Tình Người Giáng Sinh
Tại sao Chúa Giêsu giáng sinh? Một câu hỏi vừa dễ vừa khó, thậm chí là “ngớ ngẩn”. Ô-kê. Chúa Giêsu giáng sinh để cứu độ nhân loại. Kitô hữu nào cũng biết rõ như thế. Nhưng ít có ai trả lời thế này: Chúa Giêsu giáng sinh làm người để làm chứng cho Sự Thật (x. Ga 18:37) và cứu độ nhân loại. Thiết nghĩ đó mới là chính xác, vì chính Ngài đã xác nhận như vậy.
Tình yêu thương của Thiên Chúa quá lớn lao, lòng thương xót của Ngài quá bao la, phàm nhân không thể hiểu thấu. Chúng ta chỉ còn biết cúi đầu mà khiêm cung kính thờ Vua muôn vua và Chúa các chúa. Thánh tình đó quá cao vời!
NS LM Duy Thiên đã cảm nhận thánh tình đó và diễn tả qua bài Thánh ca “Tình Người Giáng Sinh” (*). Ca khúc này được viết ở âm thể trưởng, không rộn ràng nhưng không buồn bã, mà lại sâu lắng, mang tâm tình trầm nguyện.
Các bài Thánh ca thường có hai phần: Điệp khúc và phiên khúc (tiểu khúc). Ca khúc “Tình Người Giáng Sinh” có cấu trúc tương tự, nhưng không là điệp khúc hoặc phiên khúc, mà chỉ là hai câu nhạc “nối kết” với nhau. Với âm thể Rê trưởng nhưng thường được chuyển sang âm thể thứ, hai âm thể cứ biến thể đan xen nhau, giai điệu có “hơi” dân ca, tất cả quyện vào giúp người nghe cảm thấy thú vị. Tiếng hát Hương Lan ngọt ngào cũng làm tăng “nồng độ” của ca khúc này, nghe “đã” hơn.
Ca từ diễn tả những gì chúng ta đã biết, không mới, nhưng nghe vẫn lạ, có lẽ nhờ giai điệu mượt mà do tác giả có cảm hứng thực sự: “Chúa đã thương con mà sinh xuống thế làm người, hèn hạ trong nơi máng lừa, khó hèn giữa đêm tối tăm. Chúa đã vì thương con, chấp nhận một đời lầm than, sống trong (là) trong kiếp nghèo, vì thương con, chính vì thương con”. Tình yêu Chúa cũng chính là lòng thương xót của Chúa, không hề khác nhau, vì đều phát xuất từ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Tình yêu ấy quá bao la, cao cả và vĩ đại, khôn dò và khôn thấu. Vì trí óc loài người quá bé nhỏ.
Và vì thế, chúng ta chỉ còn biết khiêm cung cúi đầu tôn thờ và cảm tạ. Đặc biệt là vào đêm giáng sinh, chúng ta hãy chân thành nhìn vào hang đá mà thành kính suy niệm: “Quỳ bên hang đá đơn sơ, gẫm suy Tình Chúa vô bờ. Thương con, Chúa đã hiến thân, lấy chi mà con đáp đền. Chuyện đời con còn ngổn ngang, chuyện lòng con còn dở dang. Chúa ơi, xin hãy ủi an, cho con được sống bình an mỗi ngày”.
Cuộc đời của người nào cũng thế thôi, luôn có biết bao điều rắc rối, không chỉ dở dang mà còn bừa bộn và ngổn ngang. Càng cảm nhận được như vậy càng cảm thấy kiếp người quá mong manh, nhỏ nhoi, bọt bèo,… Chính nhờ vậy mà con người mới cần Chúa, và nhờ biết vậy mà chúng ta có thể đến gần Chúa hơn.
Câu kết rõ nét âm thể thứ, không chỉ là lời cầu nguyện mà còn là lời tạ ơn cao đẹp: “Chân thành dâng Chúa lời ca, ca ngợi Tình Chúa bao la, đã yêu nhân thế tội tình, người ơi có biết sao đành làm ngơ?”. Chúa Giêsu cũng nhắc nhở người ta về tâm tình tạ ơn qua chuyện 10 người cùi được sạch nhưng chỉ có một người biết tạ ơn, mà người đó lại là người ngoại giáo (x. Lc 17:11-18). Các Kitô hữu có cảm thấy “nhức đầu” không? Nếu cảm thấy “đau cái điền” (điên cái đầu) là dấu hiệu còn tốt đấy!
Sự thật mãi là sự thật. Đừng như ông Philatô hỏi lại Chúa Giêsu: “Sự thật là gì?” (Ga 18:38). Chắc chắn Chúa Giêsu sẽ KHÔNG thèm trả lời đâu. Cũng như ông Philatô, chúng ta thực sự không biết hay cố ý không muốn biết? Chúng ta “giả nai” hay muốn trốn tránh sự thật?
Sự thật là chân lý, chân lý là con đường dẫn tới sự sáng, và sự sáng thông truyền sự sống. Vừa là “bộ ba”, vừa là “ba trong một”. Chính Chúa Giêsu đã minh định: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14:6). Và Ngài xác định: “Kẻ sống theo sự thật thì đến cùng ánh sáng” (Ga 3:21).
Lễ Giáng Sinh nhắc chúng ta về ý thức hệ của mỗi chúng ta về Sự Thật và Ánh Sáng. Sự Thật và Ánh Sáng tuy hai mà một, nói theo ngày nay là hai-trong-một. Chính Sự Thật và Ánh Sáng đó phát xuất từ tình của người đã giáng sinh vì chúng ta: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14).
TRẦM THIÊN THU
Thưởng thức “Tình Người Giáng Sinh”: http://www.youtube.com/watch?v=B04RJP1bO6s


