dongcong.net
 
 


BẬC SỐNG VÀ LÒNG SÙNG KÍNH ĐỨC MA-RI-A

Xem:
- Lòng Sùng Kính Đức Ma-ri-a
- Gia Đình và Đức Ma-ri-a
- Noi Gương Đức Ma-ri-a
- Mẫu Tính Tinh Thần
- Người Độc Thân và Đức Ma-ri-a

Có thể coi Đức Ma-ri-a là mô phạm cho mọi người noi theo vì Mẹ “là môn đệ số một và hoàn hảo nhất của Chúa Ki-tô” (MC 35). Mọi ki-tô hữu đều phải trung thành sống cho Thiên Chúa trong ơn gọi và trong những hoàn cảnh thực tế cuộc sống của họ. Làm sao những người được mời gọi vào những bậc sống khác nhau như giáo dân, như thành phần các tu hội đời, như tu sĩ, như linh mục, tất cả đều có thể noi gương Đức Mẹ được?

1. Câu Trả Lời Tổng Quát

Trước hết, phải nhớ rằng Đức Ma-ri-a không phải là một “gương mẫu” cho các ki-tô hữu phải cố gắng bắt chước rập khuôn theo nghĩa đen trong mọi chi tiết đời sống của Mẹ. Điều này không thể được vì nhiều lý do. Đức Mẹ là “khuôn mẫu” hay “nguyên mẫu” cho toàn thể Giáo Hội và cho từng người tín hữu qua sự trọn hảo bản thân vì Mẹ đã đáp lại tiếng Chúa gọi trong đức tin, đức cậy và đức ái siêu nhiên, một sự đáp ứng đưa Mẹ đến chỗ hoàn toàn phục vụ Chúa Ki-tô và anh chị em của Ngài (x. Noi Gương Đức Ma-ri-a).

Hơn nữa, Đức Ma-ri-a không chỉ là một mẫu gương, Mẹ còn hiện diện bằng lời cầu nguyện và sự ân cần hiền mẫu trong đời sống của Giáo Hội và trong đời sống anh chị em của Con Mẹ (x. LG 62). Vì tính chất hoàn hảo và vô song trong sự đáp ứngå trước tiếng Chúa gọi, Đức Ma-ri-a đã trở thành một “mẫu gương” cho tất cả mọi người - “Một giá trị gương mẫu mãi mãi và phổ quát” (MC 33). Đồng thời, vì Đức Ma-ri-a là Mẹ tinh thần đối với từng người, nên chúng ta có thể và nên sống địa vị làm con Đức Mẹ của mình theo cách thế riêng. Vì thế, không “bậc sống” nào có thể nói rằng Đức Ma-ri-a là của riêng họ.

Thật thú vị và hữu ích khi thấy rằng giáo dân, tu sĩ, thành viên các tu hội đời, linh mục, mỗi người với những đặc điểmcủa bậc sống mình đều có thể nhận Mẹ làm mẫu gương. Điều này không có gì mới lạ vì thực tế vốn là một truyền thống trong Giáo Hội.

2. Giáo Dân

Danh từ giáo dân được chỉ cho “tất cả những ki-tô hữu không thuộc hàng giáo sĩ và bậc tu trì được Giáo Hội công nhận” (LG 31).

“Vì ơn gọi, giáo dân có bổn phận tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa” (LG 31).

“Vì bản chất riêng biệt của người giáo dân là sống giữa đời và làm việc đời nên chính họ được Thiên Chúa mời gọi, để một khi tràn đầy tinh thần Chúa Ki-tô, họ làm việc tông đồ giữa đời như men trong bột” (Va-ti-ca-nô II, sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân, 2).

Hoàn cảnh của Đức Ma-ri-a, với ơn gọi làm Mẹ Thiên Chúa và làm Mẹ tất cả mọi người, chắc chắn là vô song và không thể bị hạ thấp cho ngang bằng người khác. Tuy vậy, nhưng nếu phải xếp Mẹ vào một bậc sống như giáo luật hiện nay ấn định, thì Mẹ không phải là giáo sĩ cũng không phải là tu sĩ, nhưng là giáo dân.

