Suy Niệm của Huệ Minh

Chuá nhật 25 Thường Niên, năm C


Chúa nhật 25 thường niên, năm C

THÁI ĐỘ CỦA TA VỚI TIỀN CỦA THẾ GIAN

Ngày nay, chúng ta nhận thấy rất nhiều người dùng tiền để mua chuộc, để thăng quan tiến chức; hay có những người giàu vì làm ăn bất chính, nên họ thường rửa tiền để tránh sự dòm ngó của người khác. Những người như thế thường bị xã hội lên án vì hành động bất nhân của họ.

Thánh Luca thường hay dùng câu chuyện để dẫn vào một bài học. Câu chuyện là tuỳ, bài học là chính. Ở đây câu chuyện là sự khéo léo xoay xở của một tên quản lý bất lương. Vì là điều tuỳ, nên thánh Luca đã không quan tâm đến những chi tiết, chúng ta chỉ biết anh ta bị mang tiếng là đã phung phá sản nghiệp của chủ và bị cho nghỉ việc.

Lời Chúa Giêsu cảnh cáo sự dại dột của con người khi sử dụng tiền bạc của cải vật chất làm băng hoại đời sống con người hôm nay và mai sau. Và Chúa muốn mượn hình ảnh người quản lý để gửi đến cho tôi, cho bạn một thông điệp quan trọng: mỗi người là một người quản lý của Thiên Chúa, người quản lý phải khôn ngoan biết làm lợi cho Thiên Chúa, người quản lý phải biết tích lũy cho mai sau.

Trang Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu kể dụ ngôn “Người quản gia bất trung” đã làm thiệt hại cho ông chủ, nên đã bị ông chủ thải hồi. Nhưng, mặt khác, Chúa Giêsu lại khuyên họ hãy học theo gương người quản gia, vì ông ta đã biết dùng tiền của bất chính để mua chuộc bạn hữu, đã biết lo cho tương lai vận mệnh của mình.

Những người không muốn biết Thiên Chúa thì họ cho rằng thân xác, trí khôn, của cải, phương tiện họ có, là của họ làm ra. Họ làm chủ tất cả. Họ muốn sử dụng sao là quyền của họ. Họ thật lầm tưởng: tưởng họ làm ra và tưởng họ có quyền, hóa ra, họ không giữ được gì cho mình cả, kể cả thân xác, và hóa ra, họ đang làm nô lệ cho thân xác, cho tiền bạc, cho những phương tiện.

Người Do Thái thời bấy giờ, có nhiều người giàu có, họ thường lắm đồn điền ở nhiều nơi. Ông chủ không thể hiện diện cùng lúc tại nhiều chỗ được, vì thế, họ thường đặt những quản gia để trông nom kho lẫm và thay mặt mình để quản lý, điều hành mọi công việc. 

Người quản lý này bất lương ở chỗ nào, chúng ta không được rõ. Chỉ biết anh ta bị tiếng phá của nhà chủ. Ông này gọi anh ta đến để báo tin ông ta sẽ cho anh nghỉ việc. Thật là một tin bất ngờ sét đánh. Bỏ nhà này anh sẽ đi đâu? Sinh sống thế nào? Cuốc mướn thì không có sức, đi ăn mày thì xấu hổ. Vậy chỉ còn một cách tìm được người để nhờ vả. Anh vội vàng gọi các con nợ của chủ đến. Anh làm ơn cho họ để sau này họ sẽ giúp đỡ anh. Anh biến họ nên những kẻ đồng lõa. Và thấy lợi trước mắt họ đã làm theo anh.

Cư xử như vậy, đối với chủ là bất lương. Nhưng đó là khôn ngoan thế gian. Ðức Giêsu khen sự khôn ngoan đó vì Người thấy con cái đời này khôn khéo hơn con cái sự sáng. Người đã không khen các việc làm của người quản lý kia, vì anh ta là kẻ bất lương mà! Nhưng Người phải nhận rằng anh ta khôn khéo và mau lẹ. Và Người đau lòng khi nghĩ tới bình diện Nước Trời người ta không mau lẹ và khôn khéo như vậy. Này, Người đã đem ơn cứu độ đến trong lời giảng và gương sáng của Người, nhưng sao người ta hững hờ và chậm chạp đến như vậy! Gioan tẩy giả đã nói rằng: rìu đã được mang đến đặt dưới chân cây, Thiên Chúa sắp phán xét thái độ của loài người, thế mà người ta vẫn lững thững. Họ không lanh lẹ mau trí đối với Nước Trời như người quản lý ở bất lương kia đã mau trí lanh lẹ đối với sự việc ở đời này. Và đó là điều đau lòng và đáng trách!

Tưởng nghĩ mọi người nên nhớ cho rằng mọi sự đều là của Chúa, và chúng ta chỉ là người quản lý mà thôi. Mà nếu chỉ là quản lý, thì phải biết giới hạn, phải biết được vai trò của mình đến đâu và phải lo chu toàn trách vụ mà ông chủ trao cho, vì thế, ta phải trung thành và giữ chữ tín trong khi làm việc: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ. Vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ kia. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”(Lc 16,16).

Người Công Giáo phải luôn được nhận biết như là những người sát cánh với người nghèo và những người quảng đại trong việc giúp đỡ họ. Chúng ta được kêu gọi để trở nên một người: “Làm bạn với những người nghèo qua việc chúng ta dùng những hàng hóa, đặc sản của thế giới này”. Chúng ta có quyền trông đợi trở nên những người mà Thiên Chúa có thể tin tưởng để trao phó tài sản, vì chúng ta biết chia sẻ nó cho những người khác.

Và rồi, thái độ cần thiết là ta cần tránh những hình thức lạm quyền và sa đà vào tình trạng tội lỗi. Hãy biết chia sẻ cho người khác để làm giàu trước mặt Thiên Chúa và có lợi cho phần hồn của mình. Chia sẻ bác ái được ví như một sự cầu lần, nay người, mai ta: “Người giàu giúp kẻ nghèo ở đời này, nhưng người nghèo giúp kẻ giầu trong đời sau”. Thật thế, “Thương xót kẻ khó nghèo là cho Đức Chúa vay mượn, Người sẽ đáp trả xứng đáng việc đã làm”(Cn 19,17).

Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu đã đi từ bình diện trần gian sang bình diện Nước Trời. Ngài nói đến sự khôn khéo của con cái thế gian mà thúc giục con cái sự sáng hãy lanh lẹ hơn đối với công việc thiêng liêng. Chúa không chấp nhận thái độ tham lam tiền bạc, biến tiền bạc nên thần tượng, ngược lại Ngài muốn chúng ta dùng tiền bạc để chia sẻ và giúp đỡ kẻ khác. Thái độ trước coi tiền bạc là một thứ tôn giáo, quan điểm sau nhờ tôn giáo mà chúng ta thấy cần phải chia sẻ mọi sự với mọi người.

Thế nên ta phải biết lo cho tương lai của chính mình như người quản gia trong Tin Mừng hôm nay: “Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu” (Lc 16,9). Hãy mua lấy Nước Trời và làm giàu trước mặt Thiên Chúa là trách nhiệm hàng đầu của chúng ta. Thật vậy, tiền của vật chất rồi sẽ qua đi, nhưng chỉ có Chúa là tồn tại, vì thế hãy tìm mọi cách mà xây dựng, mua lấy Nước Trời cho cuộc sống mai hậu. Hãy biết lo cho tương lai của mình cách cẩn trọng. 

Qua Trang Tin Mừng hôm nay, có cơ hội để ta kiểm điểm lại thái độ của mình: chúng ta kiếm tiền của như thế nào? Ta chi tiêu tiền bạc như thế nào? Đồng thời thành khẩn cầu xin Chúa ban cho ta một nghị lực dứt khoát và can đảm để luôn chế ngự được hấp lực của đồng tiền, biết cách sử dụng tiền bạc của cải trần gian để đem lại ấm no, hạnh phúc đời này và cả đời sau nữa.

Huệ Minh

 

Thứ Hai Tuần XXV Thường Niên.

Er 1,1-6; Lc 8,16-18.

HÃY LÀ CHIẾC ĐÈN SOI

          Dụ ngôn cái đèn mà Chúa Giêsu nói đến trong trang Tin Mừng hôm nay như phần kết của dụ ngôn người gieo giống, cốt để cho thính giả hiểu được sự cần thiết phải thực hiện điều mình đã nghe. Bởi vì, Lời Chúa, nếu chỉ lắng nghe không thì chưa đủ, nhưng cần được áp dụng và đem ra thực hành trong đời sống hằng ngày. Việc thực hành ấy trước hết nhằm biến đổi cuộc sống bản thân, kế đến mỗi người được mời gọi trở nên như những ngọn đèn chiếu tòa ánh sáng của Chúa Kitô Phục Sinh vào trần thế.

          Khi đưa ra hình ảnh chiếc đèn, Chúa Giêsu muốn nối lại truyền thống thực tiễn của Cựu Ước. Cựu Ước không thích những lý luận trừu tượng, uyên bác của Hy Lạp. Khi tuyên xưng Thiên Chúa là Ðấng chân thật, Cựu Ước không lý giải về những phẩm tính trừu tượng của Ngài, nhưng tìm cách đo lường sự trung thành của Ngài trong lịch sử nhân loại. Khi tuyên xưng Thiên Chúa là Ðấng chân thật, Cựu Ước luôn nói đến những can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử con người. Khi Thiên Chúa phán một lời, lời đó không phải là một lời nói suông, mà trở thành thực tế; Thiên Chúa không chỉ nói qua các tiên tri, nhưng cuối cùng Lời của Ngài đã thành xác phàm.

          “Chẳng ai đốt đèn rồi lấy hũ che đi hoặc đăt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng” (c.16). Khi đọc câu này, hẳn chúng ta đều biết đây là điều không thể xảy ra. Chúng ta thường thấp đèn vì muốn thấy sự vật chung quanh, vì quanh chúng ta toàn là một màu đen, một bóng tối. Chúng ta thích ánh sáng vì ánh sáng giúp ta nhìn thấy những vật khác rõ hơn, chính xác hơn.  Thế nhưng ở đây Chúa Giêsu lại nói : thấp đèn rồi lấy hũ che đi hay đặt dưới gầm giường, ý nói: khi  chúng ta  được Lời Chúa soi dẫn (x. Tv 118). Chúng ta đã lấy hũ che đậy bằng cách không sống thể hiện Lời Chúa. Một người khôn ngoan là người biết đặt đèn trên đế, để những ai vào được nhìn thấy ánh sáng lúc này đời sống của họ để Lời Chúa hướng dẫn và họ trở thành ánh sáng cho người khác, cho những ai muốn đi tìm ánh sáng. Họ trở thành chứng nhân cho nguồn sáng vĩnh cửu.

          “Chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng” (c.17). Chúa Giêsu khẳng định về những hành vi được thực hiện trong bóng tối sẽ bị ánh sáng phơi bày. Khi ánh sáng đến, bóng tối sẽ lùi xa. Đây cũng được kể như việc Chúa Giêsu đến trần gian. Ngài đến xoá tan mọi ngõ ngách của bóng tối thanh tẩy trần gian bằng ánh sáng. Bóng tối đó là tội lỗi, là ma quỉ, là bệnh tật... đang đè nặng trên đời sống con người. Đức Kitô đến giải thoát họ như lời Ngài đã đọc trong hội đường Nagiarét khởi đầu cho sứ vụ rao giảng để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho ngưòi mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức”(x.Mt 4,18). Ngài đến rao giảng Lời Cha, và làm cho lời Cha được sống động cụ thể trong hành vi của Ngài, và cái chết là lời chứng hùng hồn nhất  cho bài giảng của Ngài về Tình Yêu Thiên Chúa đối với con người.