Món Quà Yêu Thương
“Đến giờ rồi”, chị tôi nói nhỏ, tôi thức giấc ngay, nhịp tim đập mạnh. Đã 4 giờ sáng, không hiểu sao tôi đã ngủ quá trễ vậy. Thì ra là buổi sáng lễ Giáng sinh. Đáng lẽ tôi phải thức vài giờ trước kìa.
Tôi dậy thật nhanh. Phòng trong nhà, cha mẹ vẫn ngủ ngon. Tôi chờ ngày này cả năm rồi, để ý tờ lịch mỗi khi tôi đi qua, lúc nào cũng vậy. Tôi xem mỗi chương trình đặc biệt lễ Giáng sinh trên ti-vi. Tôi muốn cười to, chơi đùa, và nhất là muốn mở những món quà ra.
Khi tôi đến gần căn phòng, chị tôi đặt ngón tay lên miệng và nói nhỏ: “Ông già Noël có thể vẫn ở đây”. Tôi gật đầu. 6 tuổi, tôi biết tất cả về Ông già Noël và điều kỳ diệu của ông. 7 tuổi, chị tôi cố gắng cho tôi ước mơ.
Rồi tôi bước vô phòng, theo bản năng tôi chạy đến chỗ để quà, nhưng điều gì đó khiến tôi lưỡng lự. Thay vì chạy ùa tới, tôi nhìn vô phòng và muốn giây phút này kéo dài. Chị đứng im lặng bên tôi. Hai chị em chăm chú nhìn cây Noël được trang trí cả vài tuần trước. Ánh điện lung linh, các vật trang trí lấp lánh, thiên thần màu vàng ở trên đỉnh cây. Đó là cảnh đẹp nhất mà tôi từng thấy.
Trên chiếc bàn gần đó, những chiếc bánh chúng tôi để cho Ông già Noël đã biến mất, có mảnh giấy ghi: “Cảm ơn. Chúc Giáng sinh vui vẻ!”.
Mắt tôi tròn xoe ngạc nhiên nhìn mảnh giấy, vì tôi chắc rằng tôi đã có bằng chứng về sự hiện diện của Ông già Noël. Nhưng trước khi tôi thực sự ngạc nhiên về mảnh giấy, chị đưa cho tôi một gói nhỏ, vừa cười vừa nói: “Đây là của chị”.
Tay tôi run lên, tôi từ từ mở gói quà, cố gắng giữ lại chiếc nơ xanh. Bên trong là chuỗi hạt yêu quý của chị, chuỗi hạt có thêm hình trái tim nhỏ. Hai năm trước, chị nhận món quà này của ông bà ngoại. Tôi nhìn chăm chú món quà và quên hẳn lời nhắn của Ông già Noël.
Chị choàng tay qua vai tôi: “Năm nay Ông già Noël định tặng em một chuỗi hạt, nhưng…”. Chị ngừng nói và mở to mắt, rồi nói tiếp: “Ông già Noël không có cơ hội nữa”. Ông đã mất vào buổi sáng lễ Phục sinh vì bệnh tim. Mẹ chúng tôi vẫn khóc thầm khi nghĩ không còn ai chăm nom. Chị tôi nói: “Chị nghĩ em có thể nhận chuỗi hạt của chị”.
Tôi cầm chuỗi hạt như thể được làm bằng thứ vàng ròng giá trị nhất trên đời, nó có vẻ lấp lánh hơn những thứ khác. Vừa đeo chuỗi hạt cho tôi chị vừa nói: “Để chị đeo cho em”.
Trái tim nhỏ bé trên chuỗi hạt như ấm áp trên da thịt tôi, hầu như nó đang sống. Tôi nghĩ mình có thể gặp ông ngoại. Ông thích lễ Giáng sinh, và ông luôn làm chị em tôi ngạc nhiên vào ngày lễ Giáng sinh. Chị nói như thể đọc được ý nghĩ của tôi: “Em hãy coi điều ngạc nhiên này là của ông ngoại”. Tôi nắm tay chị thật chặt.
Khi cha mẹ thức dậy, cha mẹ có thể thấy cây Noël tuyệt đẹp với những món quà còn nguyên. Hai chị em ôm nhau hạnh phúc…
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Beliefnet.com)


