Tình Mẹ Yêu Con
 
 


14. MẸ MARIA YÊU NGƯỜI THA THIẾT

Anh chị em rất thân mến trong Chúa Kitô và Mẹ Maria,

Hôm nay, tôi muốn cùng với anh chị em nhớ lại câu chuyện Thánh Phaolô Tông đồ Dân ngoại đã bị Thiên Chúa quật ngã một cách hết sức lạ lùng.

Hồi đó, ngài còn gọi là Saolê quê thành Tarxê là một người rất sùng đạo ông Maisen, đã luôn luôn triệt để giữ gìn và bảo vệ các lề luật Maisen. Ông đã hăng hái xung phong đi lùng bắt tất cả những tín hữu đã bỏ đạo cũ Maisen, để tin theo đạo mới do Chúa Kitô thành lập và các Môn đệ của Chúa rao truyền.

Một buổi sáng đẹp trời, muôn hoa đang khoe sắc, và muôn chim đang líu lo ca hót, Saolê phấn khởi lên đường diệt Kitô giáo. Khởi hành từ thành Tarxê quê hương của ông, ông tiến về thành Đamascô, nơi có một số giáo dân theo Kitô giáo.

Đang phi ngựa chạy như bay trên quãng đường trường hướng về Đamascô, lòng đầy hăng say tiêu diệt cái mà ông quan niệm là Tà đạo Kitô, thì bỗng nhiên một luồng ánh sáng kỳ lạ từ trời chiếu xuống bao trùm cả người và ngựa Saolê, làm con ngựa ngã quị, quật ông té nhào xuống đất! Đang bực mình vì con ngựa bất ngờ trở chứng, thì Saolê nghe tiếng lạ từ nguồn ánh sáng phát ra:

- Saolê! Saolê! sao ngươi lùng bắt Ta?

Ông Saolê ngạc nhiên hỏi lại:

- Lạy Ngài, Ngài là ai?

Tiếng lạ trả lời:

- Ta là Giêsu ngươi đang lùng bắt!

Nghe thế, chắc chắn anh chị em, cũng giống như Saolê xưa, vô cùng bỡ ngỡ và tự bào chữa ngay rằng: "Ủa! Sao kỳ lạ vậy? Saolê chỉ lùng bắt Kitô hữu thôi mà! Còn Đức Giêsu Kitô đã chết, nghe các Tông đồ của Ngài nói Ngài đã sống lại và lên trời đã lâu rồi mà?" Nhưng chính tai Saolê đã nghe rõ ràng chứ không phải mơ mộng gì. Tiếng lạ từ trời phán ra: "Ta là Giêsu ngươi đang lùng bắt."

Vậy ra, Chúa Kitô và các Kitô hữu cũng là một hay sao?

Anh chị em rất thân mến,

Đúng rồi, chúng ta là những chi thể, của cùng một thân xác của cùng một Chúa Kitô. Chúng ta chỉ thành một thân thể trong Chúa Kitô và chúng ta là những chi thể của nhau (Rom 12:5). Như lời Chúa Kitô đã phán: "Thầy là cây nho, chúng con là ngành... chúng con ở trong Thầy và Thầy ở trong chúng con. Cũng như ngành nho không kết hợp với cây thì không thể sinh hoa trái, chúng con cũng thế" (Jn 15:4-5).

Như vậy, tất cả anh chị em đều kết hợp trong một thân thể Chúa Kitô. Liên kết, nhưng vẫn riêng biệt, vì thế chúng ta buộc phải thương yêu nhau.

Chúng ta cũng cần để ý điều này nữa: Khi đề cập đến cuộc phán xét ngày tận thế, Chúa Kitô khen ngợi những người công chính đã thăm viếng và cho Chúa ăn, mặc. Những người này ngạc nhiên hỏi lại:

- Lạy Chúa, có khi nào chúng con đã cho Chúa ăn mặc hay đã thăm viếng Chúa đâu?