          Tưởng nghĩ, những người Kitô hữu chúng ta đang sống trong cộng đoàn giáo xứ hôm nay luôn được mời gọi “đi bước trước, dấn thân và đồng hành, sinh hoa trái và vui mừng” (x.Tông Huấn Niềm vui Tin Mừng, số 23). Chúng ta phải nhận ra rằng chúng ta không được giảm bớt nỗ lực loan báo và làm chứng Tin Mừng, nhất là cho những người ở xa Chúa Kitô (x. Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, số 15). Bất cứ ở đâu cần ánh sáng và sức sống Chúa Kitô Phục Sinh nhiều nhất, nơi đó người Kitô hữu đều muốn có mặt ở đó (x. Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, số 30).

          Thay vì mang một thái độ cách ly khép kín, mọi thành phần trong cộng đoàn giáo xứ cần dấn thân và đồng hành, “đi ra vùng ngoại biên”, cởi mở và tiếp xúc với những gia đình, những mảnh đời hiện diện chung quanh ta, thậm chí với bất cứ những người mà ta gặp gỡ hằng ngày nơi trường học, công sở, nhà máy…

          Chiếc đèn được đốt lên phải đặt trên cao để soi cho mọi người trong nhà. Ðây là hình ảnh cuộc sống đức tin của người Kitô hữu: cũng như chiếc đèn, đức tin cần phải được thắp lên và chiếu sáng; nó phải được đốt lên bằng những hành động cụ thể hằng ngày. Thiên Chúa là Ðấng chân thật, bởi vì sự chân thật ấy được thể hiện bằng một chuỗi những yêu thương đối với con người. Người Kitô hữu chỉ thực sự là Kitô hữu khi cuộc sống của họ thể hiện chính cuộc sống của Chúa, là yêu thương và phục vụ.

          Nhìn vào thực tế hôm nay cho thấy dường như chúng ta đã và đang cố “đóng khung” nét đẹp đời sống Kitô giáo. Cụ thể, chúng ta chỉ giữ đạo chứ chưa sống đạo, hoặc nếu có cũng chỉ trong “khuôn khổ” nhà thờ chứ không ở nơi khác. Thế nên, đâu đó còn rất nhiều hình ảnh người Kitô hữu đánh lộn chửi nhau, ghen ghét thù hận, gian dối lừa lọc. Dám thử hỏi làm sao chúng ta có thể trở nên những ngọn đèn chiếu tỏa ánh sáng Chúa Kitô Phục Sinh, một thứ ánh sáng mang đến sự bình an và vui mừng đích thực?

          Và như vậy, trong lời nhắn nhủ của Chúa Giêsu hôm nay, mỗi người được mời gọi phải đổi mới, phải làm sáng lên và chiếu tỏa hình ảnh Chúa Kitô cho anh chị em xung quanh bằng một cuộc sống “nhiễm chất Chúa” với tất cả lòng chân thành, bác ái, công bằng, hòa thuận. Được như vậy, đời hôm nay của ta sẽ đầy giá trị tông đồ và ngày mai, ta sẽ được nghe lời khen thưởng của Chúa: “Nào hãy vào hưởng niềm vui của chủ anh” (Mt 25, 21b).

Huệ Minh

Thứ Tư Tuần XXV Thường Niên.

Er 9,5-9; Lc 9,1-6.

THI HÀNH SỨ VỤ

          Trong hành trình sứ vụ nơi dương thế, Chúa Giêsu đã kêu gọi và tuyển chọn cách đặc biệt Nhóm Mười Hai để các ông cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Ngài ban cho các ông lời chân lý đem lại ơn cứu độ, quyền năng trên ma quỷ và bệnh tật. Ngài sai các ông ra đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành những bệnh nhân.

          Lẽ thường, khi giao phó một công việc quan trọng cho ai đó thực hiện, chúng ta phải biết rõ khả năng và thật sự tin tưởng vào người ấy. Chúa Giê su biết rõ từng người trong các Tông Đồ không xứng đáng về tài năng lẫn đức độ để có thể đảm nhận những công việc trọng đại của Nước Trời. Thế nhưng, vì yêu thương và để các ông là những người đầu tiên đón nhận ơn cứu độ, Ngài đã tin tưởng giao phó cho các ông sứ vụ loan báo tin mừng Nước Thiên Chúa.

          Ðược Chúa Giêsu tuyển chọn và sống với Chúa, các Tông đồ cũng đã nghe Chúa giảng dạy và chứng kiến những phép lạ Ngài làm. Trong bài Tin Mừng hôm nay, tác giả Luca thuật lại biến cố Chúa Giêsu sai các ông đi rao giảng Tin Mừng, Ngài nhắc nhở các ông phải sống khó nghèo và hoàn toàn tin tưởng vào Chúa quan phòng.

          Người môn đệ theo Thầy không chỉ tin Thầy, đón nhận Thầy mà còn ở với Thầy, đón nhận sự dạy dỗ của Thầy, nên giống Thầy, thuộc trọn về Thầy, làm công việc của Thầy, trung thành cộng tác với sứ mạng của Thầy cách trọn vẹn. Chúa Giêsu cũng đòi hỏi các môn đệ của Ngài như vậy, và còn đòi hỏi dứt khoát hơn nữa, mới trung thành thi hành sứ mạng Chúa trao phó được. Suy niệm bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhìn lại ơn gọi của mình, và kiểm lại phẩm chất của ơn gọi ấy mà sửa sai để trở nên người môn đệ của Chúa Giêsu cách trung thành và trọn vẹn hơn.

          So với lần Chúa sai các môn đệ thì lần này có điểm khác biệt là thay vì được sai đi từng hai người, các Tông đồ được sai đi từng người một và được ban cho sức mạnh và quyền năng để trừ ma quỉ và chữa lành bệnh tật.

          Tuy nhiên, các ông cũng chỉ được sai đi trước để loan báo Ngài sắp đến. Huấn lệnh cho các Tông đồ trước khi lên đường có thể gồm 3 phần: Thứ nhất, trên đường đi các ông không được mang theo gì cả, mặc dù sứ vụ của các ông kéo dài một thời gian, chứ không phải chỉ có một vài ngày; điều đó có nghĩa là các ông phải hoàn toàn từ bỏ chính mình và chỉ tin vào sức mạnh của Lời Chúa. Thứ hai: khi tới nhà nào thì phải kiên trì, không được lùi bước; nói khác đi, các ông phải tin vào sứ mệnh của mình, tin vào sự quan phòng và chờ đợi thời giờ của Chúa. Thứ ba: các ông phải có can đảm trước sự cứng đầu của những kẻ chống đối các ông.