Như thế, khi quyết tâm sống địa vị làm con cái Thiên Chúa và làm môn đệ Chúa Ki-tô, người giáo dân không cần phải đắn đo khi nhận Mẹ là mẫu gương của mình: một người nữ trong môi trường thời đại và xã hội, rất bận bịu với những “việc đời” xảy đến với mình nhưng đã sắp đặt chúng hoàn hảo phù hợp với chương trình của Chúa. Nơi Mẹ, họ có thể học biết hoặc thâm hiểu rằng qua việc thực thi các công việc hằng ngày của mình như một công tác “phục vụ” được Chúa trao phó, họ sẽ chu toàn sứ mạng tông đồ mà bí tích Thánh Tẩy đã trao cho họ.

Gương mẫu hoàn hảo của đời sống thiêng liêng và đời sống tông đồ ấy chính là Đức Trinh Nữ Rất Thánh Ma-ri-a, Nữ Vương Các Tông Đồ. Khi còn sống ở trần gian, Người đã sống một cuộc sống như mọi người, vất vả lo lắng cho gia đình, nhưng luôn luôn kết hợp mật thiết với Con mình và đã cộng tác vào công việc của Đấng Cứu Thế một cách riêng biệt” (sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân, 4).

Công Đồng còn thêm rằng, thực sự các giáo dân có thể và hãy trông cậy Đức Mẹ trợ giúp để làm cho các hoạt động của họ càng mang tính chất Ki-tô và được kết quả bởi vì “sau khi đã được đưa lên trời với tình yêu thương của người Mẹ, Đức Ma-ri-a săn sóc những đứa em của Con Mẹ đang trên đường lữ hành gặp nhiều nguy hiểm và thử thách. Mẹ lo lắng cho tới khi họ về tới quê hương hạnh phúc” (x. LG 62). “Mọi người hãy hết lòng tôn sùng Mẹ và phó thác đời sống và cả công việc tông đồ của mình cho Mẹ coi sóc” (LG 4).

3. Thành Viên Các Tu Hội Đời

Theo sắc lệnh Công Đồng về Thích Nghi và Đổi Mới Đời Tu Trì (Perfectae Caritatis, 11), “những tu hội đời, tuy không phải là dòng tu, nhưng cũng có lời khấn thật sự và trọn vẹn được Giáo Hội công nhận.” Với sắc chỉ Provida Mater ban hành ngày 2 tháng 2 năm 1947, Đức Pi-ô XII đã chuẩn y việc thành lập các tu hội đời theo giáo luật.

Theo lời hồng y Ban-ta-sa( H.U. von Balthasar), điều này có nghĩa là ngày nay, “Giáo Hội đã làm ra một đường cung nối liền hai bậc sống - tu sĩ và giáo dân - khi chấp nhận sự tổng hợp hai bậc sống ấy trong các tu hội đời: đó là mối hợp nhất mật thiết nhất với Thiên Chúa trong việc sống các lời khuyên Phúc Âm và là mối liên hệ gắn bó nhất với anh chị em trong tình liên đới phấn đấu và dấn thân giữa lòng thế giới. Đây có lẽ là mô hình (design) ki-tô quan trọng nhất trong thời đại của chúng ta.”

Mới đây ngày 28 tháng 8 năm 1980, Đức Gio-an Phao-lô II cũng nhận định rằng: “Bậc tận hiến là một tặng ân đặc biệt Chúa Thánh Thần ban cho thời đại chúng ta,” có thể “cống hiến những đóng góp tinh thần hiệu quả cho tương lai và khai mở những con đường mới mẻ dẫn đến giá trị phổ quát cho Dân Chúa.” Vì thế, ngài kêu nài “sự can thiệp đầy mẫu ái của Đức Trinh Nữ,” ban “những ân sủng ánh sáng, khôn ngoan, và quyết định trong việc kiếm tìm những phương thế tốt hơn.”