Thì Chúa trả lời ngay:

- "Thật, Ta nói thật với chúng con, mỗi lần các con làm những việc ấy cho một kẻ hèn mọn trong anh chị em Ta, là làm cho chính Ta" (Mt 25:31-40).

Chúng ta cần để ý câu Chúa nói: "Làm cho chính Ta", chứ Chúa không nói: "Như thế chúng con làm cho Ta". Nếu nói làm cho Ta thì coi như Chúa và tha nhân chỉ là tương đương, bằng nhau. Nhưng, chính lời Chúa xác quyết: Là làm cho chính Ta. Như thế có nghĩa là Tha nhân chính là Chúa Kitô. Chúa coi tha nhân như chính Chúa vậy. Ôi! thật là một mầu nhiệm cao vời làm sao chúng ta hiểu cho thấu!

ĐỨC BÁC ÁI CÓ HAI ĐỐI TƯỢNG

Như anh chị em đã biết: Chúa truyền cho chúng ta phải yêu mến Chúa hết lòng, hết sức, hết trí khôn, hết linh hồn và phải thương yêu anh chị em như yêu chính mình vậy. Như thế, chúng ta thấy rõ: Đức Bác Ái có hai đối tượng: Thiên Chúa và Tha nhân.

Nếu chúng ta chỉ yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết trí khôn, hết linh hồn mà thôi, rồi không yêu, hoặc thù ghét tha nhân, thì Đức Bác Ái của chúng ta chưa hoàn hảo, mới thi hành có một nửa.

Cũng giống như con người có hai chân. Nếu đủ hai chân lành lặn, chúng ta sẽ đi đứng dễ dàng. Nếu cụt một chân, bất kỳ là chân phải hay chân trái, chúng ta không thể đi được.

Chúng ta sẽ được về Trời sau cuộc sống tạm ở trần gian. Nhưng chỉ người nào có hai chân lành lặn mới vào nước Trời được, có nghĩa là ai thực thi trọn hảo Đức Bác Ái cả hai vế, vế Thiên Chúa và vế Tha nhân, như thế mới được về Thiên đàng. Nếu Đức Bác Ái bị cụt một vế, như cụt một chân, làm sao về Trời cho nổi!
Ai trong anh chị em mà không thuộc nằm lòng kinh Mười Điều răn, trong đó câu kết như sau:

"Mười điều răn ấy tóm về hai này mà chớ: Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự. Sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen."

Đức Bác Ái cũng giống như con người của chúng ta bởi hai thành phần kết hợp lại là Linh Hồn và Thân Xác. Nếu ngày nào đó, thành phần này tách rời khỏi thành phần khác, thì con người sẽ chết.

Cũng vậy, Đức Bác Ái bao gồm hai thành phần: Mến Chúa và Yêu người. Nếu tách rời ra, Đức Bác Ái sẽ chết. Hai thành phần này kết hợp chặt chẽ với nhau mật thiết đến nỗi Chúa đã phán:

"Ai xúc phạm đến anh chị em, là xúc phạm đến con ngươi của mắt Ta".

QUAN TRỌNG CỦA ĐỨC BÁC ÁI

Anh chị em muốn biết Đức Bác Ái quan trọng như thế nào, thì hãy lắng nghe lời Chúa Kitô và hai Môn đệ yêu quí của Ngài là Thánh Gioan và Thánh Phaolô đã dạy sau đây:

1. Trong bữa Tiệc ly, trước khi ra đi nộp mình cho quân dữ, Chúa Kitô đã âu yếm căn dặn các Môn đệ của mình rằng:

"Thầy ban cho các con một giới răn mới, là hãy thương yêu nhau. Thầy đã yêu các con thế nào, các con phải yêu nhau như vậy."

"Nếu các con yêu thương nhau thì mọi người sẽ nhận biết các con là Môn đệ Thầy" (Jn 13:34-35).

Anh chị em nên lưu ý lời Chúa truyền dạy đây gồm 2 điều rất quan trọng.

