó ghê!
Thói quen vội vã vét vơ
Máu tham vốn dĩ từ xưa quen rồi
Bỏ sao khó quá đi thôi
Dẫu là bỏ thứ nhỏ nhoi, dư thừa
Cố buông bỏ mãi vẫn chưa
Bao năm qua vẫn cứ ù lì thôi
Bỏ mà cứ luyến tiếc hoài
Vì thế cuộc đời vẫn chẳng đổi thay
Sớm chiều vẫn cứ loay hoay
Quay qua quay lại, xoay xoay lòng vòng
Bỏ mình thật khó vô cùng
Thế nên việc thứ tha không muốn làm
Chẳng mau bỏ, cứ phân vân
Lòng còn tức giận, ghét ghen, lọc lừa,…
Không buông nên vẫn nặng nề
Cứ ì ạch mãi, chẳng ra khỏi mình
Cầu xin Thiên Chúa thương tình
Giúp con dứt khoát bỏ mình, làm ngay
Kéo con khỏi cuộc đắm say
Dám buông bỏ hết sự này, thứ kia
Ước gì bắt chước gương xưa
Mát-thêu bỏ hết, không gì luyến lưu
Đúng lên, chân bước, chẳng nao
Trả đời mọi thứ vì yêu Chúa Trời
TRẦM THIÊN THU
Trưa 30-8-2019
CHỈ CẦN CHÚA THÔI
[Niệm ý Lc 5:1-11 ≈ Mt 4:18-22; Mc 1:16-20]
Gian nan vất vả suốt đêm
Dày kinh nghiệm cũng chẳng làm được chi
Lưới không, thuyền rỗng, buồn ghê!
Bao nhiêu công sức chỉ là công toi
Chúa thương nên Chúa mỉm cười
Bảo Phêrô cứ ra khơi lưới liền
Lạ lùng cá nặng đầy thuyền
Mọi người kinh ngạc trước quyền tối cao
Con người tội lỗi càng nhiều
Càng hay lắm chuyện, đủ điều thị phi
Chúng con yếu đuối, xấu xa
Xin Ngài thương giúp nhận ra phận mình
Để luôn hoán cải chân thành
Cảm thông và biết trọn tình yêu thương
Cuộc đời cũng chỉ là không
Nếu không có những ơn thiêng Chúa Trời
Sức người cũng hóa công toi
Cầu xin Chúa giúp sống đời khiêm nhu
Chỉ cần có Chúa Giêsu
Mọi điều xuôi xắn, chẳng lo sợ gì!
TRẦM THIÊN THU
Chiều 30-8-2019
BƯỚC BUỒN
[Niệm ý Mt 19:16-22 ≈ Mc 10:17-22; Lc 18:18-23]
Làm sao để sống đời đời?
Làm sao vào được Nước Trời mai sau?
Dễ mà khó trả lời mau
Bởi còn tùy thuộc rất nhiều vào ta
Chàng kia là một đại gia
Muốn theo Chúa lắm nhưng mà lại thôi
Bởi vì Chúa nói rạch ròi
Bán hết gia tài để cứu thế nhân
Anh chàng nghĩ ngợi, phân vân
Chỉ vì tiếc của, chàng liền bỏ đi
Tiền, vàng, và cả đô-la
Cần cho cuộc sống nhưng nguy cho hồn
Thế nên phải khéo, phải khôn
Đừng vì vật chất mà hèn đời ta
“Cái tôi” tuy nhỏ mà to
Đó là tài sản khó xa, khó rời
Tưởng mình sống thánh thiện rồi
Điều răn giữ trọn hẳn hoi, đàng hoàng
Ai ngờ là khoảng mơ màng
Làm điều tốt vẫn đi hoang như thường
Đánh vần dễ chữ yêu thương
Sống thì khó, chẳng dễ dàng chi đâu!
Bán đời là bán tự kiêu
Gia tài tội lỗi còn nhiều, bán ngay!
Đừng như chàng nọ nói hay
Nhưng rồi làm chẳng đúng bài. Nguy to!