Suy nghĩ về “ba điều kiện quan trọng cơ bản” Đức Thánh Cha đã lưu ý trong bài nói chuyện với các tu hội đời để sứ mạng các thành viên của họ được hiệu quả (trở thành môn đệ thật của Chúa Ki-tô; đủ khả năng trong các lãnh vực chuyên môn; và đủ sức thay đổi thế giới từ bên trong), chúng ta dễ dàng thấy được cách thế và mức độ ơn soi sáng, ơn khôn ngoan và quyết định mà họ có thể nhận được từ đời sống gương mẫu và sự can thiệp của Đức Ma-ri-a.

Thực sự, như Đức Phao-lô VI nhận định: “Hình ảnh Đức Trinh Nữ không phụ lòng khát vọng sâu xa của người đời nay, nam cũng như nữ, mà còn cống hiến cho họ một mẫu người môn đệ Chúa hoàn hảo: Người xây dựng xã hội trần thế nhưng cũng mau mắn tiến bước về thánh đô trên trời ; Người hoạt động tích cực cho công bình bác ái để giải thoát kẻ bị áp bức và cứu giúp kẻ gặp cơn túng quẫn, nhưng trên hết, làm chứng đắc lực cho tình yêu để xây dựng Chúa Ki-tô trong mọi cõi lòng” (MC 37).

Theo nghĩa này, Đức Ma-ri-a thực sự là “mẫu gương hoàn hảo” cho mọi thành viên các tu hội đời bởi vì Mẹ là thày dạy khôn sánh về đời sống “tổng hợp” chuyên biệt của họ, “một mối hợp nhất hết sức mật thiết với Thiên Chúa trong việc sống các lời khuyên Phúc Âm và liên hệ thật gắn bó với anh chị em mình.”

4. Tu Sĩ

Xét về bản chất, sự hoàn thiện bản thân mà các tu sĩ được mời gọi theo đuổi không hề khác biệt so với sự thánh thiện mà bí tích Thánh Tẩy đòi buộc mọi ki-tô hữu khác. Nhưng những phương thế đặc thù mà họ sử dụng và khấn giữ đã đặt họ vào một địa vị khác biệt phần nào xét về “những sự đời này” và đem lại cho nếp sống những thực tại Nước Trời giữa trần gian này của họ một ý nghĩa đặc biệt. Các tu sĩ khước từ hành vi chiếm hữu và sử dụng của cải vật chất bằng lời khấn khó nghèo. Họ từ bỏ quyền xây dựng gia đình bằng lời khấn khiết tịnh. Và họ tự giới hạn phạm vi tự do của mình bằng lời khấn tuân phục.

Khi sống như thế, các tu sĩ không hề chối bỏ hay coi khinh giá trị những đối tượng họ từ khước, và khả năng những đối tượng ấy có thể giúp họ đến được với Chúa là Đấng đã tạo dựng nên chúng. Họ chỉ nói rằng những đối tượng ấy - ắt hẳn họ đã được ban và sẵn lòng hy sinh khi Chúa yêu cầu - chỉ là tương đối nếu sánh với những giá trị cao quí hơn của Nước Trời. Điều đem lại cho hành vi tuyên khấn tu trì một ý nghĩa đích thật và sâu xa nhất, nói cho chính xác, đó là việc thánh hiến người tu sĩ cho Thiên Chúa và cho Nước Trời.

Mặc dù tám mối phúc, hiến chương Nước Trời vẫn là luật sống cho mọi môn đệ Chúa Ki-tô, nhưng các tu sĩ còn có thêm một sứ mệnh khác đã được Giáo Hội xác định và chuẩn nhận, đó là công bố luật sống ấy một cách hiệu quả hơn nữa bằng chính nếp sống của mình: “Phần các tu sĩ, do bậc sống của họ, làm chứng cách hùng hồn và cao qúi rằng người ta không thể cải tạo thế giới và cung hiến nó cho Thiên Chúa được nếu không có tinh thần tám mối phúc” (LG 31).

Vì sao và bằng cách nào Đức Ma-ri-a lại là mẫu gương hoàn hảo cho các tu sĩ nỗ lực noi gương là điều không có gì khó hiểu. Ai đã đạt được viên mãn cùng đích mà các tu sĩ theo đuổi cho bằng Đức Ma-ri-a?