Điều 1. Chúa dạy chúng ta phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta. Mà Chúa yêu thương chúng ta như thế nào chắc anh chị em đã biết: Chúa đã sinh ra ta, cho gia nhập đạo Công Giáo, hằng ban ơn gìn giữ bảo tồn ta hằng giây phút, nhất là đã chịu mọi cực hình và chết ô nhục trên Thánh giá vì yêu chúng ta. Vậy thì, chúng ta đã yêu thương anh chị em như Chúa đã yêu thương chúng ta chưa? Ôi! thật là khó thực hành biết là dường nào!

Điều 2. Chúa dạy rằng: Nếu chúng ta thương yêu nhau thì mọi người sẽ nhận biết chúng ta là Môn đệ của Chúa. Như thế, dấu đặc biệt của người Công Giáo là dấu gì? Thưa đó là dấu Bác Ái.

Giá bây giờ tôi thử hỏi anh chị em rằng: Ai là người đạo đức nhất, Công giáo đúng nghĩa nhất trong gia đình anh chị em hay trong cộng đoàn của anh chị em nhỉ?

Chắc chắn đa số anh chị em sẽ trả lời ngay: là ông A, bà B, là anh C kia kìa, là chị H nè! Đó là những người năng đi lễ, siêng đọc kinh, chịu khó đóng góp cho cộng đoàn hoặc cho Đền thánh v.v...

Câu trả lời đó không đúng trăm phần trăm đâu anh chị em ạ.

Những đức tính mà anh chị em vừa nêu ra đó rất tốt, rất đáng khen ngợi. Nhưng, một chữ nhưng quái ác: nếu những người mà thiên hạ nhận xét bên ngoài đó là đạo đức, mà lại có tính hờn giận, thù ghét nhau lâu năm, hay nói hành nói xấu người khác, nghĩa là họ không chú tâm thực hành Đức Bác ái với tha nhân, thì họ chưa được gọi là người Công giáo đúng nghĩa, chưa được nhận vào danh sách Môn đệ quí yêu của Chúa đâu!

2. Thánh Gioan Môn đệ yêu dấu của Chúa, đứa con cưng của Mẹ, được biệt danh là Tông đồ của Đức Bác ái đã nói một cách mạnh mẽ rằng:

"Nếu ai nói tôi kính mến Thiên Chúa mà lại ghét anh chị em, đó là kẻ nói dối. Vì kẻ nào không thương yêu anh chị em mình thường xem thấy, thì không thể kính mến Chúa mà mình không xem thấy được" (1 Jn 4:20).

Rồi đến Thánh Phaolô, quen gọi là Tông đồ Lửa. Ngài quả quyết:

"Nếu tôi nói được các thứ tiếng của loài người và các Thiên thần mà không có Đức Bác Ái, tôi chỉ là kẻ khua chiêng gõ trống! Dù tôi nói tiên tri, thấu suốt mọi mầu nhiệm cùng mọi khoa học, hay dù tôi có Đức Tin mạnh mẽ khiến được núi di chuyển, nếu tôi không có Đức Bác Ái, tôi chỉ là hư vô! Dù tôi phân phát mọi của cải cho người nghèo, dù tôi hiến thân hy sinh cho lửa thiêu đốt, nếu tôi không có Đức Bác Ái, những hy sinh đó trở thành vô ích cho tôi!" (1 Cor 13:1-3).

KẺ THÙ CỦA ĐỨC BÁC ÁI

Anh chị em có biết kẻ thù lợi hại không đội trời chung với Đức Bác Ái là cái gì không?

Thưa kẻ thù chí tử của Đức Bác Ái chính là Tính Tự Ái.

Tự ái là lòng yêu riêng mình, là bo bo giữ chặt danh giá, quyền lợi, địa vị, gia sản của mình, là luôn đề cao cái tôi vị kỷ, cái bản ngã khả ố của mình. Bao giờ cũng cho mình là hay, là phải, là đúng, là hoàn hảo, còn tất cả những người khác đều kém hơn họ, ở dưới họ! Những người tự ái giống hệt con nhím.