TRẦM THIÊN THU
Chiều 17-8-2019
TÌM ĐỜI
Như tên bay mất tháng ngày
Vèo qua tuổi trẻ, vụt bay xuân thì
Vụng về chẳng được việc gì
Ngày dài tháng ngắn qua đi vội vàng
Đêm nằm chưa kịp mơ màng
Thời gian đã vội chuyển sang ngày rồi
Đời người đâu mấy lần cười
Khóc thầm như những hạt rơi mưa dầm
Ngày qua, tháng hết, trọn năm
Nghĩ suy bừa bộn, băn khoăn rối bời
Bâng khuâng thi khúc chơi vơi
Miên man nhạc khúc bồi hồi du ca
Nguyện xin Thiên Chúa thứ tha
Ban ơn sống trọn bốn mùa trần gian
Nguyện xin Đức Mẹ đỡ đần
Chở che, dẫn dắt tới gần Giêsu
TRẦM THIÊN THU
Bình minh, 18-8-2019
LÁCH ĐỜI
[Niệm ý Lc 13:22-30]
Lách người đâu có dễ gì
Xỏ kim còn khó huống chi lách người
Khó hơn là phải lách đời
Qua bao khe khổ vẫn cười mới hay
Ớt ăn mà chẳng thấy cay
Ăn hết trái này lại tiếp trái kia
Lách qua cửa hẹp mà vô
Đúng là cự phách, ai chê được nào?
Nước Trời muốn lách được vào
Thì phải chịu nhiều đau khổ triền miên
Cay ngày nối tiếp đắng đêm
Lách qua khe khổ vào Miền Trường Sinh
TRẦM THIÊN THU
CHỮ NHẪN
Chữ NHẪN thật kỳ lạ
Không chỉ để đeo tay
Mà có nhiều ý nghĩa
Chữ NHẪN thật là hay!
NHẪN tượng trưng khế ước
Ngoéo tay thề hôn nhân
Thủy chung sau như trước
Dù sướng – khổ, vui – buồn
NHẪN nghĩa là nhẫn nhục
Nhẫn nhịn hóa nụ cười
Cái tôi cố gắng dẹp
Nhường nhịn nhau suốt đời
NHẪN không là thua cuộc
Mà là cao thượng hơn
Chấp nhận thua một nước
Ván cờ đời đẹp luôn
Cuộc đời luôn cần NHẪN
Mọi lúc và mọi nơi
Chữ NHẪN giữ cẩn thận
Gia đình sẽ tuyệt vời
TRẦM THIÊN THU
Chiều 16-8-2019
TĨNH LẶNG
“Hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6:31)
Cuộc sống luôn tất bật
Chuyện cơm, áo, gạo, tiền
Chạy xuôi rồi chạy ngược
Đêm nằm vẫn chưa yên
Đời ồn ào, náo nhiệt
Khiến mỏi mệt tâm can
Cần biết buông bỏ hết
Vào cõi lặng tâm hồn
Để lắng nghe tiếng Chúa
Ân cần gọi thì thầm
Hóa thân thành con trẻ
Vâng lời Chúa bảo ban
Chúa xót thương an ủi
Đỡ gánh nặng cuộc đời
Tình yêu sẽ biến đổi
Nỗi buồn hóa niềm vui
Khi Chúa chịu đau khổ
Ngài chẳng lời phân bua
Bị treo trên Thập Giá
Ngài sẵn sàng thứ tha
TRẦM THIÊN THU
Đêm 15-8-2019
NGƯỜI NGHÈO ASSISI
Cuộc đời Thánh Phanxicô
Hoàn toàn giống Đức Kitô
Sống vâng phục và nghèo khó
Quên mình vì đức khiêm nhu
Trọn đời Thánh Phanxicô
Hoàn toàn trút hết riêng tư
Thiết tha một lòng vì Chúa
Đêm ngày theo Đức Giêsu
Cuộc đời Thánh Phanxicô
Tử đạo với Đức Kitô
Xác thân ngài chịu năm dấu
Tâm hồn hạnh phúc hoan ca
Nguyện xin Thánh Phanxicô
Giúp con trút bỏ mọi sự
Không chút vấn vương trần thế
Sống theo tinh thần Phúc Âm
TRẦM THIÊN THU
Chiều 16-8-2019
BAY LÊN
Bay lên cao vút… Bay lên…
Bay lên theo Mẹ về bên Chúa Trời
Bay lên khỏi lụy cõi đời
