Lệ Vũ
 
   


44. Tại sao bậc cha mẹ người Á Châu lại quá khắt khe với con cái? Tại sao những người khác mầu da lại ghét người Á Châu? Có điều gì "wrong" với người Châu Á không?

Mến thăm Lệ Vũ,

Em thắc mắc: tại sao bậc cha mẹ người Á Châu lại khắt khe, ngặt nghèo với con cái thế? Dường như quý vị này không tin tưởng ở giới trẻ chúng em. Em cũng thắc mắc: tại sao những người mang màu da khác lại ghét người Á Châu? Có điều gì không hay với người Châu Á không vậy? Người ta nhạo cười chúng em! Em cho rằng họ ghen tương thôi, nhưng em không chắc điều này lắm. Vũ có thể cho em ít lời khuyên không?

Jeni

* Dear Jeni,

Thật ra, với nhận xét "cha mẹ người Á Châu quá khắt khe với con cái" của em chỉ đúng phần nào thôi. Ảnh hưởng từ phong tục, tập quán, đường lối giáo dục... đa số người Châu Á thường câu nệ, để ý nhiều đến hình thức bề ngoài -- "Giấy rách phải giữ lấy lề", "Giọt máu đào hơn ao nước lã", v.v... ; quên đi cái chân lý, căn bản của sự việc, hành động mình làm. Tuy vậy mình cũng không nên vơ đũa cả nắm, kết luận rằng tất cả các bố mẹ người Á Châu đều ngặt nghèo, khắt khe trong việc giáo dục con cái một chiều như vậy. Lệ Vũ có cơ hội quen và biết nhiều bố mẹ người Việt Nam dạy dỗ con cái trong tình thương yêu, rộng lượng bao dung, cởi mở. Bàn tay năm ngón còn có ngón dài, ngón ngắn, ngón mập, ngón gầy không đều và không giống nhau. Không nên vì vài trường hợp xảy ra với mình để võ đoán cho rằng "mọi người đều mập và lùn" như nhau.

Theo Vũ, bố mẹ có con, ai lại không muốn con mình nên người?! Muốn con cái nên người, bố mẹ phải có bổn phận nuôi nấng dạy dỗ chúng. Để con cái tự do, muốn làm gì thì làm, mọc hoang như cỏ dại giữa đồng; sao con cái có thể nên người được? Muốn con cái nên người nhiều khi bố mẹ cần phải "khe khắt, ngặt nghèo". Để con hư, bố mẹ sẽ đắc tội với Thượng Đế, gia đình, cộng đồng xã hội vì thiếu bổn phận, coi thường trách nhiệm trong thiên chức bố mẹ của mình.

Lệ Vũ thấy Jeni không "fair" khi lên án chung "các bậc cha mẹ Á Châu khe khắt, ngặt nghèo và không tin tưởng con cái" mà không đưa ra lý do, bằng chứng rõ ràng. Sống ở nước văn minh, độc lập, tự do dân chủ mình cần phải có đầu óc lối suy nghĩ trưởng thành. "Khắt khe, ngặt nghèo, thiếu tin tưởng" chỉ vì Jeni không được làm mọi chuyện theo ý mình, phải làm home work, phụ giúp công chuyện nhà, không được đi chơi, shopping, dating như ý Jeni muốn, Jeni nên xét lại. Cây trái muốn được tươi tốt thu hoạch hoa lợi còn cần phải vun xới, chăm sóc, huống chi con người. Em đồng ý chứ?

Thắc mắc của em về những người chủng tộc khác không thích, kỳ thị người Á Châu. Như Lệ Vũ đã trả lời phân tích phần trên. Tránh, và không nên có thiên kiến trong lối suy nghĩ, nhận định mọi việc ở đời với một mẫu số chung như vậy. Chủng tộc, màu da, cộng đồng, tôn giáo, châu Âu, châu Á, châu Phi v.v..., ở đâu cũng có người tốt kẻ xấu, người thích cái này, người không ưa điều kia! Trách người cần phải nhìn đến ta trước. Chính người châu Á, người Việt Nam phần lớn là những người kỳ thị nhất thế giới. Không phải riêng với những người có chủng tộc, ngôn ngữ khác mình; người cùng một nước, một màu da, một tiếng nói còn hiềm khích, ghen tị, coi thường nhau, trách chi ai? Cùng người Việt mà miền nọ không ưa miền kia, tôn giáo này chỉ trích tôn giáo kia, đàn ông xem thường đàn bà, người lành lặn khoẻ mạnh khinh thường kẻ tàn tật, yếu đuối. Sang Mỹ, sang Tây, mua nhà chung đụng, chỉ thích sống gần Mỹ trắng, Tây trắng... Ai thiên kiến, kỳ thị; ai cười nhạo ai?

Kể chuyện em nghe, ngày xưa ở Việt Nam, gần nhà Vũ có một cậu bé bị tàn tật từ lúc nhỏ, chân đi không vững phải chống nạng. Cả xóm gọi cậu bé là "thằng cà thọt". Nhiều người lớn, trẻ em vô ý thức còn mang sự không may, tàn tật của cậu bé làm đề tài diễu cợt với nhau.

Kết luận: trong mọi trường hợp, không nên "vơ đũa cả nắm" để khỏi bị mang tiếng hàm hồ, buộc tội người khác vô căn cứ và tránh được thiên kiến, kỳ thị với mọi người. Thân mến.

 

 
 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)