          Khi Chúa gọi chúng ta hay khi chúng ta muốn theo Chúa, Chúa đòi hỏi chúng ta sống thanh thoát, tự do, thong dong cách tuyệt đối về những sự thế gian không còn bám víu sự gì kể cả gia đình ruột thịt của chúng ta, không còn lo toan việc đòi để hoàn toàn theo Chúa và chăm lo việc của Chúa mà thôi. Sống đời sống tông đồ là sống đức tin, sống tin thần phó thác, chấp nhận bấp bênh gắn liền với thân phận Đức Kitô ở trần gian “Con người không có nơi tựa đầu”, luôn gắn bó với Đức Kitô và sứ mạng của Ngài. Chúng ta thực lòng sống theo Chúa Kitô, làm môn đệ Ngài chúng ta luôn quyết chí, sẵn sàng và dấn thân để bảo vệ sự trung thành với Chúa: chúng ta luôn bảo vệ phẩm chất của chúng ta là muối, là men,  là ánh sáng cho thế gian.

          Chúa Giêsu không muốn các môn đệ bị phân tâm bởi những hành trang vật chất và tiện nghi, dù chỉ là những thứ thiết yếu như chiếc gậy để tự vệ và vài món đồ để dự trữ, phòng xa. Ngài muốn họ hoàn toàn cậy trông vào tình yêu toàn năng và sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa. Ngài muốn họ đón nhận sự bấp bênh, sự thiếu an toàn, sự lệ thuộc vào Thiên Chúa và vào con người. Lại nữa, trong tương quan với anh chị em, Chúa Giêsu muốn các môn đệ không tìm kiếm tiện nghi hay sự trọng vọng khác biệt. Ngài muốn các ông trở nên mọi sự cho mọi người qua lối sống gần gũi, hòa mình vào cuộc sống của dân để giúp dân dễ đón nhận Tin Mừng.

          Là những Kitô hữu, chúng ta được tháp nhập vào Đức Kitô nhờ Bí tích Rửa Tội, được tham dự vào ba chức năng tư tế, ngôn sứ và vương đế của Người. Hội Thánh luôn thiết tha mời gọi chúng ta thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình bằng việc phúc âm hóa, nghĩa là loan báo Đức Kitô là Đấng Cứu Độ bằng chứng từ đời sống qua lời nói, hành động và việc làm cụ thể.

          Loan báo Tin Mừng hệ tại ở việc “đi”: đi vào giữa lòng đời và đi ra vùng ngoại biên. Loan báo còn là làm chứng, thực hiện những dấu chỉ, trong đó có dấu chỉ chữa trị những vết thương tinh thần và cả thể lý của những kẻ môn đệ Chúa Kitô được sai đến. Lời loan báo, giới thiệu Tin Mừng được đón nhận dễ dàng hơn khi có các dấu chỉ yêu thương, hy sinh, quảng đại… kèm theo. Điều này đòi hỏi các môn đệ phải nỗ lực thích nghi, sáng kiến trong sứ vụ. Nói cách khác, để chu toàn sứ mệnh, người môn đệ không thể ở yên một chỗ, nhưng phải di chuyển và đưa ra những kế hoạch cụ thể, thích hợp. 

          Việc loan báo tin mừng phải khởi đi từ việc chúng ta xác tín rằng: Ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua Đức Giêsu Kitô chính là cùng đích cuộc đời mỗi chúng ta. Thánh Phaolô giúp chúng ta thêm xác tín vào sự cao trọng của ơn cứu độ: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô.” (Pl 3, 8).

          Từ đây, chúng ta hãy luôn ý thức, ra sức sống sao cho được ơn cứu độ. Chính lúc chúng ta đặt trọn niềm hy vọng đời mình nơi thập giá Đức Kitô là lúc chúng ta đang giới thiệu Ngài cho những người chung quanh bằng chính đời sống của mình.

Huệ Minh

Thứ Năm Tuần XXV Thường Niên.

Kg 1,1-8; Lc 9,7-9.

SỐNG CÔNG CHÍNH

          Trang Tin Mừng hôm nay muốn nhắc nhở chúng ta về sự thật và chân lý. Qua lời nói, việc làm, và nhất là cuộc sống của Chúa Giêsu, Chúa Giêsu đã không ngừng là một dấu hỏi cho người đương thời. Mỗi người một câu trả lời, nhưng bất cứ ai cũng được mời gọi để bày tỏ lập trường đối với con người của Chúa Giêsu. Riêng Vua Hêrôđê, ông tiến thêm một bước là muốn đến gặp Chúa Giêsu.

          Sự xuất hiện của Chúa Giêsu với dân chúng đúng là một Vị Cứu Tinh đến với dân của Ngươi. Những phép lạ Chúa đã làm khiến nhiều người sửng sốt bỡ ngỡ, vì từ trước chưa có một vị tiên tri nào có thể làm được nhiều phép lạ giống như Người, và cũng chưa có một tiên tri nào có những lời giáo huấn thu hút được nhiều người đến để nghe Người giảng dạy. Ngay sau khi nghe tin Gioan bị chém trong ngục, Chúa Giêsu đã làm rất nhiều phép lạ cho người mù được thấy, người què đi được, người câm điếc nói và nghe được …

          Chúa đã đem tin lành đến cho muôn dân, qua những phép lạ Người đã làm cho dân chúng, những lời giáo huấn của Chúa đã cuốn hút khán giả đến lạ thường, dân chúng chỉ còn biết nghe quên cả ăn nghỉ, nhìn thấy đoàn dân đông đảo đi theo Người, khiến Chúa phải chạnh lòng thương họ, chữa lành nhiều bệnh nhân. (Mt 14, 13-21). Người đã hai lần làm phép lạ hóa bánh ra nhiều qua cử chỉ bẻ bánh đầu tiên của Chúa, từ đó mọi người cùng chuyền nhau bẻ bánh và trao cho nhau, cứ thế từ năm chiếc bánh và hai con cá đã được nhận ra hàng ngàn chiếc bánh, hàng nghìn con cá. (Mt 15, 32-39).