Lá Thư Giáng Sinh
Giáng Sinh là mùa gợi cho người ta nhiều cảm xúc và nhiều tư tưởng khác lạ. Những người tuổi trung niên trở lên hẳn chẳng xa lạ với ca khúc “Lá Thư Trần Thế” của Nhạc sĩ Hoài Linh (*).
Ca khúc “Lá Thư Trần Thế” được viết ở âm thể thứ nhưng không buồn lê thê, mà chỉ thoáng nỗi buồn xa vắng. Ca khúc này được viết ở cấu trúc quen thuộc của thập niên 1960-1970 là A – A’ – B – A’’, nhưng vẫn không gây nhàm chán.
Trong ca khúc “Lá Thư Trần Thế”, NS Hoài Linh dùng những từ khiến tôi nghĩ ông là người Công giáo: “Đêm nay Ngôi Hai Trời xuống”, vì người ngoại đạo không hiểu thế nào là Ngôi Hai.
Ca khúc này cũng được NS Hoài Linh “khoác” cho một tình cảm đặc biệt và nền tảng: Tình cảm gia đình. Tình cảm gia đình càng trở nên sâu đậm và da diết hơn khi chiến tranh làm cho vợ chồng và con cái phải xa cách nhau. Chiến tranh luôn mang tính ác liệt, ai đã từng sống trong làn tên, mũi đạn thì mới khả dĩ cảm nhận được tính độc ác của chiến tranh.
Ca khúc “Lá Thư Trần Thế” là một tập hợp những lời cầu nguyện của các thành viên gia đình ngay trong đêm Giáng Sinh. Như vậy, chúng ta cũng có thể coi đây là Lá Thư Giáng Sinh.
Mới đầu là lời cầu nguyện của người chồng và người cha: “Lạy Chúa, con là lính trận ngoài biên, vì xa thành phố xa quá nên quên, đêm nay Ngôi Hai Trời xuống, ánh sao lung linh muôn màu, con tưởng hỏa châu soi tuyến đầu”.
Chiến tranh khiến người ta quên mất thời gian, quên cả đêm Con Thiên Chúa xuống thế làm người, quên mất lễ Giáng Sinh. Chợt nhận thấy bầu trời nhiều sao sáng, người ta mới biết là đêm Giáng Sinh, nhưng những ánh sao sáng kia lại khiến người ta liên tưởng tới những ánh hỏa châu trong những đêm hành quân hoặc trận mạc.
Đêm Giáng Sinh là đêm bình an, đêm giao hòa trời đất, đêm vui mừng chan hòa, thế mà người ta lại cảm thấy lo sợ và sầu não. Buồn thật!
Tiếp theo là lời cầu nguyện của người vợ và người mẹ: “Lạy Chúa, con là thiếu phụ miền quê, chồng con vì nước nên đã ra đi, hai ba năm chưa thỏa chí, hết Thu qua Xuân sang Hè, còn đợi tàn Đông mới tin về”.
Thiếu phụ trẻ ở miền quê vẫn ngày đêm chờ mong tin chồng. Chồng đi mấy năm rồi, hết mùa Thu rồi qua mùa Xuân, lại qua mùa Hè, vẫn bặt vô âm tín. Cũng may là người vợ trẻ được biết tin chồng vào mùa Đông, mùa Giáng Sinh. Có còn hơn không!
Đoạn B là cao trào, cho biết lý do gia đình chia cách: “Đạn xé không trung, đêm từng đêm vẫn nghe, từng lớp trai đi, trong ngày mai vẫn đi”. Tiếp theo là một lời cầu nguyện ngắn gọn mà đầy ý nghĩa:Đêm nay Người xuống đời, xin đem nguồn vui tới những đôi môi cằn cỗi lâu không cười”.
