dongcong.net
 
 

Những câu chuyện giáng sinh …


NHỮNG CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH từ 9-16 :

9-Một ly sữa
Hoa Thủy Tinh

Một cậu bé nghèo phải bán hàng rong kiếm tiền học. Ngày nọ thấy mình chỉ còn một hào, mà bụng lại đói, cậu sang nhà bên cạnh xin ăn. Một phụ nữ mở cửa. Quá bối rối, lẽ ra phải xin ăn, cậu lại xin uống. Đoán là cậu đang đói, người phụ nữ đã mang đến cho cậu một ly sữa lớn.
Nhắp xong ly sữa, cậu hỏi: "Cháu phải trả cho cô bao nhiêu ạ". Người phụ nữ đáp: "Cháu không nợ gì cả. Mẹ cô đã dạy là không được nhận tiền trả cho lòng tốt". Cậu cảm kích : "Cháu xin ghi lòng tạc dạ công ơn này". Trước đó, gần như muốn đầu hàng trước số phận, nhưng lúc này đây, cậu thấy khỏe hơn và niềm tin của cậu vào con người cũng nên mãnh liệt hơn.
Nhiều năm sau người phụ nữ bệnh nặng. Người ta mời tiến sĩ Howard Kelly chẩn bệnh, vì các bác sĩ khác đều bó tay. Khi nghe tên thị trấn nơi người phụ nữ ở, mắt ông ánh lên một tia sáng. Ngay lập tức ông tới phòng người bệnh và nhận ra ngay vị ân nhân xưa, ông dốc sức cứu chữa ... và thành công : Ân nhân của ông khỏi bệnh !
Tiến sĩ đề nghị phòng y vụ chuyển cho ông hóa đơn viện phí. Ông viết vài chữ bên lề của tờ hóa đơn và nhờ người trao cho người phụ nữ. Cầm tờ hóa đơn, bà nghĩ là sẽ phải dùng cả đời cũng không trả hết được.
Bỗng có cái gì đó khiến bà chú ý và ... bà đã đọc được những dòng chữ này: Trị giá hóa đơn bằng một ly sữa". Ký tên : Tiến sĩ Howard Kelly.

10-Thùng  quà không người gửi
Beppô tám tuổi,
Bòn nhặt từng xu và mua một bong bóng. Trong khi các bạn cùng lứa tuổi ở lớp học, cậu lên đồi thả quả bong bóng có kèm theo một bức thơ nó nắn nót mãi: “Chúa ơi, nhà con nghèo lắm. Anh em con sáu đứa phải ngủ tại hai cái giường. Con không xin gì cho con, chỉ xin Chúa cho đứa em sắp sinh một ít quần áo và tã lót, dùng rồi cũng được. Tên con là Beppô, số nhà … đường … làng Acôlê miền Nam nước Y”.
Mấy ngày liền đó,
Beppô chờ đợi trong hồi hộp nhưng luôn cầu xin và hy vọng. Một buổi trưa, Beppô từ nơi cậu thả quả bong bóng về và nghe cha nói: “Có thể anh lầm lẫn với ai đấy”. Người đang chuyện trò với cha của Beppô là nhân viên bưu điện đáp: “Tên và địa chỉ là của nhà ông, thùng hàng này không gởi cho ông thì còn cho ai vào đây ?”. Bất chợt Beppô xin : “Bố cứ mở ra xem sao” … thùng hàng chứa toàn đồ cho bé sơ sinh. Beppô rất vui, nhưng cậu vui hơn vì thùng hàng không có địa chỉ và tên của người gửi, nên không thể gởi trả lại. Chạy ra chỗ thả bong bóng, Beppô nhìn lên trời và thì thầm: “Con cám on  Chúa”.
Trẻ thơ …
Luôn chân thành, tín nhiệm cậy trông vào cha mẹ và bề trên như Chúa Giêsu đã dạy: “Nếu không giống như trẻ thơ, các con sẽ chẳng vào được Nước Trời”. Bạn ơi, xin hãy chiêm ngắm Hài Nhi Giê su chứ đừng chỉ xem máng cỏ !

