dongcong.net
 
   
 
 
 
 

 

 
Lược Sử Dòng
 
     
<<<    

Giai Ðoạn Dòng Thành Lập Theo Giáo Luật

Ngày 2-2-1953 là ngày thành lập Dòng Ðức Mẹ Ðồng Công Cứu Chuộc. Hôm đó Ðức Cha Chi gửi văn thư báo tin mừng cho cả địa phận và ban sắc thành lập Dòng theo Giáo Luật. Ngài đến Liên Thủy chủ lễ khai Dòng, đồng thời trao áo Dòng cho 36 tập sinh đầu tiên của Dòng. Vì nhiều lý do, cha Thủ chưa vào Nhà Tập lớp đầu, nhưng Ðức Cha Chi vẫn đặt cha làm Giám Ðốc Dòng Ðồng Công. Về sau, Ðức Cha đã xin Toà Thánh cho cha Thủ khỏi vào Tập Viện, và được khấn trọn đời ngày 2-2-1955 tại Gia Ðịnh, Nam Việt.

Tính đến đầu năm 1953, Dòng Ðồng Công chưa có cơ sở nào khả dĩ làm được tu viện. Mọi sự đều nhờ vào nhà xứ Liên Thủy. Thấy đất chật người đông, Ðức Cha và cha Quản Lý địa phận đã thu xếp mua lại khu nhà Phước họ Trung Lễ, sát liền Liên Thủy, và trao cho Ðồng Công làm nơi kiến thiết tu viện đầu tiên của Dòng. Tuy nhiên, khu này cũng chỉ dung nạp được 36 tập sinh và gần 20 đệ tử, nhưng chỉ dùng làm chỗ ngủ và nơi đọc kinh, chứ chưa có nhà bếp, nhà cơm. Những anh em còn lại, và mọi tiện nghi khác, đều phải nhờ nhà xứ Liên Thủy.

Ngày 25-3-1954, lớp tu sĩ tiên khởi của Dòng tuyên khấn lần đầu. Tiếp liền theo lớp khấn này, lớp dự tu thứ hai được giới thiệu với con số 50 người. Theo dự trù, lớp dự tu này sẽ mặc áo Tập vào tháng 9-1954. Thế nhưng, tình hình đất nước thay đổi, Ðiện Biên Phủ thất thủ, quân Pháp rút khỏi Bùi Chu, Nam Ðịnh. Trước mối đe doạ của Việt Minh, ngày 5-7-1954 cha Thủ tạm giải tán anh em về quê chờ đợi tình thế. Hầu hết anh em tản mát mỗi người một phương, nhưng vẫn ôm hoài bão có ngày đoàn tụ. Trên 30 anh em chưa kịp đi thì ngày 10-7-1954 quân đội Việt Minh phong toả nhà xứ Liên Thủy và bắt 25 anh em biệt giam tại Trà Bắc. Ngày 30-7-1954, mười ngày sau khi ký hiệp định Genève, 25 anh em trên đây mới được trả tự do. Ðược biết hiệp định Genève chia đôi đất nước và dân chúng được tự do chọn nơi cư trú, cha Thủ quyết định di cư toàn Dòng vào Nam Việt.

Di Cư Vào Nam

Một điều lạ là trước ngày 3-8-1954 Việt Minh ở Bùi Chu không cấp giấy cho bất cứ ai ra khỏi thôn mình, thế mà từ chiều hôm đó anh em Ðồng Công tới xin giấy thông hành, thì người cán bộ cứ cắm cúi viết giấy cho anh em và không vặn hỏi lý do. Một điều lạ khác là hầu hết anh em giải tán về quê, chiều ngày 3-8-1954 tự nhiên lục tục về Liên Thủy thăm Dòng, và mọi anh em đều xin được giấy thông hành như vậy. Cầm giấy trên tay anh em chia thành từng nhóm đi Hải Phòng. Chỉ trong một tuần lễ, hầu hết anh em đã có mặt tại Hải Phòng, mặc dầu có nhiều anh em ở xa Liên Thủy, không được biết ý định di cư của cha Thủ. Ngày 10-8-1954, anh em xuống tầu ville de Haiphong của hãng Denis Frères vào Nam Việt.

Tầu cập bến Bạch Ðằng, Sài Gòn, ngày 13-8-1954. Anh em Dòng trước tiên tạm cư tại Phú Nhuận rồi Biên Hoà, sau đó chuyển xuống Bình Ðức thuộc tỉnh Mỹ Tho, rồi về Hoà Khánh, Sađéc. Ngày 3-12-1954, Dòng lại di cư xuống Cù Lao Giêng (xã Tân Mỹ, quận Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên) do lời mời của Ðức Cha Chabalier, Giám Mục địa phận Nam Vang. Tại Cù Lao Giêng, lớp Tập thứ hai gồm 41 anh em tận hiến cho Mẹ ngày 15-12-1954. Nhưng Dòng Ðồng Công chỉ ở Cù Lao Giêng được gần một năm. Cuối tháng 11-1955, Dòng di chuyển về Thủ Ðức và bắt đầu một giai đoạn mới.