          Ta thấy khi Hêrôđê phạm tội tày trời là cướp vợ anh mình, bị Gioan cảnh báo, “nhà vua rất phân vân nhưng lại cứ thích nghe” (Mc 6,20). Đã thế ông không hối cải mà lại càng lún sâu vào tội lỗi: trong một phút cao hứng lỡ lời ông hứa càn với con gái Hêrôđia, và vì sĩ diện ông đã truyền chém đầu Gioan Tẩy Giả. Phải chăng lương tâm không ngừng cắn rứt ông vì những tội ác đó nên ông lại phân vân và tìm cách gặp Chúa Giêsu? Thế nhưng sự hối hận của nhà vua chỉ là một thoáng phù du. Ông tìm gặp Chúa Giêsu chỉ để kiểm tra xem con người làm nhiều phép lạ đó có phải là Gioan hiện về đòi nợ máu ông hay không.

         

          Chính Hêrôđê biết rõ nhân vật mà dân chúng đang đồn thổi không phải là Gioan Tẩy Giả, vì một lời hứa: chính ông đã ra lệnh chặt đầu Gioan tẩy Giả trong ngục. Vậy nhân vật mà mọi người đang đồn thổi là ai? Và nhân vật này còn vượt trội hơn cả Gioan nữa. Đối với một vị Vua như Hêrôđê điều ông ta muốn gặp con người nổi danh đó không phải là chuyện khó, nhưng tại sao ông ta không cho triệu vời người đó vào cung để gặp?

          Hêrôđê đã được gặp Chúa Giêsu trong cuộc Khổ Nạn (Lc 23, 6-12). Lúc ấy Ngài xuất hiện trong tư cách một phạm nhân. Dù vậy Hêrôđê cũng vui sướng vì ước ao của mình được thỏa nguyện. Ông đã nghe Ngài làm được những phép lạ lớn lao, nên ông ước mong được chứng kiến tận mắt một vài phép lạ. Tiếc thay Chúa Giêsu đã không muốn chiều Hêrôđê. Ngài đã không trả lời ông, cũng chẳng làm một phép lạ nào. Ngài thanh thản bình an trước những lời tố cáo của các thượng tế. Ngài không muốn tránh cái chết mà Ngài biết nằm trong ý định của Cha.

          Qua sự kiện này, chúng ta biết Hêrôđê đã không được diện kiến Chúa Giêsu trong suốt thời gian Người đi Công bố Tin Mừng, vì quyền năng của Thiên Chúa chưa muốn tỏ hiện cho con người này. “Vì giờ của Con Người chưa đến” (Ga 7, 30b), cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời Chúa, khi Philatô chuyển giao Chúa Giêsu cho Hêrôđê, “thì Hêrôđê mừng rỡ lắm, vì từ lâu Vua muốn gặp Người” (Lc 23, 8).

          Cuộc sống công khai rao giảng của Chúa Giêsu, qua lời nói và việc làm của Ngài, đã gây nên tiếng vang lớn đến mọi người. Những người ngay lành và có thiện tâm thì vui mừng hân hoan cảm thấy Thiên Chúa đã đến gần. Nhưng đối với những ai không có tâm hồn ngay thẳng, những người bị danh vọng và dục vọng làm lu mờ tâm trí như vua Hêrôđê thì lại lo lắng. Vua Hêrôđê bối rối và lo sợ khi nghe đến danh tiếng Chúa Giêsu, vì ông đã nhiều điều sai trái.

          Giữa một xã hội lấy bon chen làm khuôn vàng thước ngọc, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là một câu hỏi, nếu họ tiếp tục sống tinh thần nghèo khó.

          Giữa một xã hội lấy hận thù làm luật sống, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là một câu hỏi nếu họ vẫn tiếp tục yêu thương và tha thứ đến cùng. Giữa một xã hội mà nhiều người thường buông xuôi, thất vọng, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là câu hỏi, nếu họ tiếp tục sống lạc quan tin tưởng vào Ðấng luôn hiện diện trong lịch sử nhân loại. Giữa một xã hội mà sự tử tế đối với nhau đã thành một thứ xa xỉ phẩm, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là một câu hỏi, nếu họ tiếp tục sống tử tế với mọi người, ngay cả những người thù địch. Sống như thế quả là một đòi hỏi gay go, nhưng đó không chỉ là một cố gắng suông, mà là một thể hiện của một cuộc sống mật thiết với Chúa. Không có ơn Chúa, không sống kết hiệp với Chúa, người Kitô hữu không thể đi đến cùng những cam kết sống chứng nhân của họ.

          Ngày hôm nay, lương tâm của mỗi chúng ta có bối rối lo sợ khi nghe nhắc đến Đấng là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống hay không? Chúa cần nơi mỗi người là lòng ăn năn sám hối, nhìn lại bản thân mình để biết từ bỏ con người tội lỗi mà quay về với Chúa để Chúa thứ tha và đón nhận vào Nước Trời.

huệ Minh

 

Thứ Sáu Tuần XXV Thường Niên.

Kg 1,15b-2,9; Lc 9,18-22.

ĐỨC KITÔ LÀ AI ĐỐI VỚI TA ?

          Cha Vinh Sơn, người đề xướng việc bác ái hiện đại, là đấng sáng lập Dòng Lazaristes và Tu Hội Nữ Tử Bác Ái tại Pháp.

          Là nông dân vùng Landes, Vinh Sơn Phaolô vừa thông minh lại vừa có trực giác tốt. Sau khi học xong thần học ở Toulouse, Thầy Vinh Sơn được phong Linh Mục năm 1600. Vào năm 1612, người ta thấy cha ở trong triều của vua Henri IV. Sau đó là cha xứ Clichy, gần Paris, rồi tổng tuyên úy quân đội.

