dongcong.net
 
   
 
 
 
 

 

 
Maria, Mẹ Con
 
     
<<<    

MẸ ĐỒNG CÔNG

Viết những dòng này đang khi tôi thăm Hồi quốc Pakistan, tháng hai 1978. Tại đây, tuy 99% là Hồi giáo, nhưng họ tôn sùng Đức Mẹ một cách đặc biệt. Nói phạm tới Đức Mẹ là phạm tới tôn giáo của họ. Họ sẽ không tha thứ. Họ trọng kính Đức Mẹ vì lý do duy nhất: Người là Mẹ Đức Giêsu. Đối với anh em Hồi giáo, Đức Giêsu quả là Lời của Thiên Chúa, là một đại Tiên Tri. Nhưng là người Hồi giáo không thể quan niệm được rằng Đức Giêsu cũng là Thiên Chúa như Allah. Họ  tin có một Chúa duy nhất. Đức Mẹ Maria là mẹ vị đại Tiên Tri đó, nên giáo dân phải tôn kính cho hợp đạo. Từ Hồi quốc nhìn về  những nơi gọi là đạo gốc, nhất là nhìn về những người có bổn phận phải bảo vệ Đức tin, tôi cảm thấy phần nào hổ thẹn và lo sợ cho tương lai, vì người ta bỏ qua một tín điều đặc biệt trong kinh Tin kính: “Tôi tin bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, mà Người xuống thai sinh bởi Đức Bà Maria đồng trinh”.

Riêng một việc Đức Mẹ Maria là Mẹ Chúa Giêsu cũng đủ để chúng ta tôn kính người với hết khả năng rồi. Nhưng mối tương quan giữa Đức Mẹ và chúng ta còn có những đặc điểm vô cùng can hệ: Mẹ Đồng Công Cứu Thế. Về điểm này có một số người do dự không dám đề cập tới vì sợ phạm đến tín điều Đấng Cứu Thế duy nhất là Đức Kitô. Đúng thế không ai phủ nhận rằng chỉ có Đức Giêsu Kitô mới là Đấng Cứu Thế. Chỉ có công nghiệp của Đức Giêsu mới có giá trị vô cùng và có thể đền tạ hoàn toàn, theo đức công bằng tuyệt đối, về những tội người ta phạm đến Thiên Chúa. Nhưng bên cạnh Chúa Giêsu, chúng ta thấy luôn hiện diện một người mẹ đau khổ, một người mẹ thấu hiểu những chi tiết đau thương của lời tiên tri về Đấng Cứu Thế, một người mẹ sẵn sàng chấp nhận mọi bất trắc có thể xảy đến, một người mẹ tình nguyện chịu đựng những đau đớn dữ dội nhất vì đã thấu hiểu ý Chúa Cha là Đức Kitô sẽ phải tử hình thập giá.

Những đau khổ đó lớn lên từng ngày theo đà tiến triển của Đức Giêsu. Để hiểu phần nào vấn đề, bạn thử đặt mình vào hoàn cảnh Đức Mẹ: Bạn có một người con duy nhất, một người con hoàn toàn về mọi phương diện, một người con yêu mến bạn hết chỗ nói.... đồng thời bạn biết rằng người con đó đang trên đường tới nơi tử hình. Mỗi bước con đi là mỗi phút tim ngừng đập. Mỗi ngày qua đi là một ngày gần phút vĩnh biệt. Mỗi giọt mồ hôi nhỏ ra báo trước cho những giọt máu sau cùng sắp thoát ra từ thân xác con yêu dấu! Tuy thế bạn không cản trở được thời gian. Bạn không cản trở được bước tiến tới giờ chết....

Trong hoàn cảnh đó thường có hai phản ứng: một là đau đớn tới thất vọng, ngày ngày ngồi khóc chờ giây phút bi ai tới, như trường hợp ông Jephte trong truyện các vị Quan Án tại Cựu ước: ông có người con gái duy nhất. Nhưng khi thắng trẩn kẻ thù về, ông thề hứa sát tế người nào ông gặp đầu tiên để hiến dâng Chúa. Chẳng may người đầu tiên ông gặp lại là chính con gái ông. Thấy con, Jephte xé áo kêu lớn tiếng: “Ôi con, con làm khổ cha, cha đã thề hứa với Chúa, cha không thể rút lời... cô con gái hiểu ý, xin cha cho mình hai tháng để khóc tuổi xuân với các bạn trên núi, rồi sẽ trở về để cha sát tế cho Chúa như đã thề hứa!!! (Judges 11, 29-40).

Phản ứng thứ hai là thái độ can đảm sẵn sàng chấp nhận và cương quyết thi hành điều Chúa truyền. Thái độ đó ta thấy có gương ông Abraham. Ông cũng chỉ có một người con duy nhất sinh ra lúc ông đã trăm tuổi già. Chúa hứa với ông rằng do người con đó dòng dõi ông sẽ sinh ra nhiều như sao trời cát biển. Abraham: hãy dẫn con lên đất Moriah và sát tế nó tại núi ta sẽ chỉ! Thật là tin sét đánh! Nhưng Abraham thức dậy ngay từ sáng sớm, chất củi trên một con lừa rồi cùng con và hai người đầy tớ lên đường. Abraham không nói nửa lời cho ai hay. Sau ba ngày đàng, ông hạ lệnh, cho hai người đầy tớ và con lừa đỗ lại một nơi, còn ông và Isaac tiến tới nơi Chúa chỉ. Isaac vác củi, còn Abraham mang lửa và gươm. Tới nơi, ông xếp củi thành đống, trói con lại đặt trên đống củi và rút gươm sát tế. Cũng chính lúc đó, Thiên Thần can thiệp hạ lệnh cho Abraham không được giết con ( Gen 22, 1-19). Thật là một gương anh hùng và đầy lòng tin tưởng vô điều kiện này của Abraham đã khiến ông trở thành Tổ phụ một dân lớn, tổ phụ của cả một dân riêng của chúa kể từ Abraham tới tận thế gồm dân Do thái và mọi người tin tưởng vào Đức Giêsu Kitô (Cf Rm 4, 1-25).