Anh chị em đã trông thấy con nhím bao giờ chưa?

Nó có bốn chân, giống hệt con chuột đồng to, hay là con thỏ rừng. Mình nó đầy lông nhọn hoắt như những chiếc dùi. Lúc bình thường nó nằm, ngồi, đi đứng thì trông rất hiền lành dễ thương. Nhưng hễ có ai động chạm đến nó, là nó xù hết lông lên, rồi bắn lông nhọn hoắt vào đối phương ngay lập tức!

Người giầu tự ái cũng giống như thế: Hễ ai động chạm đến danh giá, quyền lợi, địa vị hoặc gia đình họ, tức khắc họ nổi sùng lên, phản ứng lại đối phương ngay lập tức. Họ không muốn cho bất cứ ai xúc phạm hoặc động chạm đến họ và gia đình họ.

Bác Ái và Tự Ái giống hai bàn của cái cân: Bác Ái nhiều thì bàn cân hướng mạnh về Bác Ái mà Tự ái biến đi, kể như không có. Ngược lại Tự ái mà nhiều, thì làm bàn cân hướng hẳn về Tự ái mà Bác Ái lại biến mất đi.

MẸ MARIA YÊU NGƯỜI THA THIẾT

Tôi xin hỏi anh chị em: Đức Bác Ái quan hệ và cần thiết như thế, ai trong dòng giống nhân loại đã giữ trọn vẹn được cả hai vế: Bác Ái đối với Chúa, nhất là Bác Ái đối với tha nhân?

Chắc chắn câu trả lời chưa có ai, ngoại trừ Đức Mẹ Maria.

Phải rồi, chỉ có Đức Maria, Mẹ yêu dấu của chúng ta đã triệt để yêu người và yêu một cách tha thiết mạnh mẽ.

Chúng ta muốn hiểu rõ tình yêu của Đức Mẹ đối với tha nhân như thế nào thì phải hiểu tình yêu của Mẹ đối với Thiên Chúa trước đã. Trong ánh sáng của ân sủng, Đức Mẹ thấy rõ Thiên Chúa ngự trong người ta. Mẹ hiểu biết ước vọng vô biên của Thiên Chúa là muốn thông ban mình cho người ta một cách rõ ràng, đến nỗi vừa khi biết được thì Mẹ đã phải yêu họ bằng một tình yêu không bờ bến.

Như vậy, Mẹ yêu tha nhân không phải vì tha nhân mà Mẹ yêu Chúa trong tha nhân. Tha nhân chính là hình ảnh Thiên Chúa.

Mầu nhiệm Ngôi Hai Nhập Thể làm người đã mang lại cho Mẹ những nguồn sáng mới và đặt Mẹ trong những liên lạc mới đối với nhân loại. Từ đó, Mẹ không những chỉ nhìn nhận tha nhân như những thụ tạo được Thiên Chúa yêu thương, mà Mẹ còn nhìn nhận họ như những đứa con riêng của Mẹ, như những Giêsu Khác mà Mẹ có nhiệm vụ phải giúp họ trở nên giống Giêsu Con đầu lòng của Mẹ. Như thế đủ biết Mẹ yêu họ biết chừng nào!

Thánh Kinh chỉ tả rõ hai trường hợp Mẹ thực hành Đức Bác Ái cách nhanh chóng và trọn hảo, đó là lúc Mẹ đi thăm bà dì Elizabeth và ở lại đó ba tháng để giúp bà chị họ sinh con đầu lòng là Joan (Lc 1:39-56).

Trường hợp thứ hai, trong tiệc cưới Cana, gia chủ đã hết rượu đãi khách, Mẹ đã vội vã xin Chúa Giêsu làm phép lạ để cứu vãn thanh danh cho chủ tiệc cưới, mặc dầu giờ của Chúa chưa đến (Jn 2:1-12).

