dongcong.net
 
 


NGƯỜI NGHÈO ĐỨC GIA-VÊ
VÀ ĐỨC MA-RI-A

1. Người Nghèo Đức Gia-vê Trong Ít-ra-en

Theo Cựu Ước, “người nghèo” là người hoàn toàn lệ thuộc vào Đức Gia-vê. Họ không chỉ nghèo về tiền bạc. Như Thần Khí đã hoạt động trong chốn hỗn mang từ thuở ban sơ để tác thành mọi sự, Đức Gia-vê cũng hoạt động nơi những người nghèo khó để tác thành mọi điều tốt lành cho họ. Chính Đức Gia-vê đã ban cho họ một miền đất sau khi xua đuổi cư dân Pa-lét-tin trước mặt họ. Và cũng chính Đức Gia-vê đã ban cho họ lề luật qua Môi-sen. Trong tất cả những trường hợp ấy, khả năng nhân loại thuần túy đều tỏ ra bất lực và không làm được gì.

Theo dòng thời gian, người Ít-ra-en đã quên mất bài học đó và nhiều khi chỉ cậy dựa vào nỗ lực bản thân. Điều này chẳng những không đem lại lợi ích nào cho họ, mà còn tệ hơn nữa, vì đó là một thất trung với Thiên Chúa. Các tiên tri đã nói về những người còn sót lại trong Ít-ra-en vẫn tín trung và được thừa hưởng các lời hứa của Đức Gia-vê (Is 6:13; 37:31; Mk 4:6-7).

Dần dần, những người Ít-ra-en sót lại ấy đã được đồng hóa với ý niệm anawim, “người nghèo của Đức Gia-vê”: “Sẽ xảy ra là trên toàn xứ - sấm của Gia-vê - hai phần ba sẽ bị chặt phăng và chết, và một phần ba sẽ được chừa lại... Chúng sẽ kêu cầu danh Ta và Ta sẽ nghe lời chúng. Ta sẽ nghe lời chúng. Ta sẽ nói, “chúng là dân Ta” và chúng sẽ nói, “Gia-vê là Thiên Chúa của ta” (Dcr 13:8-9). Tác giả Thánh Vịnh cũng diễn dịch ý tưởng này khi nói: “Thiên Chúa yêu thương dân Người, và Người ban cho kẻ nghèo hèn vinh quang thắng trận” (Tv 149:4).

Một điển hình rõ nét nhất về người nghèo của Đức Gia-vê là tiên tri Giê-rê-mi-a. Ông áy náy vì danh hiệu tiên tri. Ông thấy mình không lợi khẩu như các tiên tri khác, vàsứ điệp của mình ít khi được đồng bào chấp nhận. Ông chịu đủ mọi thiếu thốn và tủi nhục. Tuy nhiên, đời sống của ông trở thành một biểu tượng cho mọi người nghèo của Đức Gia-vê, những người luôn trung kiên trong niềm cậy trông và yêu mến: “Hãy hát mừng Thiên Chúa, hãy ca khen Thiên Chúa vì Người đã giải thoát mạng người nghèo khổ khỏi sức mạnh của bọn ác nhân” (Gr 20:13). Đến gần thời Tân Ước, những người Ít-ra-en còn sót lại này đã được thanh luyện khỏi mọi u mê tội lỗi, hoàn toàn mở rộng cửa lòng và lệ thuộc vào Đức Gia-vê.

2. Đức Ma-ri-a, Người Nghèo Tuyệt Vời của Đức Gia-vê

Khi được Đức Ma-ri-a thăm viếng, bà Ê-li-sa-bét đã reo lên: “Phúc cho em vì đã tin rằng mọi lời Chúa phán cùng em sẽ được thực hiện” (Lc 1:45). Do việc đón nhận sứ điệp về Đức Giê-su (Lc 1:38-45), Đức Ma-ri-a đã trở thành môn đệ số một của Ngài.

Thực sự, Mẹ là người phát ngôn cho mọi môn đệ Chúa Ki-tô trong tư cách đại diện cho những người nghèo của Đức Gia-vê. Gơ-lanh (Albert Gelin) phát biểu: “Khúc hòa tấu nguyện cầu tuyệt tác vang lên từ Giáo Hội của người nghèo chính là khúc dạo đầu bài ca Magnificat. Tất cả đời sống tâm linh của những thế hệ tiền nhân đã đạt đến điểm cao, điểm trưởng thành nơi Đức Ma-ri-a và mỗi người nghèo, mỗi thành phần của dân tộc Ít-ra-en chân chính đã được chuẩn bị và tung hô Mẹ."

Như vậy, Đức Ma-ri-a là thủ lãnh cộng đồng những người đạo đức trong Tân Ước, bao gồm Da-ca-ra-a, Ê-li-sa-bét, các mục đồng viếng hang đá, những người đau khổ, các bà góa và những trẻ mồ côi, đối nghịch lại với bọn người tự kiêu tự mãn cậy dựa vào sức mình, bất cần Đức Gia-vê.

Đức Ma-ri-a đã không chối từ danh hiệu “được chúc phúc” vì hôm đó, Mẹ đã hiểu được - theo khả năng con người của Mẹ - sự toàn nhất (unity) của cuộc đời mình. Mẹ đã vào mầu nhiệm ơn gọi của mình và đã hết lòng phó mình cho chương trình Thiên Chúa, một chương trình vượt quá mọi khả năng riêng của Mẹ. Trong chương trình ấy, Mẹ là Nữ Tì của Thiên Chúa.

Hơn nữa, Mẹ đã làm cho hành vi mạo hiểm ấy trở nên bất hủ qua bài ca Magnificat, “bài ca Người Nghèo của Đức Gia-vê.” Bài ca này, cũng theo Gơ-lanh, “hơn hẳn một tấm thảm dệt toàn bằng những lời trích dẫn trong Cựu Ước. Ở đây chúng ta có một Người Nữ tự nhận mình là anawim, và ý thức được điều tân kỳ của mầu nhiệm Nhập Thể, thành ra Mẹ đã trở thành một biểu hiện tuyệt hảo và sống động cho những người nghèo của Đức Gia-vê.”

Người ta không thể không nhận ra mối tương liên giữa bài ca Magnificat và hiến chương Tám Mối Phúc. Học giả Thánh Kinh lừng danh J.M. La-gơ-răng (J.M. Lagrange) đã nói: “Giả như không xét đến sự phát triển nhân tính (của Chúa Giê-su), chúng ta vẫn có thể nói rằng chúng ta có khả năng nhìn thấy nơi Ngài, cũng như nơi rất nhiều người khác, một cái gì đó ảnh hưởng từ Đức Mẹ.” Lắng nghe những lời nói và chú ý đến những hành động của Mẹ tại làng quê Na-da-rét, Chúa Giê-su ắt hẳn đã cảm thấy yêu mến những người nghèo khó của Đức Gia-vê, những người về sau Ngài đã tuyên nhận làm môn đệ của Ngài: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3).

Là hiện thân niềm tín thác và thái độ đón nhận Đức Gia-vê (những phẩm chất nổi bật của những anawim), Đức Ma-ri-a là cầu nối giữa Cựu Ước và Tân Ước, giữa hy vọng và những lời hứa trong Cựu Ước với sự hiện thực hoàn thành trong Nước Chúa. Mẹ vẫn mãi là một mẫu mực cho lòng đạo đức Ít-ra-en và tiên báo tinh thần của những ki-tô hữu tiên khởi sau ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống.

A. Buy-ô-nô

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)