Nếu vì tin tưởng và vâng lời tuyệt đối mà Abraham đã trở thành Tổ phụ một dân tộc riêng của Chúa, thì ta phải nói gì về Mẹ Maria. Từ khi đáp lời thiên sứ bằng hai tiếng “Xin vâng” Đức Mẹ đã cấp tốc theo con trên đường cứu thế, tượng trưng bằng việc hối hả đi từ Nazarét xuống Aih Karim thăm bà Elisabeth để Gioan được tha tội khi còn trong lòng mẹ. Quãng đường và thời gian Đức Mẹ phải đi không phải là ba ngày như Abraham, mà là 30 năm có lẻ. Chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, thêm 30 năm săn sóc lo lắng đêm ngày để dẫn của lễ toàn thiêu đó tới Núi Sọ, đó không phải là một việc đồng công lớn lao ngoài sức tưởng tượng hay sao?

Tại Núi Sọ, cũng là nơi xưa Isaac đã bị trói, đặt trên đống củi, Thiên Thần không hạ lệnh cho lý hình tha chết cho Chúa Giêsu, mà trái lại Chúa Cha đã để cho Chúa Con chịu mọi cực hình, như Đức Giêsu đã diễn tả trong những lời thốt ra sau hết: Lạy Cha, sao bỏ con? Không ai tả nổi nỗi thống khổ của Đức Mẹ dưới chân thánh giá. Đã có nhiều phim thời danh tả cuộc tử nạn của Chúa Cứu Thế, nhưng không phim nào diễn tả được nỗi thống khổ của Đức Mẹ vì nó thầm kín. Có những nghệ sĩ đóng vai Đức Mẹ một cách tài tình, nhưng lại rất thường tình , nghĩa là họ diễn tả  Đức Mẹ vật vã, ngất xỉu và thất vọng như bất cứ một người mẹ đau khổ nào khác. Nhưng theo thánh Gioan, thì Đức Mẹ đứng, và đứng gần thánh giá. Tâm trạng và thái độ của Đức Mẹ chính là tâm trạng và thái độ ông Abraham sẵn sàng sát tế con. Đức Mẹ đứng để chứng kiến từng tác động của con từ khi lý hình lột áo con. Lột áo trong trường hợp dính máu chính là lột da! Lột da con quả là lột da mẹ. Những hơi thở hổn hển, những tiếng thốt ra não nùng... tất cả và từng tác động của con đều ảnh hưởng sâu sa đến tâm hồn mẹ. Mẹ và con tuy hai mà một, nên những gì con chịu ngoài xác thì Mẹ đều chịu trong tâm hồn... ôi cuộc tử nạn đau thương! Ai tả nổi ! Vì thế ai thấu được nỗi đau thương có dồn dập trong lúc con ly trần, đồng thời cũng chồng chất trong tâm hồn Mẹ. Mẹ không chết ngất đi khi nghe tiếng búa, khi thấy đanh sắt thâu qua chân tay con, khiến những giọt máu hồng vọt ra tung toé, vọt và chạy tới tận chân mẹ đứng... là cả một phép lạ. Hiện tượng Mẹ còn đứng vững được dưới chân thánh giá là vì tâm hồn mẹ dũng cảm và đại lượng, sẵn sàng dâng con sát tế và đứng đó như Abraham, để sát tế con hầu cứu chuộc loài người.

Loài người không thể hiểu được mức độ đồng công của mẹ trong cuộc cứu chuộc kéo dài 33 năm, và nhất là dưới chân thánh giá. Nếu đức tin và lòng dũng cảm của Abraham đã khiến ông trở thành tổ phụ của dân Chúa, thì đức tin, lòng dũng cảm và sự cộng tác của Mẹ với Chúa Cứu Thế đã làm cho Đức Mẹ trở thành Mẹ dân Chúa, Mẹ Giáo hội, vì Giáo hội phát sinh từ Chúa Giêsu, từ cây thánh giá, thì tại đó có Mẹ Maria, đấng cộng tác đắc lực để sinh ra Giáo hội. Ta không thể hồ nghi việc Mẹ đồng công việc riêng của Chúa Giêsu. Từ ngày giáng trần, Chúa Giêsu luôn song hành cùng Đức Mẹ, cả hai đã cùng hoạt động mỗi vị một phương diện, cho việc cứu chuộc loài người.

Ôi Mẹ đồng công cứu chuộc, con mến Mẹ, con cảm tạ Mẹ. Xin Mẹ giúp con đáng nhận ơn Cứu Chuộc của Chúa Giêsu mà Mẹ đã đồng công cộng tác, để con sống xứng đáng là con Chúa, hầu được sống lại vinh quang, hưởng hạnh phúc ngàn đời Chúa hứa cho những người đã được cứu chuộc.

 

<tiểu mục <trang nhà

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)