11-Sưởi ấm Chúa Hài Nhi
Sắp đến lễ Giáng Sinh,
Năm 1994, khoảng 100 cô nhi Nga được nghe kể về Mẹ Maria và thánh Giuse đi Belem, vì không có chỗ rọ nên đã đến ở hang súc vật, và Giêsu chào đời được đặt nằm trong máng cỏ.
Để dọn lễ Giáng Sinh, các em lấy thùng carton làm máng cỏ và hình Hài Nhi Giêsu. Mọi việc đều diễn ra tốt đẹp theo đúng ý muốn của các thầy cô giáo, nhưng ai nấy phải sửng sốt dừng lại trước máng cỏ của Misa khoảng sáu tuổi … vì trong máng cỏ có hai hài nhi. Được hỏi tại sao lại làm hai hài nhi, thì Misa kể lại câu chuyện Giáng Sinh như sau:
Đặt Giêsu vào máng cỏ rồi,
Mẹ Maria nhìn em và hỏi là nhà của em ở đâu. Em dáp là em không có cha mẹ, nên không biết phải ở đâu. Chúa Giêsu nói là em có thể đến ở với Ngài không ? Em thưa, em không thể đến ở với Ngài vì em không có quà để tặng Ngài. Ao ước được ở với Giêsu mạnh đến độ em nghĩ đến việc sưởi ấm cho Ngài là món quà đẹp, nên em hỏi: “Nếu làm cho Chúa được ấm, thì đó có phải là quà tặng không ?”. Ngài đáp: “Không có món quà tặng nào tốt hơn”. Em leo lên nằm với Chúa và Ngài nói là em có thể ở với Ngài mãi.
Misa đã tìm được một người sẽ ở với em luôn mãi. Giêsu là Emmanuen là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, ít nhất là với Misa mà !

12-Những chiếc hộp 
Hoa Thủy Tinh
Có hai ông cháu sống nghèo khó trong một túp lều, khó khăn lắm mới đủ ăn đủ mặc. Đức cháu tủi thân vì không có quần áo đẹp như bọn trẻ cùng xóm, lại thường bị bọn chúng giễu cợt. Nhất là mỗi dịp lễ Giáng Sinh, chẳng bao giờ có một cây thông hay một món quà trong túp lều.
Noel năm cậu mười tuổi, ông cho cậu hai chiếc hộp: một chiếc màu đen, một chiếc màu vàng. Hai chiếc hộp được đặt cạnh nhau và cố định ở nóc tủ. Ông bảo nó phải để ở đấy thì mới “thiêng” và tiếp: “Khi cháu buồn, hãy nói với hộp đen. Khi vui, cháu hãy tâm sự bên chiếc hộp màu vàng”.
Dù hai chiếc hộp đó chưa hẳn là món quà nhưng cũng là một niềm an ủi dịp Noel, nên cậu bé theo ông trút cả nỗi buồn và niềm vui vào hai chiếc hộp. Cậu thấy khi vui mà tâm sự cạnh cái hộp vàng, niềm vui như được nhân lên. Còn khi buồn và nói chuyện với chiếc hộp đen, nỗi buồn vơi di hẳn. Hai chiếc hộp, cũng làm khuây khỏa đi những nỗi tủi thân bực bội của cậu bé nghèo.
Rồi vì quá tò mò, cậu mở nắp hai chiếc hộp: Đáy chiếc hộp đen có một lỗ thủng. Cậu hỏi: “Ông ơi,  những nỗi buồn của cháu đâu rồi ?”. Người ông đáp: “Chúng đã rơi ra và bay mất !” . Rồi ông tiếp: “Còn chiếc hộp màu vàng không thủng để niềm vui và những điều may mắn sẽ ở lại mãi với cháu !”.
Còn bạn,
Bạn ơi, bạn có những chiếc hộp nào cho riêng mình rồi ? Cho tôi biết với, đừng giấu nhé !