          Nhưng vào năm 1617 mới xảy ra điều mà sau này cha gọi là “cuộc trở lại" của mình. Là cha xứ Châtillon-sur-Chalaronne, nằm ở trung tâm vùng Dombes, cha khám phá ở giữa vùng đầm lầy này tình trạng nghèo đói và bệnh tật, một tình trạng khốn khổ khủng khiếp. Cha Vinh Sơn lập tức hiểu ra rằng sự cứu trợ khẩn cấp không thể giải quyết đến nơi đến chốn tình trạng khốn khổ ấy. Cha bàn bạc với các phụ nữ – là những người có óc thực tế – để thành lập "Hội Các Bà Bác Ái".

          Cha Vinh Sơn Phaolô cũng quan tâm đến việc rao giảng Tin mừng cho các miền nông thôn: năm 1625 cha thành lập các Linh Mục truyền giáo mà sau này người ta gọi là Dòng Lazaristes vì các Linh Mục này sống ở Paris trong khu vực tu viện Thánh La-da-rô. Cha Vinh Sơn cũng phụ trách việc huấn luyện các Linh Mục là những người thường rất dốt nát vào thời bấy giờ.

          Cha Vinh Sơn tuyển mộ các thiếu nữ nông thôn cho cuộc chiến ác liệt nhất chống lại tình trạng nghèo đói: đó là các “Nữ Tử Bác Ái", do Louise de Marillac hướng dẫn. Mọi người đều nhớ đến chiếc áo thô dày và cái nón trắng lớn hình cánh chim: các chị đi xe đạp hay xe hơi hai ngựa, đó chính là các nữ tử bác ái !

          Vào thời ấy Nước Pháp rất cần đến các chị. Các chị làm cho các bệnh viện thành nơi dễ chịu hơn, vì khi ấy bệnh viện là nơi làm người ta phải sợ hãi vì bệnh nhận chen chúc sáu người trên một chiếc giường. Đường phố đầy dẫy các người ăn xin, Cha Vinh Sơn quyết định mở một nhà đón tiếp, rồi mở nhiều "nhà nhỏ" do các nữ tu quản lý. Mỗi năm có hàng ngàn trẻ em bị bỏ rơi ở Paris: Louise de Marillac thành lập một bệnh viện cho các trẻ mà người ta nhặt được này. Để cứu giúp vùng Lorraine bị chiến tranh tàn phá, cha Vinh Sơn tổ chức đoàn xe cứu trợ nhân đạo đầu tiên trong lịch sử.

          Là một con người khiêm tốn nhưng nhiệt tâm và tháo vát, cha Vinh Sơn đã mặc cho Bác Ái một dung mạo hiện đại. Cha được phong thánh năm 1737 và là bổn mạng của công việc bác ái từ năm 1885.

          Qua trang Tin Mừng hôm nay, ta thấy trước khi Chúa Giêsu gọi các môn đệ theo Ngài, Ngài cũng lên núi và cầu nguyện suốt đêm. Ta thấy Tin Mừng hôm nay trình bày việc Chúa Giêsu đi cầu nguyện một mình trước khi Ngài đặt câu hỏi cho các môn đệ về căn tính của Ngài : “Đám đông nói Thầy là ai ?” “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?”

          Các môn đệ đã trả lời cho Chúa Giêsu như một thông tin về đám đông đang nghĩ gì về Chúa. Ngài có thể như là : “Ông Gioan Tẩy Giả, ngôn sứ vĩ đại Êlia, hoặc là một ngôn sứ nào đó đã sống lại.”  Những nhân vật ấy đã từng xuất hiện giữa dân và có ảnh hưởng đặt biệt quan trọng trên đám đông dân chúng đang chịu cảnh áp bức của đế quốc. Phải chăng đám đông dân chúng này đang chờ đợi nơi Chúa Giêsu, sẽ làm một cuộc cách mạng nào đó để giải phóng họ khỏi sự đô hộ ? Kiểu như nhóm nhiệt thành chuyên xách động dân chúng chống lại đế quốc Rôma mà đứng đầu là Baraba, đang nổi lên nơi một vài vùng ?

          Chúa Giêsu đang muốn biết các môn đệ, những người thân tín nhất của mình đang nghĩ gì về Ngài nên Ngài đã đặt tiếp câu hỏi : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” Phêrô đại diện anh em trả lời: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.” Câu trả lời này mang nội dung đúng hơn và đủ hơn, so với đám đông dân chúng.

          Phêrô đã trả lời đúng, vì Chúa Giêsu quả là Đấng Kitô hay còn gọi là Đấng Mêsia mà dân Do Thái mong đợi từ bao đời. Đấng ấy được xức dầu để lên làm vua của dân tộc Israel. Nhưng có thể Phêrô ngộ nhận về khuôn mặt của Đấng Mêsia đó. Chúa Giêsu không phải là Đấng Mêsia sẽ giải phóng dân Israel khỏi ách đế quốc Rôma, cũng không phải là người muốn lên làm vua trần thế.Thế nhưng rồi Ngài sẽ phải chịu khổ hình bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sống lại. 

          Như thế, Chúa Giêsu là Đấng Mêsia mang khuôn mặt của Người Tôi Trung đau khổ như được trình bày trong sách ngôn sứ Isaia đệ nhị.

          Phêrô và các môn đệ đã đang đi theo Đấng Mêsia nào ? Nếu các ông biết số phận bi đát đang chờ đợi Thầy của các ông, thử hỏi các ông có còn muốn theo Ngài nữa không ?

          Hôm nay Chúa Giêsu, Đấng Mêsia đã sống lại từ cõi chết vẫn đang hỏi mỗi người chúng ta: “Còn con, con bảo Thầy là ai ?” Mỗi người chúng ta sẽ phải trả lời như thế nào trước câu hỏi của Chúa Giêsu mà Ngài vẫn đang hỏi chúng ta trong từng chặng của cuộc đời ? Tôi phải cần biết Ngài là ai đối với cuộc đời của tôi, bởi lẽ tôi sẽ không đi theo Đấng mà tôi không hề biết. Dựa vào từng chặng kinh nghiệm trong cuộc đời, chúng ta có thể khám phá ra khuôn mặt của Chúa Giêsu khác nhau. Có lúc Ngài là Đấng ban phát ơn lành cho tôi. Có lúc Ngài là bạn đồng hành với tôi khi tôi gặp đau khổ, tuyệt vọng và bị bỏ rơi nhất. Có lúc Ngài là người tôi yêu nhất khi tôi quyết định dấn thân vào đời sống tận hiến để phục vụ Tin Mừng.