Không còn vương vấn kiếp chơi vơi này
Bay lên theo Mẹ đêm ngày
Hát lời Tình Mến theo bài Thánh Kinh
Cầu xin Thánh Nữ Đồng Trinh
Kéo lên khỏi bến bùn sình trần gian
TRẦM THIÊN THU
Sáng 15-8-2019
SINH TỬ TỰ TÌNH
Một lần sinh thì cũng một lần chết
Loài thụ tạo, chuyện sinh tử tất nhiên
Chuyện luân hồi không có, chớ lan man
Sinh rồi tử nhưng chết không là hết
Chết cho người là tình yêu lớn nhất [1]
Như hạt lúa phải chết để sinh sôi [2]
Tình yêu Chúa hằng có mãi đời đời
Chính Ngài đã yêu thương chúng ta trước [3]
Mối tình ấy muôn thuở và bất diệt
Vẫn dành cho nhân loại lòng xót thương [4]
Ai quyết chiến sẽ đạt Phúc Thiên Đường
Chúa vẫn đợi, và có Mẹ ở đó
TRẦM THIÊN THU
Sáng 15-8-2019
[1] Ga 15:13 – “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.”
[2] Ga 12:24 – “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.”
[3] 1 Ga 4:19 – “Chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước.”
[4] Gr 31:3 – “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương.”
FÁTIMA – BÍ MẬT THỨ BA ĐƯỢC GIỮ KỸ TRONG THẾ KỶ 20
Có vài điều bí ẩn trong thế kỷ 20 nổi trội hơn Bí Mật Thứ Ba Fátima. Đức Mẹ đã cho ba trẻ mục đồng biết một bí mật gồm ba phần. Phần thứ nhất và thứ hai đã được công bố trong thập niên 1940, khi chị Lucía xuất bản tập hồi ký. Nhưng phần thứ ba chỉ được công bố khi có phép của Tòa Thánh. Các giáo hoàng trong thế kỷ 20 đều từ chối công bố phần thứ ba của bí mật Fátima, có vẻ như điều đó mãi mãi ở trong văn khố của Vatican.
Điều bí mật đó khiến người ta suy nghĩ, nhiều suy nghĩ về phần thứ ba của bí mật đó. Một số điều đã được chị Lucía công bố than phiền rằng Đức Giáo Hoàng không tận hiến cho Đức Mẹ theo yêu cầu nên một số người cho rằng Bí Mật Thứ Ba tiên báo rằng các giáo hoàng không công bố để tránh gây hoảng sợ.
Sau vụ ám sát ĐGH Gioan Phaolô II ngày 13-5-1981, người ta bắt đầu suy nghĩ về con người này. Ngài trở thành vị giáo hoàng của Fátima, đích thân hành hương tới tận nơi và đặt viên đạn đã làm ngài bị thương vào triều thiên của tượng Đức Mẹ làm dấu chỉ tạ ơn Đức Mẹ đã che chở ngài. Ngài nói rằng “một tay giữ cò súng và một tay hướng dẫn đường đạn”. Đó là điều thực sự ngạc nhiên về cách viên đạn có thể đâm vào cơ thể ngài ở những điểm nhạy cảm mà không trúng nội tạng quan trọng nào.
Gần 20 năm qua đi trước khi Đức Giáo Hoàng cho xuất bản điều bí mật. Có nỗ lực khi xuất bản điều đó vào năm 1984 và muốn tiết lộ điều bí mật vào ngày 13 tháng 5, để tưởng nhớ lần thứ nhất Đức Mẹ hiện ra tại Fátima. Khi nước Nga được đề cập trong phần thứ nhất của sứ điệp, sự sụp đổ của Liên Bang Soviet năm 1991 làm cho người ta suy nghĩ khác.