Cụ thể là sự hiến thân trọn vẹn cho Thiên Chúa. Mọi sự nơi Đức Ma-ri-a, tuyệt đối mọi sự đều được qui hướng về Chúa Ki-tô và sứ mệnh của Ngài. Nếu có một ai đã được thánh hiến cho Chúa trọn vẹn và tuyệt đối, thì người ấy chính là Đức Ma-ri-a. Nếu có ai đã theo sát Chúa bất chấp khó khăn, theo sát trong tình yêu và hiến thân trong siêu thoát và vâng phục, thì người ấy chính là Đức Ma-ri-a. Chắc chắn, điều mà các tu sĩ khát khao thì Đức Ma-ri-a, “người môn đệ hoàn hảo của Chúa Ki-tô” đã đạt được viên mãn hơn bất cứ ai khác. Về chứng từ sứ mạng mà các tu sĩ có bổn phận phải thể hiện thì Đức Ma-ri-a đã thể hiện một cách trọn hảo.

Việc chiêm ngắm Đức Ma-ri-a đem lại cho các tu sĩ một lời nhắc nhở rõ ràng và không thể phai nhòa về ơn gọi mà họ đã được mời gọi đến, nhất là căn tính hành vi chọn lựa Chúa Ki-tô thể hiện qua cách sống của họ. Trông cậy vào Mẹ và sự phù trợ hiền mẫu mà Mẹ không bao giờ từ chối, các tu sĩ vững tiến dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn trên bước đường “theo Chúa Ki-tô” sát kề, với hết khả năng nhân loại của họ.

“Như thế, nhờ lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a rất dịu hiền, Mẹ Thiên Chúa, mà cuộc đời của Mẹ là khuôn mẫu cho mọi người (thánh Am-rô-si-ô), các hội dòng mới một ngày một bành trướng và trổ sinh những hoa trái cứu rỗi dồi dào hơn” (Perfectae Caritatis, 25).

Có lẽ ta cần làm sáng tỏ thêm ít điều về cuộc sống thực tế trong bậc tu trì. Chắc chắn Đức Ma-ri-a là mô phạm trong việc sử dụng tài sản vật chất, trong đức vâng phục theo tinh thần đức tin, trong sự hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa qua sự hiến thánh khiết trinh. Nhưng cần phải nhắc lại rằng ơn gọi của Đức Ma-ri-a là ơn gọi độc nhất, và chính vì lý do ấy nên vượt quá mọi nhận thức của chúng ta.

Ví dụ, thử suy về sự thánh hiến khiết trinh của Mẹ. Nơi Mẹ, sự thánh hiến ấy không thể tách biệt với thiên chức Mẹ Thiên Chúa, thiên chức mà vì đó sự thánh hiến khiết trinh của Mẹ đã được an bài. Theo chương trình của Thiên Chúa, thiên chức làm mẹ này đã làm cho Đức Ma-ri-a hiển nhiên thực sự trở nên độc nhất và “không thể bắt chước,” cả với tu sĩ cũng như với bất cứ giáo dân nào. Tuy vậy, đức trinh khiết của Đức Ma-ri-a lại là một thành tố quan trọng trong đời sống thiêng liêng của các tu sĩ. “Nữ Vương Các Kẻ Đồng Trinh” là một trong các tước hiệu của Đức Mẹ.

Tước hiệu này gợi lên rằng mục đích chính yếu của sự thánh hiến khiết trinh của Đức Ma-ri-a cho Chúa Giê-su Con Mẹ là để thuộc về Chúa trọn vẹn, duy chỉ có điều này mới có thể làm sung mãn một con tim mang những chiều kích phổ quát của tình yêu siêu nhiên. Mục đích ấy cũng chính là động lực cho sự thánh hiến của các tu sĩ, những người hướng về Đức Ma-ri-a như chỗ dựa cho lời khấn độc thân và thành quả phong phú của nó. Trong niềm thành thực tôn kính Đức Ma-ri-a, người tu sĩ có thể tìm được nguồn sức mạnh để sống và kiên trung trước những hậu quả của điều họ đã hy sinh.