Phúc âm không kể đến hàng trăm ngàn sự việc Đức Mẹ đã làm để giúp đỡ các Tông đồ và Môn đệ Chúa Kitô, chẳng những về của ăn, áo mặc, đồ dùng mà nhất là những lời an ủi, khích lệ hoặc giảng bảo điều hay lẽ phải cho các ngài, khi các ngài còn yếu đức Tin, chưa được ơn Chúa Thánh Thần linh giáng.

Đặc biệt hơn hết là Đức Bác Ái của Mẹ đối với những kẻ thù ghét, làm hại và giết Con yêu dấu của Mẹ.

Tôi thử hỏi anh chị em nhé: Nếu có bà nào, chị nào trong anh chị em có một đứa con trai duy nhất, khôi ngô, tuấn tú, học hành thông sáng, lại nết na đức hạnh, thế mà người con yêu quí đó đã bị tố cáo, vu khống và bị bắt oan, rồi bị lên án và bị xử tử. Thử hỏi người đàn bà đó sẽ có thái độ nào? Chắc chắn là sẽ tìm mọi cách, mướn đủ luật sư, để biện hộ và minh oan cho con. Chẳng may mà con bà vẫn bị kết án và chết cách oan uổng, thì chắc chắn trăm phần trăm bà mẹ đó sẽ căm thù, giận dữ và nguyền rủa lũ người bất nhân bất nghĩa đó.

Nhưng, thưa toàn thể anh chị em, xin anh chị em hãy nhìn thẳng vào Đức Mẹ, hãy xem kỹ các hành động của Mẹ đối với những kẻ đã giết Con yêu dấu Mẹ là Chúa Giêsu.

Ngài là Thiên Chúa, Đấng thánh vô cùng, không hề có một vết nhơ tội lỗi, thế mà đã bị vu vạ, cáo gian, bị hành hình, bị kết án và bị xử tử.

Trước những hành động dã man vô nhân đạo đó, tận trí óc và thâm tâm Mẹ không hề kết án họ, không hề giận ghét căm thù họ. Bên ngoài, Mẹ không hề mở miệng ra để la mắng, chửi bới hay nguyền rủa bọn người làm hại Con yêu dấu của Mẹ.

Khi trông thấy Con yêu quí bị đánh đập tàn nhẫn, bị điệu đi xử và nhất là bị đóng đinh chết cách thê thảm và ô nhục giữa các tên trộm cướp khét tiếng! Đức Mẹ chỉ đứng lặng, thầm thĩ cầu xin cho kẻ thù của Con Mẹ được ơn trở về với chân lý Phúc âm.

Ôi! Đức Bác ái của Mẹ thật sáng ngời rạng rỡ biết dường nào, ai trong nhân loại đã, đang và sẽ thi hành được như thế?

ÁP DỤNG THỰC HÀNH

Anh chị em rất thân mến,

Noi gương Mẹ, chúng ta hãy cố gắng thực hành Đức Bác Ái trong địa vị và cuộc sống của chúng ta.

Trước hết, chúng ta hãy nhớ lại lời một văn gia người Pháp đã nói: Mỗi người trong chúng ta thường mang hai cái túi ở trên cổ: Một cái đựng các khuyết điểm và tính mê nết xấu của ta, và một cái đựng khuyết điểm, tính mê nết xấu của tha nhân.
Chúng ta thường có thói quen cố hữu truyền kiếp là, hay quay túi khuyết điểm và tính mê nết xấu của ta ra phía sau lưng, rồi kéo túi đựng tính mê nết xấu và khuyết điểm người khác ra trước mặt, để ngày ngày chúng ta dòm ngó, xoi mói, vạch lá tìm sâu, rồi bắt bẻ, hạch xách, nói hành nói xấu tha nhân, trong khi đó chúng ta không thèm nhìn vào túi đựng nết xấu khuyết điểm của chính chúng ta.