HAI MƯƠI NĂM PHÁT TRIỂN DÒNG
(1955-1975)

Cho tới lúc này, Dòng Ðồng Công mới thành lập được gần ba năm, nhưng đã trải qua nhiều biến cố quan trọng song song với các biến cố của đất nước. Việc Dòng định cư tại Thủ Ðức ghi dấu đoạn đầu của 20 năm phát triển Hội Dòng, từ năm 1955 đến năm 1975. Trong 20 năm, Dòng Ðồng Công ngày một phát triển cả về nhân số cả về bề sâu và bề rộng.

Trước hết, xét về nhân số, khi di cư vào Nam Việt toàn Dòng có chừng 125 anh em, nhưng đến đầu năm 1975, tổng số anh em Dòng là 624, trong số đó có 177 tu sĩ vĩnh thệ (kể cả 23 linh mục), 91 tu sĩ hạn thệ, 4 tập sinh, 54 cộng sự viên, 281 em đệ tử, và 17 anh em đã qua đời. Cho tới năm 1975, Dòng Ðồng Công chưa bao giờ nghĩ tới việc cổ động ơn thiên triệu, mà hàng năm, số người xin nhập Dòng vẫn nhiều, trong số đó có cả linh mục và chủng sinh. Thời gian đầu, Ðệ Tử Viện chưa được chính thức thành lập, thế mà năm nào cũng có trên 100 đến 200 em xin gia nhập. Những người tu muộn cũng chiếm một phần không nhỏ. Vì ơn kêu gọi đông như vậy, nên mỗi lớp Tập thường có ít nhất trên 30 tập sinh. Tính đến năm 1975, Dòng có tất cả 11 lớp tu sĩ khấn.

Về bề sâu, Ðệ Nhất Ðại Công Hội của Dòng diễn ra hồi tháng 3 năm 1963. Ðại Công Hội đã chính thức bầu cử Tổng Giám Ðốc của Dòng, thay vào quyền Giám Ðốc vẫn do cha Thủ đảm nhiệm theo sự ủy thác của Ðức Cha Chi từ ngày thành lập Dòng. Toàn thể nghị huynh đã bầu cha Thủ làm Tổng Giám Ðốc tiên khởi của Dòng. Ðại Công Hội cũng thảo luận và nghị quyết về những Tục Lệ từ trước vẫn thi hành trong Dòng và vạch một đường lối đi vào tương lai. Tháng 9 năm 1970, Ðệ Nhị Ðại Công Hội được tổ chức theo Hiến Pháp Dòng. Ðại Công Hội này đã đồng tâm hợp ý suy tôn Ðấng Sáng Lập Dòng (cha Thủ) làm Tổng Giám Ðốc mãn đời, cho tới ngày cha cần rút lui để chuẩn bị cho người thay thế cha cai quản Dòng. Ngoài việc bầu Hội Ðồng Tổng Quản mới, Ðại Công Hội còn soạn thảo và biểu quyết một số quy chế, đồng thời tu chính Hiến Pháp và Tục Lệ cho hợp với thời hậu Công Ðồng Vaticanô II. Ðại Công Hội cũng tham luận và biểu quyết các chương trình nghị sự có liên quan đến việc cải thiện mọi phần tử Dòng.

Dòng Ðồng Công là một Dòng gồm linh mục và tu sĩ, các nhiệm vụ chính trong Dòng cũng như tại các cơ sở truyền giáo phần lớn đều do các linh mục chỉ huy, nên Dòng cần có một Học Viện để đào tạo các linh mục. Trong giai đoạn đầu, Dòng gửi một số anh em học tại Ðại Chủng Viện Xuân Bích, Thị Nghè, và Ðại Chủng Viện Thánh Giuse, Sài Gòn. Từ năm 1961, Dòng được phép lập Học Viện riêng. Mặt khác, để có bằng cấp của Giáo Hội và chính phủ, Dòng đã gửi một số linh mục du học tại Rôma và nhiều anh em học tại các đại học đạo cũng như đời.

Lớp Thần Học đầu tiên do Dòng huấn luyện.

Về bề rộng, trong 20 năm đầu, Dòng Ðồng Công đã có nhiều cơ sở:

Khu Nhà Mẹ thời gian đầu đặt tại Thủ Ðức. Ðến năm 1963, Dòng chuyển Nhà Mẹ ra Nhà Ðá (thuộc xã Mỹ Hiệp, quận Phù Mỹ, tỉnh Bình Ðịnh). Trung bình có trên 100 anh em sống tại Nhà Mẹ. Sau vì tình hình chiến tranh, khu Nhà Mẹ lại phải dời về Thủ Ðức năm 1974. Cũng tại Thủ Ðức, Dòng còn một tu viện lớn dung nạp chừng 70 người. Một Ðệ Tử Viện đủ chỗ cho gần 300 em. Trường Trung Tiểu Học và Ký Túc Xá ÐỒNG CÔNG thiết lập từ năm 1956, hàng năm có từ 800 đến trên 1000 học sinh. Một Giáo Sĩ Dưỡng Ðường thiết lập từ năm 1957 để đón các cha già yếu về hưu và quý cha muốn có nơi tĩnh tâm thuận tiện một trại nuôi gà hoạt động từ năm 1965 đến 1973, một nhà in cỡ trung bình và toà soạn Nguyệt San Trái Tim Ðức Mẹ với số độc giả trên 40,000 vào năm 1975.