Lời cầu nguyện đầy tính nhân bản và bác ái Kitô giáo, tức là không chỉ cầu nguyện cho mình mà còn cầu nguyện cho những người đang sống trong cảnh khổ của trần gian, những người đã lâu không biết cười, đến nỗi đôi môi hóa cằn cỗi. Thương làm sao!
Cuối cùng là lời cầu nguyện của người con: “Lạy Chúa, con còn lứa tuổi học sinh, vì cha là lính con thiết tha xin: An vui cho người đầu tuyến, trẻ thơ yên tâm sách đèn, để mẹ hiền con hết ưu phiền”.
Lời cầu nguyện đơn sơ của một thiếu niên xin ơn bình an cho mọi tầng lớp trong một gia đình: Cha, Mẹ, và Con cái. Chắc hẳn Chúa Giêsu Hài Đồng rất vui và ban ơn cho những tấm lòng thành như vậy.
Noël – Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
TRẦM THIÊN THU
 (*) Nhạc sĩ Hoài Linh tên thật là Lê Văn Linh, người gốc miền Bắc, sinh khoảng năm 1925, thuộc nhóm nhạc sĩ nhạc Vàng. Trước 1975, ông hoạt động trong đoàn văn nghệ Vì Dân (thuộc Nha Cảnh sát Quốc gia) với cấp bậc Trung úy dưới quyền của NS Nguyễn Văn Đông (tác giả ca khúc “Mùa Sao Sáng”).
(Noel+) LaThuGiangCũng giống như các nhạc sĩ giai đoạn cuối những năm 1950, NS Hoài Linh cũng sáng tác những bài hát có nét nhạc cổ điển ảnh hưởng bởi giai đoạn trước đó, lời ca các bài hát giai đoạn này lãng mạn nhưng chưa vương khói lửa chiến chinh. Ca khúc nổi tiếng nhất của NS Hoài Linh ở giai đoạn này là “Nếu Đừng Dang Dở” (với tiếng hát Lệ Thu). Đầu thập niên 1960, ông chuyển sang dòng nhạc Vàng và nhanh chóng nổi tiếng với nhạc phẩm “Sầu Tím Thiệp Hồng” (với tiếng hát Hà Thanh).
Từ đó, ông liên tục cho ra đời những tác phẩm được thính giả khắp nơi yêu thích. Nhạc của ông mang nhiều chủ đề: Áo Em Chưa Mặc Một Lần, Thiệp Hồng Anh Viết Tên Em, Về Đâu Mái Tóc Người Thương, Giọt Lệ Vu Quy, Căn Nhà Màu Tím, Hai Đứa Giận Nhau, Nhịp Cầu Tri Âm, Tám Nẻo Đường Thành, Khách Lạ Đò Xưa, Xuân Muộn, Tâm Sự Nàng Xuân,…
Không chỉ nổi tiếng bởi những bài hát với giai điệu dễ nghe, ông còn có biệt tài đặt lời hát. Theo lời kể của NS Văn Giảng, hồi đó hầu như nhạc sĩ nào cũng muốn Hoài Linh đặt lời cho ca khúc của mình, vì bài nào có bút của ông đặt vào là rất ăn khách. Ca từ của NS Hoài Linh bay bướm, văn hoa, có vần, có điệu, và súc tích.
Ông là người giản dị, ăn mặc xuề xòa, thường chỉ thấy ông có một kiểu ăn diện là áo sơ-mi bỏ ngoài quần. Thế nhưng khi ôm đàn, cầm bút viết lời ca cho các sáng tác của mình hoặc của các nhạc sĩ bạn, Hoài Linh đã trở thành một con người khác hẳn.
Thưởng thức “Lá Thư Trần Thế”:
https://www.youtube.com/watch?v=aozIIbumqwE