Việc thực hành Đức Bác Ái đầu tiên là, xin anh chị em hãy xoay cái túi đựng tính mê nết xấu và khuyết điểm của mình ra trước mặt, để chỉ nhận biết những nết xấu, những khuyết điểm của mình mà tự hạ, rồi quyết chí sửa mình.

Còn cái túi đựng tính mê nết xấu và khuyết điểm tha nhân hãy xoay ra phía sau lưng, để không bao giờ nhìn xem, xoi mói, nói hành nói xấu và kết án tha nhân.

Như thế, chúng ta đã thực thi trọn vẹn lời Chúa dạy: "Các con đừng xét đoán ai, để khỏi bị xét đoán. Sao con xem thấy cái rác trong mắt anh chị em, mà không xem thấy cái xà trong mắt của con" (Mt 7:1-2).

Kính thưa toàn thể anh chị em,

Điều thực hành khó nhất thuộc Đức Bác Ái với tha nhân là yêu thương kẻ thù. Chúa chẳng những buộc chúng ta yêu thương những kẻ am hợp với mình, mà Chúa còn truyền buộc chúng ta phải thương yêu những kẻ bất đồng ý kiến với ta, những kẻ chống đối ta, cả những kẻ làm hại chính mình ta và gia đình ta nữa, đó là ý nghĩa bao quát của hai chữ kẻ thù.

Đây, xin anh chị em nghe lời Chúa truyền dạy: "Các con hãy yêu thù địch, hãy làm ơn cho kẻ ghét các con, hãy cầu nguyện cho kẻ bắt bớ vu vạ các con. Như thế, các con được nên con cái Cha trên trời là Đấng làm cho mặt trời mọc lên cho kẻ lành và kẻ dữ, cùng làm mưa xuống kẻ công chính và kẻ gian ác" (Mt 5:44-45).

Điều Chúa truyền buộc trên đây, tuy là khó, nhưng không phải là không thể thực hiện được. Bằng chứng là gương các thánh nhân, hay các người công chính đã thực hành sau đây:

* Bà Thánh Catharina thành Siêna bị một phụ nữ đã công khai vu vạ về sự lỗi đức đồng trinh. Về sau phụ nữ này mắc bệnh nặng, Thánh nữ đến chăm nom săn sóc chị ta tận tình, giống như Thánh nữ là đứa ở, là đầy tớ của chị ta vậy.

* Có một tên âm mưu ám sát Thánh Ambrosiô mà chưa đạt kết quả. Biết rõ sự việc, tức thì Thánh Ambrosiô cấp lương thực hằng ngày cho tên độc ác này để hắn sống đời lương thiện hơn.

* Ông Vênutianô là quan Thống đốc xứ Toscania vì lòng ghét Công Giáo đã bắt Giám mục Sabinô chặt đứt hai tay của ngài. Tức thì ông quan độc ác bị đau mắt nhức nhối quá sức không chịu được, lại xin Thánh Giám mục cứu chữa mình. Thánh Sabinô liền quì xuống cầu nguyện, rồi giơ tay còn chảy máu làm phép lành cho quan, tức thì ông quan liền khỏi bệnh. Ông còn được ơn sáng cả mắt linh hồn xin trở lại Công Giáo, vì nhận thấy Thánh Giám mục có lòng Bác ái cách đặc biệt.

(Trích Nữ Tu Thánh Thiện, trang 347).

Anh chị em rất thân mến,

Xin anh chị em hãy nghe câu chuyện sau đây để ca tụng Đức Bác Ái cao cả tuyệt vời của Mẹ yêu dấu Maria.

XIN THẲNG TAY TRỪNG TRỊ

Tại miền Champagne, có một đàn ông đã lập gia đình, có con đường hoàng, mà còn chuyên môn đi ăn vụng ái Tình với một đàn bà cùng thôn xóm.