Cuối cùng, bản văn của Bí Mật Thứ Ba được công bố ngày 26-6-2000. Ba trẻ mục đồng đã thấy thiên thần hiện ra với lưỡi gươm lửa trong tay có vẻ như để đốt cháy thế gian. Nhưng sự hiện diện của Đức Mẹ đã ngăn chặn lửa hủy diệt loài người. Thiên Thần đã nói lớn ba lần: “Hãy ăn năn đền tội!”. Rồi ba trẻ thấy Giáo Hội bị bách hại dữ dội, có các giáo sĩ và giáo dân chết vì đức tin. Hai thiên thần đứng dưới chân Thánh Giá hứng lấy máu của các vị tử đạo và rẩy trên các linh hồn trên đường đi đến Thiên Chúa.
ĐHY Joseph Ratzinger (nguyên GH Bênêđictô XVI) đã xuất bản tài liệu bình luận thần học cùng với điều bí mật, để người ta có thể hiểu đúng về bản văn. Sau nhiều thập niên về điều bí mật và tình tiết, Giáo Hội muốn chắc chắn rằng điều đó không làm cho tín hữu hoang mang. Ngài nhấn mạnh rằng không có điều gì chưa biết về bí mật hoặc lời tiên báo về tương lai.
Sứ điệp của thiên thần yêu cầu ăn năn đền tội để tránh các tai họa là điều phải ghi nhớ. Sứ điệp Fátima có điều bí mật được tiết lộ trong Bí Mật Thứ Ba. Cầu nguyện và tôn sùng Đức Mẹ nên đi kèm với việc ăn năn đền tội. Đức Mẹ có thể ngăn chặn tai họa vì mối quan hệ đặc biệt với Con của Mẹ.
Bí Mật Thứ Ba thường được liên kết với vụ ám sát ĐGH Gioan Phaolô II. Như vậy, ngài được xác định là vị giám mục áo trắng mà ba trẻ đã nhìn thấy. Nhưng lời tiên báo có vẻ còn quan trọng hơn nhiều như thế. Có thể bài học sâu xa hơn đó là cầu nguyện và ăn năn đền tội cần được thi hành như phương thế bảo vệ khả dĩ tốt nhất đối với sự bội giáo. Bội giáo là tội chối bỏ đức tin, và sự bách hại đã trở nên phổ biến ở các quốc gia Tây phương. Việc từ bỏ Giáo Hội và không liên kết với tôn giáo có tổ chức xem chừng trở thành phổ biến và thịnh hành.
Số người bội giáo gia tăng chưa kết thúc kỷ nguyên của các vị tử đạo. Thế kỷ 20 đã chứng kiến rất nhiều cuộc tử đạo, cả giáo sĩ và giáo dân. Chính nước Nga đã tỏ ra là quốc gia có nhiều vị tử đạo và nhiều cuộc bách hại Kitô giáo. Lời Đức Mẹ kêu gọi cầu nguyện và ăn năn đền tội không được chú ý đúng mức, và như vậy thì Đức Mẹ không thể can thiệp như Đức Mẹ muốn. Sự hoán cải của nước Nga vẫn chưa đủ.
Tại Fátima, Đức Mẹ đã yêu cầu ba trẻ cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng. Sứ điệp của Đức Mẹ sẽ khó khăn đối với ngài, nhưng cũng là nguồn an ủi và sức mạnh. Điều rõ ràng về bí mật đó là kêu gọi cầu nguyện cho các đức giám mục và nhất là đức giáo hoàng. Giáo Hội của thế kỷ 20 và thế kỷ 21 là Giáo Hội đối mặt với sự bách hại nên cần sự bảo vệ của Đức Mẹ. Lạy Mẹ Fátima, xin cầu cho chúng con!
LM NICHOLAS SHEEHY, LC (Dòng Đạo Binh Chúa Kitô)
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
Đêm 16-8-2019
August 30, 2019