Tại tỉnh Phước Long, năm 1962, Dòng lập một nhà ở Ðôn Luận. Công việc đang tiến triển thì chiến tranh lan rộng. Dòng bó buộc phải tạm bỏ cơ sở này vào năm 1964. Bù vào đó, Dòng vẫn còn một sở nhỏ tại xứ Châu Ninh, quận Bố Ðức. Sở này có một linh mục và một số anh em giúp việc trong xứ.

Tại tỉnh Bình Ðịnh, từ năm 1957, Dòng nhận phụ trách một khu truyền giáo trong địa phận Qui Nhơn tức là khu Mỹ Chánh thuộc quận Phù Mỹ. Ngoài việc rao giảng lời Chúa cho đồng bào tại xã Mỹ Chánh và các xã lân cận, Dòng còn mở trường Trung Học Toàn Mỹ tại Mỹ Chánh dạy miễn phí cho 400 học sinh. Vì tình trạng chiến tranh, năm 1964, khu truyền giáo Mỹ Chánh cùng với trường Toàn Mỹ tạm đóng cửa, mãi đến năm 1967 mới mở cửa lại. Khi Nhà Mẹ của Dòng chuyển ra Nhà Ðá, Dòng cũng thiết lập tại đây trường Trung Tiểu Học Ðồng Công dạy miễn phí cho 1,000 học sinh. Cũng tại tỉnh Bình Ðịnh, Dòng còn hai cơ sở: một tại Qui Ðức thuộc thị xã Qui Nhơn, một ở chính quận Phù Mỹ mỗi cơ sở có thể dung nạp vài ba chục người. Trường Trung Tiểu Học Ðồng Công tại Phù Mỹ khai giảng năm 1970 với khoảng 400 học sinh.

Tại tỉnh Bình Dương, năm 1965, Dòng lập một tu viện ở xã Bình Nhâm thuộc quận Lái Thiêu. Tu viện này trước vốn là một nhà Tĩnh Tâm của anh em Dòng, được thiết lập từ năm 1958. Nhưng năm 1971, Dòng bán lại cho giáo phận Phú Cường.

Tại thị xã Ðà Lạt, năm 1970 Dòng thiết lập cư xá sinh viên Rạng Ðông để giúp các sinh viên nghèo có nơi cư trú theo học đại học Ðà Lạt. Năm 1975 có chừng 70 sinh viên sống tại cư xá Rạng Ðông. Cạnh đó là một tu xá, nơi cư trú của chừng 20 tu sĩ Ðồng Công theo học đại học. Dòng cũng cho một số tu sĩ giúp Tiểu Chủng Viện Simon Hoà từ năm 1968, giúp Ðại Học Ðà Lạt từ năm 1969, và giúp Cư Xá Sinh Viên Trương Vĩnh Ký từ năm 1972.

Tại tỉnh Lâm Ðồng, từ năm 1971 Dòng lập một tu viện tại Ðồng Lạc thuộc quận Di Linh có thể dung nạp chừng 100 anh em. Tu viện này toạ lạc trong một khu đồn điền rộng 47 mẫu tây trồng trà, cà phê, bơ, mít... mà Dòng đã mua lại của một người Pháp. Ngoài ra, Dòng còn cử một số tu sĩ trông coi và điều khiển hai đồng điền trà, cà phê... thuộc Ðại Học Ðà Lạt: một tại Ðại Nga, gần tỉnh ly?Lâm Ðồng, một tại Zdiratô.

Tại tỉnh Bình Thuận, đầu năm 1974, Dòng lập một cơ sở ở xã Lương Sơn thuộc quận Hoà Ða, dung nạp chừng 15 anh em, và một trường Trung Tiểu Học dạy miễn phí cho 400 học sinh. Ngoài ra, một đồn điền rộng 100 mẫu tây tọa lạc tại Bầu Ốc đang được khai phá thì tình hình đất nước biến chuyển đến hồi nghiêm trọng, mọi hoạt động đều phải bỏ dở. Ðầu tháng 4-1975, anh em làm việc tại Lương Sơn phải di tản về miền Nam.

Dòng Ðồng Công đang trên đà phát triển về nhân số, về bề sâu và bề rộng, thì biến cố tháng 4-1975 đưa Dòng vào một khúc quanh lịch sử. Trên 170 linh mục, tu sĩ của Dòng vượt trùng dương về miền vô định. Còn chừng 150 linh mục, tu sĩ, cộng sự viên, và gần 300 em đệ tử ở lại Việt Nam. Lịch sử Hội Dòng bắt đầu một chương mới.

 

 

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)