          Tin Mừng mời gọi chúng ta nhìn lại cách nghĩ của chúng ta về dung mạo đích thực của Chúa Giêsu. Khi thánh Phêrô đại diện các môn đệ tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, thánh nhân cũng chỉ hiểu chữ Kitô ấy theo quan niệm thông thường của người Do thái bấy giờ: là Đấng cứu tinh dân tộc Israel thoát ách nô lệ và xây dựng đất nước phồn vinh. Các môn đệ chỉ nhận ra dung mạo đích thực của Chúa Giêsu sau khi Ngài sống lại. Và lúc ấy các ông cũng hiểu rằng tuyên xưng Chúa Giêsu là Đức Kitô có nghĩa là đi theo con đường thập giá.

Huệ Minh

 

Thứ Bảy Tuần XXV Thường Niên.

Dcr 2,5-9.14-15a; Lc 9,43b-45.

ĐƯỜNG THẬP GIÁ

          Trang Mừng hôm nay là lời tiên báo về cuộc Thương Khó lần thứ hai của Chúa Giêsu. Trang Tin Mừng này nằm ngay sau chuyện Chúa Giêsu trừ quỷ cho một bé trai. Quyền năng trừ quỷ của Ngài làm mọi người kinh ngạc, bỡ ngỡ. Cũng như quyền năng của Ngài được thi thố trên những người đau ốm bệnh tật và ngay cả cái chết của con người đã khiến các môn đệ tin tưởng tuyệt đối hoàn toàn vào sức mạnh và quyền lực của Đấng mà mình đang đi theo.

          Và ta thấy chính khi các ông đang sống trong viễn ảnh huy hoàng của một Israel sẽ được khôi phục ấy, Chúa Giêsu lại bất ngờ tiên báo về cuộc Thương Khó sắp đến. Những lời của Chúa Giêsu : “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” ngay  lúc này không những thật mầu mà chẳng ăn nhập gì với tâm trạng đang thật phấn chấn của các môn đệ.

          Làm sao các ông có thể hiểu được những lời mang màu sắc bi ai và nhu nhược như thế khi các ông đã được chứng kiến một ông Giêsu đầy quyền năng trước các thế lực và thần lực. Chẳng lẽ một ông Giêsu có được sức mạnh quyền năng như vậy lại phải chấp nhận giơ tay chịu trói ? Hẳn lời tiên báo này đã làm các môn đệ hết sức bối rối. Và thánh sử Luca đã nhấn mạnh đến chuyện họ không hiểu : “Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó bị che khuất khỏi các ông, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa” (c.45).

          Chúa Giêsu đột ngột nói về viễn tượng tương lai rất gần: Con người sắp bị nộp vào tay người đời! (c. 44) Đó là lời loan báo về cuộc Thương Khó. Nhưng lần loan báo thứ hai này không giống như những lần loan báo khác, nghĩa là lần thứ nhất và lần thứ ba (Lc 9, 22 và 18, 31-34), vì lời loan báo này vừa bế tắc và vừa trái ngược. Bế tắc, vì không có phần loan báo mầu nhiệm Phục Sinh như lần loan báo thứ nhất ; trái ngược, vì Chúa Giêsu quyền năng như thế, nhưng tại sao lại sắp bị nộp vào tay người ta được?

          Mầu nhiệm Thương Khó thuộc về căn tính của Đức Kitô và của tất cả những ai đi theo Người. Trong một bài giảng cho các Đức Hồng Y, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Khi bước đi không có Thập Giá, nêu gương đạo đức không có Thập Giá, tuyên xưng một Đức Kitô không có Thập Giá, thì chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta là những ngưởi đời. Chúng ta có thể là Giám Mục, Linh mục, Hồng Y, Giáo Hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa”.

          Ngay sau đoạn Tin Mừng này, các môn đệ vẫn tranh cãi nhau về vấn đề ai là người lớn nhất trong nhóm (c. 46). Não trạng thích làm lớn, làm đầu hơn là phục vụ lúc này sẽ giúp cho chúng ta hiểu vì sao các môn đệ chưa hiểu được lời của Chúa Giêsu. Và các ông còn cản bước trước con đường mà thầy nhất quyết tiến lên Giêrusalem để chấp nhận trao nộp vào tay các nhà lãnh đạo Do Thái giáo.

          Một lý do khác khiến các môn đệ không hiểu được lời tiên báo của Chúa Giêsu, đó là khi quá nôn nóng mong đợi ngày Chúa Giêsu đến trong vinh quang, các ông đã quên việc Ngài phải trải qua khổ đau và cái chết trước đã. Họ tưởng Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi (Lc 19, 11), và tưởng Thầy Giêsu sẽ cứu chuộc Israel ngay lập tức (Lc 24, 21).

          Ngay sau khi Chúa Giêsu phục sinh, họ đã hỏi Ngài (Cv 1, 6) : “Có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không ?” Khát vọng phục quốc là khát vọng dễ hiểu nơi những con người đang bị đô hộ bởi ngoại bang này. Các ông nóng lòng mong đợi vinh quang cho Thầy, nhưng thật ra là mong đợi vinh quang cho chính mình. Bằng chứng là hai anh em nhà Giêbêđê xin được ngồi bên hữu và bên tả khi Thầy đến trong vinh quang mà.

          Họ bị ám ảnh về quyền lực, vinh quang và khát vọng phục quốc, nên việc Chúa Giêsu tiên báo về sự bại trận là điều họ khó hiểu và chấp nhận.

          Không như các môn đệ trong bối cảnh và tâm trạng lúc ấy, chúng ta có thể hiểu con đường của Chúa Giêsu đi, đó là con được của khổ giá và cái chết đau thương trên thập tự. Nhưng coi chừng chúng ta cũng như các môn đệ sẽ không hiểu được con đường của Chúa Giêsu khi chúng ta không chấp nhận mầu nhiệm  khổ nạn xảy đến ngay trên chính cuộc đời của mình. Coi chừng chúng ta cũng thốt lên những lời chua chát, như triết gia vô thần hiện sinh J.P Satre : “Cuộc đời này thật phi lý” khi gặp những đau khổ xảy đến.