Tấm gương của Đức Ma-ri-a còn nhắc nhở người tu sĩ rằng, dù cho những phương thế mà họ thực hành trong cuộc sống như các lời khấn chẳng hạn, có hoàn hảo “khách quan” và giá trị đối với Giáo Hội và thế giới đến đâu đi nữa cũng chỉ là những phương thế mà thôi. Chỉ có một sự cần duy nhất, unum necessarium đó là Chúa Ki-tô, Lời Hằng Sống của Thiên Chúa, Đấng mọi người phải tin bằng tất cả hữu thể, Đấng mọi người phải noi bước tùy theo ơn gọi riêng để đời sống của họ được phù hợp với các mối phúc thật: “Phúc cho Bà vì đã tin rằng những lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện” (Lc 1:45). “Mẹ Ta và các anh em Ta là những người nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8:21).

5. Linh Mục

Vấn đề Đức Ma-ri-a và linh mục có phạm vi bao la, không thể nào bàn luận đầy đủ được, ở đây chỉ xin đề cập đôi nét.

Trước hết, xin nhớ là mặc dù Đức Ma-ri-a tham dự mật thiết hơn bất cứ ai vào các quyền vương giả, ngôn sứ, và tư tế mà Chúa Ki-tô đã thông truyền cho dân Ngài, nhưng nói cho chính xác thì Mẹ không phải là một tư tế “thừa tác.” Chẳng hạn trên núi Can-vê, Đức Ma-ri-a thực sự là “Trinh Nữ hiến dâng lễ vật” (MC 20), nhưng chỉ theo ý nghĩa thông phần mà Chúa Ki-tô đã mời gọi tất cả mọi môn đệ của Ngài. Trường hợp của Mẹ là sự thông phần độc nhất và điển hình đối với Giáo Hội nhưng không phải một sự thông phần theo ý nghĩa “thừa tác.” Vì việc thông phần “thừa tác” khi chính vị Tư Tế Tối Cao đang hiện diện trong hành vi hiến tế của Ngài sẽ hoàn toàn dư thừa.

Một điểm nữa là linh mục có một tác vụ đặc biệt trong Giáo Hội phần nào tương tự những nhiệm vụ của Đức Ma-ri-a. Các linh mục được tấn phong để Chúa Ki-tô có thể tiếp tục hành vi cứu độ của Ngài bằng cách thế được thích nghi theo những điều kiện của cuộc sống dương thế. Hậu quả là nhờ tác vụ các linh mục, Chúa Ki-tô duy trì sự hiện diện của Ngài giữa trần gian hôm nay, hiện diện trong thực tại Hy Sinh cứu độ của Ngài để liên kết mọi người với Ngài và làm thành Thân Thể Mầu Nhiệm của Ngài là Giáo Hội.

Nhờ Mẹ Ma-ri-a, Ngôi-Lời-Đã-Thành-Nhục-Thể được hiện diện trong huyết thống nhân loại để cứu độ nó, và Ngài đã yêu cầu Mẹ cộng tác với tất cả hữu thể của Mẹ vào công trình cứu độ, công trình mà qua đó Ngài liên kết chúng ta với Ngài trong Giáo Hội như những chi thể của Thân Thể Ngài. Và Đức Ma-ri-a, Mẹ của tất cả chúng ta, Mẹ của Giáo Hội, vẫn tiếp tục hiến thân vì sự phát triển của Chúa Ki-tô Toàn Thể (x. Mẫu Tính Tinh Thần).

Như thế, các linh mục và Đức Ma-ri-a mỗi bên đều có cách thế riêng nhưng trên căn bản cùng qui hướng về chung một mục đích và khách quan liên kết với nhau trong cùng một sứ vụ căn bản, mặc dù bằng những loại hình hoạt động khác nhau. Và, giống như mối quan hệ và sự cộng tác đặc biệt với Chúa Ki-tô đã hàm chứa một yêu sách đòi Mẹ phải có một sự trọn hảo tương xứng, thì các linh mục cũng thế: ơn gọi linh mục đòi các ngài phải tiến đến một sự hiệp nhất bản thân với Chúa Ki-tô tương xứng với đặc tính làm dụng cụ của Đấng Cứu Thế trong khi thi hành tác vụ linh mục.