13-Lời  cuối
Trong cuộc sống,
Đôi khi ta phải biết nhìn xuống để thông cảm cùng người khác. Không nên lúc nào cũng nhìn lên để oán đời và thù hằn số phận.
Năm thứ hai trường nữ hộ sinh, lớp tôi phải làm bài kiểm tra. Các câu hỏi không có gì là khó, duy câu cuối cùng làm tôi bật ngửa: “Chị cho biết tên của bà lao công trong trường ?”.
Kỳ cục !
Bà lao công có liên quan gì tới chuyện đỡ đẻ và chăm sóc sản phụ ? Ngày nào mà tôi chẳng gặp bà: Bà già lắm,, mặt nhăn nheo khắc khổ, hầu như suốt ngày chỉ chỉ cắm cúi lau quét nhà. Nhiều khi vừa đi vứa tán chuyện ở hành lang, chúng tôi không thèm để ý đến bà lão đang còng lưng lau dọn. Thấy bà né sang bên, lòng tôi có lần cũng thấy hơi ân hận. Một lần, một bạn vội quá vấp té, đổ cả ly nước, bà lắp bắp: “các cô vội, cứ làm việc của mình đi. Đây là việc của già mà !”.
Chỉ có thế thôi thì làm sao tôi biết họ và tên của bà ? Mà có biết cũng chẳng để làm gì. Tôi không trả lời câu hỏi ấy và tự nghĩ miễn là mình trả lời xuất sắc những câu hỏi liên quan tới chuyên môn … là không có gì đáng trách.
Giáo sư nói khi trả lại bài,
“Hầu hết các em đều làm bài được. Nhưng tôi e, khi tốt nghiệp, sẽ toàn là các “người máy” ra trường thôi. Đó là một thảm họa !” Chúng tôi xôn xao, không hiểu thầy muốn nói gì.
Thầy tiếp: “Nghề của các em là … chăm sóc, giúp đỡ những sản phụ trong giờ phút đau đớn và cũng là hạnh phúc nhất đời họ. Các em là thiên thần hộ mệnh cho những sinh linh mới. Nỗi đau của họ cũng là nỗi đau của các em. Nghề này cần những con người nhạy cảm, biết quan tâm, nâng đỡ mọi người … cho dù những kẻ được nâng đỡ ấy có là các mệnh phụ, ngôi sao hay chỉ là một bà quét rác …”.
Thầy thêm: “Một bà lão cần mẫn phục vụ các em năm này qua năm khác, mà các em cũng không thèm biết tên, hoàn cảnh của bà … Đây là một điều đáng để cho các em suy nghĩ. Vì thế, thầy cho rằng toàn bộ số bài kiểm tra của lớp ta đều không đạt yêu cầu”. Một bài học nhớ đời đối với tôi !
Còn bạn,
Có bao giờ bạn đã quan tâm đến người khác không ? Cho dù họ là những người đang sống “dưới bậc” của bạn ? Nếu chưa, tôi nghĩ bạn hãy bắt đầu cũng chưa muộn mà.