          Kitô giáo đã không dạy chúng ta con đường tránh đau khổ, cũng không dạy chúng ta đi tìm đau khổ. Đau khổ và cái chết, tự bản chất là một mầu nhiềm và chúng ta chỉ có thể hiểu được nó sau khi vượt qua khỏi cuộc đời này. Điều mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta là Ngài đã giang tay đón lấy đau khổ với một tình yêu bao dung, và biến nó thành ơn cứu độ cho con người. Nơi thập giá chúng ta đã nhận ra tình yêu lớn lao và ơn tha thứ vĩ đại như thế nào của Thiên Chúa trao ban cho con người.

          Chúa Giêsu đã đón nhận khổ đau, Ngài đã biến khổ đau thành hiến lễ tình yêu, do đó khổ đau đã trở thành nguồn ơn cứu thoát cho nhân loại. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy vác lấy thập giá mình mà đi theo Ngài. Mỗi ngày có nỗi khổ riêng của ngày đó, hạnh phúc hay không, bình an hay không, là tùy con người có biết đón nhận khổ đau với tình yêu hay không.

          Các môn đệ chỉ hiểu được tất cả những lời của Chúa Giêsu khi Ngài từ cõi chết chỗi dậy và hiện ra với các ông. Ngày hôm nay người tin cũng đang sống trước mầu nhiệm phục sinh trong cuộc đời mình. Những ước mong chúng ta dễ dàng đón nhận những thập giá xảy đến trong cuộc đời với niềm hy vọng lớn lao là chúng ta đang thông phần mầu nhiệm khổ nạn của Chúa. Và như thế chắc chắn chúng ta sẽ được chung phần vinh quang phục sinh với Ngài.

Huệ Minh

 

KHÔN KHÉO

Lời Chúa: Lc 16, 1-13
Một hôm, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: ‘Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Anh hãy phúc trình về công việc quản lý của anh, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!’ Người quản gia liền nghĩ bụng: ‘Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!’ Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: ‘Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm thùng dầu ôliu’. Anh ta bảo: ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi’. Rồi anh ta hỏi người khác: ‘Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?’ Người ấy đáp: ‘Một ngàn thùng lúa’. Anh ta bảo: ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi’. Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.
“Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em? Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được.”
Suy niệm:
Cuộc đời này tươi hơn nhờ có người say mê nó.
Các vận động viên chịu khổ luyện để phá một kỷ lục.
Các nhà khoa học tận tụy để tìm ra một phát minh.
Các văn nghệ sĩ nhọc nhằn cưu mang một tác phẩm.
Các nhà kinh doanh bù đầu với chuyện nắm bắt thị trường.
Phía sau một tấm huy chương, một bằng khen, một giải thưởng,
có bao là mồ hôi nước mắt.
Say mê cuộc đời này chẳng có gì đáng trách.
Người Kitô hữu cũng sống hết lòng với cuộc đời này,
nhưng họ không say mê như thể chỉ có nó.
Ðúng ra họ say mê đời này vì họ say mê đời sau.
Ðời này chỉ là con đường dẫn đến mục đích tối hậu.
Sau khi kể xong dụ ngôn về người quản gia khôn khéo,
Ðức Giêsu phàn nàn vì chúng ta, những con cái ánh sáng,
lại không khôn bằng những người chỉ biết có đời này.
Người quản gia khôn vì ông dám đối diện với thực tế,
đó là chuyện ông bị chủ cho thôi việc.
Ông khôn vì ông biết giới hạn của mình:
Không đủ sức cuốc đất, không đủ mặt dầy mặt dạn để đi ăn xin.
Ông khôn vì ông biết xoay sở, tìm ra phương án tốt nhất,
biết tận dụng quyền hành còn lại của mình
để đem đến cho tương lai bấp bênh một bảo đảm.
Ðức Giêsu không dạy ta bất lương như người quản gia.
Ngài dạy ta biết khôn khéo như ông
khi gầy dựng cho đời mình tương lai vĩnh cửu.
Có vẻ đời sau thì xa xôi, không có sức thu hút,
không làm chúng ta say mê và dám đánh đổi tất cả.
Chúng ta thừa sôi nổi để xây dựng tương lai đời này,
nhưng lại thiếu táo bạo để xây đắp tương lai đời sau.
Chúng ta biết xoay sở để việc làm ăn khỏi thua lỗ,
nhưng chúng ta lại thiếu cương nghị và dứt khoát
để đầu tư mọi sự mình có cho Nước Trời.
Cái giằng co của đời sống Kitô hữu nằm ở chỗ
vừa say mê cuộc đời này, vừa say mê vĩnh cửu.
Họ say mê cuộc đời này không thua bất kỳ ai,
bởi vì giữa cái mau qua, họ gặp được vĩnh cửu.
Kitô hữu làm việc, vui chơi như mọi người,
nhưng vẫn có cái gì rất khác nơi họ.
Không phải vì họ dành cho Chúa một thời gian ít ỏi
để đọc kinh, cầu nguyện, dự lễ...
nhưng vì họ đã để Chúa đi vào toàn bộ đời mình.
Chúng ta cần giữ một sự thăng bằng trong cuộc sống.
Sự thăng bằng này lại nằm ở chỗ
chúng ta nghiêng về phía Chúa và để Ngài làm chủ đời mình.
Tiền bạc, của cải không phải là điểm tựa,
dù ta rất cần tiền và phải kiếm tiền để sống.
Không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của,
không thể phụng sự hai chủ như nhau, trong cùng một lúc.
Tôi tự hỏi những chủ nào đang thống lĩnh đời tôi.
Ước gì tôi được tự do nhờ biết làm tôi cho Thiên Chúa.
Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.
Xin giúp chúng con được tự do thực sự :
tự do trước những đòi hỏi của thân xác,
tự do trước đam mê của trái tim,
tự do trước những thành kiến của trí tuệ.
Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,
để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con được tự do như Chúa.
Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,
khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi
và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,
vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.
Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay cao.
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

 

- October 1, 2019