Vì vậy thiên chức linh mục là một lý do rất mạnh để các giáo sĩ chiêm ngưỡng Đức Ma-ri-a hầu học tập nơi Mẹ cách thức hiến mình hoàn toàn phục vụ Chúa Ki-tô, Giáo Hội của Ngài và anh em đồng loại. Các ngài không hề lừa dối mình khi nghĩ rằng các ngài có quyền được Mẹ quan tâm đặc biệt vì sứ mệnh đặc biệt và những nghĩa vụ bậc mình. Lòng tôn sùng Đức Ma-ri-a nhất định không thể xa lạ đối với đời sống tinh thần của một vị linh mục đích danh là linh mục như Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã chỉ rõ: “Các linh mục luôn tìm thấy gương mẫu lạ lùng về sự dễ vâng phục nơi Đức Ma-ri-a, Người được Chúa Thánh Thần dẫn dắt đã hiến toàn thân cho mầu nhiệm cứu chuộc loài người; các linh mục phải lấy lòng con thảo thành kính tôn sùng và mến yêu Đức Trinh Nữ Ma-ri-a là Mẹ của Linh Mục Thượng Phẩm vĩnh viễn, là Nữ vương Các Tông Đồ và là Đấng Bảo Trợ thừa tác vụ linh mục” (sắc lệnh Tác Vụ và Đời Sống Linh Mục, 18).

6. Những Trạng Huống Đa Dạng Trong Cuộc Sống

Cuộc sống ki-tô hữu là cuộc sống của Chúa Ki-tô được thể hiện nơi chúng ta. Nếu chúng ta muốn mô phỏng theo, muốn được cách sống của Chúa thấm nhuần và biến đổi, chúng ta phải bắt đầu bằng những hoàn cảnh thực tế trong cuộc sống của mình. Theo một mức độ nào đó, phương diện cụ thể mà chúng ta nhìn ngắm nơi Chúa hay Đức Mẹ ở vào một lúc nào đó bị điều kiện hóa bởi chính hoàn cảnh trong thời điểm đó. Thông thường, lúc bị thử thách hay sầu khổ, chúng ta hướng về Chúa Ki-tô và Mẹ Ma-ri-a trên đỉnh Can-vê; lúc hân hoan, chúng ta tự hát lên khúc Magnificat của Đức Mẹ; lúc những bạn trẻ suy tư về ơn gọi của mình, họ ngắm nhìn Đức Mẹ lúc được truyền tin; với địa vị làm mẹ trong gia đình, người ta thích nghĩ đến Đức Ma-ri-a trong địa vị người mẹ đặc biệt trong nếp sống tại nhà Na-da-rét; người góa bụa thường suy đến hoàn cảnh của Mẹ sau khi Thánh Giu-se qua đời; người lớn tuổi thích tưởng nghĩ đến việc Mẹ viên phần cuộc đời dương thế và mong đợi trở về nhà Cha. “Việc thực tế hóa” như thế có thể giúp ta cảm nhận được sự gần gũi của Mẹ cũng như khả năng thông cảm và trợ giúp của Mẹ dành cho chúng ta (x. Đức Ma-ri-a, Người Chị Chúng Ta).

Nhưng những nét tương đồng giữa đời sống chúng ta và đời sống của Mẹ trong những hoàn cảnh cụ thể luôn mang tính cách một chiều, đó không phải là lý do chính yếu vì Đức Ma-ri-a là Mẹ của mọi lứa tuổi và mọi hoàn cảnh. Đúng hơn, trong mỗi hoàn cảnh, chúng ta đều có thể tìm được sự trợ giúp và nâng đỡ ở sự tốt lành vô bờ của Mẹ, Người mà Thiên Chúa đã vui lòng ban để làm mẹ chúng ta.  

A. Bốt-sa, A. Rum

 

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)