Thấy chồng mình bê bối, không sao dứt khoát được, lại sẵn có máu ghen, bà vợ liền vào nhà thờ, sấp mình trước bàn thờ Đức Mẹ khóc lóc, van lơn, nài xin Đức Mẹ ra tay trừng phạt người đàn bà đã dụ dỗ chồng mình. Bàn thờ này cũng là nơi người đàn bà tội lỗi kia vẫn có thói quen mỗi ngày đến đọc một kinh Kính mừng kính Đức Mẹ.

Một đêm kia, Đức Mẹ đầy tình thương đã xuất hiện trong giấc mơ với người vợ sầu khổ ấy. Vừa thoạt trông thấy Đức Mẹ, bà ta lặp lại cái điệp khúc mọi ngày rằng:

- Xin Mẹ cứ thẳng phép đi, lạy Mẹ Thiên Chúa, xin Mẹ cứ thẳng tay trừng trị con mẹ đó giùm con.

Đức Mẹ âu yếm trả lời:

- Con nói thẳng phép ư? Con đòi Mẹ thẳng tay trừng trị theo phép công bằng ư? Con hãy đi kêu cửa khác. Mẹ không thể xử theo công bằng được.

Con hãy biết rằng người đàn bà tội lỗi đó hằng ngày vẫn đến bàn thờ của Mẹ đọc một kinh Kính mừng để tôn kính Mẹ. Mà đối với Mẹ, thì người đọc kinh kính Mẹ là hạng người nào chăng nữa, Mẹ cũng không chịu để ai truy tố và trị tội họ được...

Sáng hôm sau, người vợ đau khổ đó đi dự thánh lễ ở nhà thờ. Lúc ra về, gặp ngay mụ đàn bà đồng lõa với chồng, tức thì bà ta nổi sùng lên nguyền rủa mụ đàn bà thậm tệ. Kết tội cho mụ là một phù thủy, tố cáo mụ ta đã chài được chồng, bà lại còn yểm cả Đức Mẹ Đồng Trinh nữa!

Nghe người đàn bà đau khổ này nói gở lạ, dân chúng la lên:

- Bà im miệng đi! Sao mà điêu ngoa thế!

Người đàn bà đau khổ trả lời ngay:

- Sao lại bắt tôi im, tôi nói sự thật mà. Đêm vừa qua Đức Mẹ đã hiện ra với tôi. Tôi nài xin Mẹ thẳng tay trị tội con mẹ ranh đó giùm tôi, vì nó cướp chồng của tôi, thì Đức Mẹ bảo rằng: Không trị tội nó được, vì mỗi ngày nó đều đến bàn thờ Đức Mẹ làm một việc nhỏ để tôn kính Mẹ.

Thấy câu truyện có phần cảm kích, người ta hỏi phụ nữ phạm gian kia xem mụ đã làm việc gì để tôn kính Đức Mẹ. Mụ ta trả lời thành thực rằng:

- Tôi chỉ đọc một kinh Kính mừng.

Qua câu chuyện người đàn bà đau khổ kể lại, và được biết rõ Đức Mẹ đã thương mình vì việc sùng kính nhỏ mọn đó, mụ ta liền khóc lóc, đến sấp mình dưới bàn thờ Đức Mẹ, ăn năn đau đớn tội lỗi. Rồi trước mặt mọi người, mụ xin người đàn bà đau khổ và tất cả mọi người hãy tha thứ cho tội gương mù của mình. Về sau, mụ đã xin vào một Dòng nữ để ăn năn đền tội cho đến chết.

(Trích Vinh Quang Đức Mẹ I, trang 271-272).

Lạy Mẹ Maria đầy từ bi bác ái, Xin Mẹ giúp chúng con biết thực thi bác ái với mọi người, để chúng con xứng đáng mang danh là một Kitô hữu, một người con ngoan của Mẹ.

Chân thành cám ơn tất cả anh chị em.

Lm. An Bình, CMC

 

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)