Xin Chúa Thấu Lòng Con
Mùa Giáng Sinh là Mùa Hồng Ân, Mùa Thánh Đức, Mùa Ánh Sáng, Mùa Bình An, Mùa Yêu Thương, Mùa Giao Hòa, Mùa Hạnh Phúc,… Người ta có nhiều cách gọi.

NS Nguyễn Văn Đông có nhiều ca khúc hay và phổ biến, đặc biệt là nhạc giáng sinh. Có lẽ ca khúc nổi tiếng nhất của ông cho Mùa Giáng Sinh là bài “Mùa Sao Sáng” (Một mùa sao sáng đêm No-en Chúa sinh ra đời…). Tôi không biết ông có là Kitô hữu hay không, nhưng theo cảm nhận riêng, ca khúc của ông mang đậm nét Công giáo, từ ca từ đến giai điệu, nghe đầy “chất” thánh ca, nhất là khi nghe lời Việt do ông viết cho bài “Ave Maria” của Schubert. Thiết nghĩ, rất có thể ông là Kitô hữu.
Ông sống trong thời chiến, bản thân ông cũng là một quân nhân, vì thế các ca khúc của ông mang nhiều tâm sự sâu lắng. Với tâm trạng đó, ông đã trải nỗi niềm qua ca khúc “Xin Chúa Thấu Lòng Con”. Là ca khúc đời nhưng tựa đề là một lời cầu nguyện, giống như thánh ca vậy, đặc biệt là giai điệu và ca từ lại mang đậm nét thánh ca. Giai điệu nhịp nhàng và tha thiết quyện trong nhịp 3/4. Có lẽ đây là bài người nghe rất khó đoán âm thể, vì ông chuyển âm khá “xa” nên nghe “lạ” lắm, âm thể trưởng mà có khi nghe như âm thể thứ. Độc đáo thật!

Như một người có niềm tin Kitô giáo, NS Nguyễn Văn Đông xác nhận: “Chúa ngự ở trên cao, lòng trời bể bao la. Ngày lớn con đã tin rằng khi lòng khổ đau tìm đến Chúa ban an lành. Lạy Chúa, mùa Giáng sinh xưa, ngày đầu bước yêu đương, người ấy thưa với con rằng tan mùa chiến chinh ngày đó anh về kết đôi”.