14-Băng bó trái tim
Bé Susie 6 tuổi hỏi:
“Mẹ làm gì thế ?”-“Mẹ nấu súp cho cô Smith”. Susie thắc mắc “Vì sao ạ ?”-“Cô rất buồn. Con gái cô vừa chết”. Chúng ta sẽ chăm sóc cô ấy một thời gian. “Tại sao lại phải thế hả mẹ ?”-“Khi một người quá buồn, họ không thể làm tốt ngay cả những việc rất nhỏ như nấu ăn hay một số việc vặt khác. Là hàng xóm với nhau, chúng ta phải giúp cô ấy. Cô sẽ chẳng còn nói chuyện, ôm hôn con gái ... hoặc làm bất cứ điều gì thú vị như mẹ và con vẫn làm. Susie, con rất thông minh. Có thể con sẽ nghĩ ra cách nào để giúp cô ấy”.
Nghe mẹ nói,
Susie suy nghĩ rất nghiêm túc và tìm cách giúp cô Smith, lúc sau, bé đã ở trước cửa nhà cô và rụt rè bấm chuông. Cô Smith mở của: “Chào Susie, cháu cần gì ?”. Susie thấy gọng cô nhỏ, mặt cô trông rất buồn, như thể cô vừa khóc vì mắt cô hãy còn đỏ và mọng nước.
Nén xúc động, Susie thì thầm:
“Mẹ cháu nói cô vừa mất con gái, cô rất buồn. Trái tim cô chắc chắn đã bị thương”-Rồi Susie e dè xòe tay ra, trong lòng bàn tay cô bé là một cái băng y tế cá nhân-“Cái này để băng cho trái tim bị thương của cô ...”, Susie thêm: “Cháu đã dùng vài lần và thấy rất tốt”.
Cố gắng không bật khóc,
Smith kinh ngạc, xúc động quỳ xuống ôm chặt Susie và nghẹn ngào: “Cám ơn cháu. Cháu yêu quý. Miếng băng ấy sẽ giúp cô rất nhiều”.
Miếng băng y tế cá nhân nhỏ bé, nhưng kỳ diệu của Susie, đã đem đến sự ấm áp cho trái tim tuyệt vọng của cô Smith. Từ đó, cô gài miếng băng vào một xâu chìa khóa và luôn mang theo, như một sự nhắc nhở là phải biết quên đi nỗi đau và mất mát ... để sống.
Bạn ơi,
Lắm khi, một quan tâm nho nhỏ mà một “ai đó” nhận được, đã biến đổi hẳn cuộc sống kẻ ấy. Tôi và bạn chẳng phải là những “nhân vật”, nên trong mỗi ngày sống, chúng ta cũng gặp không ít cơ hội “be bé” trong khi giao tiếp với người khác. Ước mong những cơ hội be bé ấy, ta gởi đến người đang cần sự giúp đỡ, kèm theo một “chút quan tâm cũng be bé không kém” ... thì hay quá.
            Hãy cùng tôi thực hiện, bạn nhé !

15-Giá trị của nụ cười

Tại Singapore có chiến dịch có tên là: “Hãy cười với Singapore” nhằm tạo cho du khách có cái cảm giác thoải mái và thích thú ngay khi vừa dặt chân xuống phi trường.
Các nhân viên di trú được tặng cho mỗi người một cái gương nhỏ để cho họ nhìn vào đó mà thấy được sắc diện của họ khi tiếp du khách. Chiến dịch này kêu gọi các nhân viên làm việc tại phi trường luôn cười mỗi khi gặp một khách du lịch ngoại quốc ngay cả khi trường hợp khó xử, các bảng hiệu cũng kêu gọi vẫn cứ cười và tỏ ra lịch thiệp.
Sáng kiến trên đây được chính sở di trú Singapore đề ra bởi vì đã có nhiều lời than phiền về thái độ cáu kỉnh và gắt gỏng của một số nhân viên, nhiều nhân viên cảm thấy phải cười gượng. Hàng năm, kỹ nghệ du lịch Singapore thu vào 8 tỷ dola, sự cạnh tranh trong vùng càng lúc càng gia tăng nếu không giữ được nụ cười trên môi Singapore khó có thể giữ được ưu thế ấy trong ngành du lịch.
Bạn oi,
Ngày Giáng Sinh của Đấng là Emmanuen không ngừng nhắc nhở chúng ta về sự trao tặng và nhận lãnh trong cuộc sống, không ai nghèo nàn đến độ không có gì để trao tặng, hãy trao cho nhau một cụ cười thân thiện, một ánh mắt cảm thông, một lời nói ủi an, một bàn tay vỗ về. Đó là một món quà vô giá mà biết bao người dang chờ đợi chúng ta.

16-Chương trình của Thiên Chúa
Thiên Chúa có một chương trình cho mỗi một em bé khi chào đời. Đây là câu chuyện của một người đã biết đón nhận chương trình ấy.
Một tối mùa đông, tôi vào bệnh viện chuẩn bị sinh. Đang thiếp ngủ thì viên bác sĩ trực nói nhỏ: “Tôi báo tin buồn cho bà, là theo kết quả của các cuộc xét nghiệm thì thai nhi nhiễm bệnh “đao”. Tôi nghĩ: “Con tôi sẽ ra sao khi sinh ra với một trí não không bình thường ?”.
Chợt một cô gái xuất hiện, và tôi nhận ra cô ngay đó là Jessica, học trò của tôi. Khi tôi mang thai được ba tháng, cô bé đến gặp tôi, sau một hồi do dự, em bật khóc nói: “Cô ơi, em có bầu bốn tháng rồi”. Em cho biết cha đứa bé là một bạn học. Vì cả hai đều còn quá trẻ để kết hôn và nhất là để có con, cho nên em không biết phải làm gì. Cha mẹ vừa ly dị và mẹ em hiện rất vất vả mới có thể trả học phí cho em.
Nghe Jessica kể, tôi nói với em như thể có sẵn câu trả lời: “Chúa có một chương trình cho đứa con của em, em đừng quên điều đó”. Em đã thú lỗi với mẹ và bà rất thông cảm. Còn tôi cùng với Hiệu trưởng lập kế hoạch giúp Jessica. Thầy cô giáo và cả lớp đều thông cảm đón nhận tin này, đã giúp em sinh nở và mang đứa bé cho tổ chức cha mẹ nuôi.
Giờ này, Jessica ở bên an ủi tôi, cô bé nói tôi câu mà chính tôi đã nhắc em: “Chúa có một chương trình cho đứa con của cô, xin cô đừng quên điều đó”. Tôi nhìn em ngỡ ngàng, điều tôi nói với em, giờ đây em dạy lại tôi. Bài học thật hữu ích !
Mười hai năm qua, đứa con gái mắc bệnh “đao” của tôi cũng đã bằng ấy tuổi. Cháu rất ngoan, nên việc cháu sinh ra trong bệnh tật cũng đã không là vấn đề. Thế nhưng, tuần trước, tôi gặp lại cô bé, và khi gia đình chúng tôi về được một đoạn đường, các con tôi, cả đứa con mắc bệnh “đao” thắc mắc về cô Jessica “đáng mến” ấy, tôi đã cho chúng biết đó là một trong những người thầy hay nhất của tôi.
Bạn ơi,
Chúa có chương trình riêng cho mỗi đứa trẻ khi em chào đời. Đó cũng là điều mà bạn và tôi đã nhận thức được khi ngắm hang đá Belem: “Giêsu đến để mỗi em bé được cưu mang và sinh ra với tất cả phẩm giá của con người, để cho mỗi em bé được chào đời trong sự tôn trọng và yêu thương ... và dĩ nhiên cho mỗi trẻ thơ đều có một tương lai”.
Giêsu đến để nói với ban và tôi là dù khỏe mạnh hay bệnh tật, thông minh hay đần độn, xinh đẹp hay xấu xí, bình thường hay khuyết tật ... tất cả mọi em bé chào đời đều có một phẩm giá riêng bất khả xâm phạm. Và Giêsu cũng muốn nói với tôi và bạn rằng những đứa bé bất hạnh cần phải được dành cho nhiều tình thương và quan tâm hơn.
Bạn ạ,
Tôi và đời tôi, bạn và đời bạn cũng đều nằm trong chương trình của Chúa đấy. Bạn có đồng ý với tôi không ? Có nên trách Chúa về những điều “có vẻ” bất hạnh xảy đến trong đời bạn không ?

còn tiếp..


-dongcong.net sưu tầm 2009

 

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)