Tại sao “khi lòng khổ đau tìm đến Chúa ban an lành” mà không tìm đến cái gì khác? Sao không “giải khuây” bằng những “biện pháp” như người ta thường làm? Người như vậy hẳn là có niềm tin sâu sắc lắm. Yêu thương và xa cách nhau trong thời chiến như một định luật tất yếu, nhất là khi người ta còn rất trẻ. Nhưng anh quân nhân trẻ ấy lại không sa đà như người khác mà lại biết “tìm đến Chúa”. Thật là một tâm hồn đạo hạnh. Chiến sĩ ở chiến trường, xa nhà thờ, không có điều kiện về tôn giáo, nhưng chiến sĩ ấy không hề xa Chúa, mà lại rất gần Chúa, thậm chí có thể gần Chúa hơn những người ở hậu phương.

Chiến tranh luôn “ác tính”, tàn khốc và không trừ ai. Cái chết luôn cận kề. Ông tâm sự: “Nhưng từng đêm chiếc lá lìa đàn, đêm từng đêm giấc mơ kinh hoàng, nhân loại còn ngủ say bên những kiếp người quê hương đọa đày”. Ông lấy hình ảnh chiếc lá để nói đến cảnh cái chết chia ly của con người. Chết là cảnh chia ly vô cùng tang thương, nhất là khi cái chết xảy ra vào ngay đêm Giáng Sinh, đêm được mệnh danh là Đêm Bình An: “Ôi, đêm thánh vô cùng, lời thương rền khắp muôn trùng. Người mau về đi, đừng gieo biệt ly, từng hồi chuông nửa đêm… sầu bi!”.

Hồi chuông đêm Giáng Sinh thánh thót vang ngân mà lại sầu bi sao? Chuông không sầu, chuông vẫn réo rắt niềm vui, nhưng vì người xa người nên tiếng chuông chợt hóa tiếng sầu. Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ! Con Chúa giáng sinh để nối kết đất với trời, để đoàn tụ mọi người, thế mà cảnh chia lìa vẫn xảy ra, không sầu bi sao được!
Người chết, người sống là cảnh tang thương đã đành. Cảnh chia lìa không kém tang thương là cảnh thù hận. Người này ghét người kia. Mà chiến tranh là cảnh đối nghịch giữa đôi bên: “Chiến cuộc mấy mươi năm, mệnh trời bắt gian truân. Lạy Chúa, chinh chiến lâu rồi, cho mùa Giáng sinh ngày đến thanh bình, Chúa ơi!”.

Thấy cuộc đời như vậy, ông cảm thấy buồn lắm, và ông tự an ủi là “mệnh trời bắt gian truân”. Còn biết nói gì hơn là chấp nhận. Nhưng ông vẫn tin tưởng và kiên trì cầu xin Chúa ban hòa bình cho mọi người, từ trong tâm hồn tới cuộc sống đời thường.
Ngày nay, Việt Nam không còn chiến tranh, không còn bom đạn, không còn thù hận, nhưng vẫn có những cuộc chiến về tinh thần, ý thức hệ, quan niệm,… kể cả cuộc chiến tâm linh. Người ta không giết nhau bằng súng đạn, bằng gươm giáo, nhưng người ta vẫn “giết” nhau bằng nhiều cách tinh vi hơn và tàn ác hơn nhiều: Liếc mắt, lườm nguýt, đố kỵ, phe cánh, chỉ trích, ghen ghét, gièm pha, trù dập,...

Những cuộc chiến như thế vẫn hằng ngày xảy ra với nhiều cấp độ khác nhau, xảy ra ngay trong gia đình, xóm giềng, khu phố, xã hội, đoàn thể, cộng đoàn giáo xứ, cộng đoàn tu trì,...
Lời cầu của NS Nguyễn Văn Đông đẹp lắm: “Xin Chúa Thấu Lòng Con”. Chúng ta cùng cầu nguyện như vậy!

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết sống đúng tinh thần Mùa Giáng Sinh là giao hòa và nối kết với nhau, như Chúa Con đã bỏ trời cao đế hạ mình xuống hòa nhập với những con người khốn cùng nhất. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU
Thưởng thức “Xin Chúa Thấu Lòng Con”: http://www.youtube.com/watch?v=SH83fkNzPoY