Trầm thiên thu
 

 

HOME

sống mùa chay

-63
-62
-61
-60-trầm thiên thu

-59N
-58N

-57a
-56h
-55ia
-54 chay
-53 chay
-52 chay
-51 chay

 


Bài Trầm Thiên Thu

60-

Thiên Chúa mời gọi mùa Chay

Mùa Chay là mùa Thiên Chúa mời gọi riêng từng người: “Hãy trở về với Ta bằng cả tấm lòng”. Chúng ta trả lời: “Chúng con sẽ trở về”, nhưng chúng ta lại chưa sẵn sàng, chúng ta chưa thực sự chuẩn bị tâm hồn, còn nuối tiếc! Chúng ta muốn lòng vòng, lẩn tránh, lần lữa, viện cớ... Tâm hồn chúng ta chưa hoàn hảo. Chúng ta chưa sẵn sàng để Thiên Chúa yêu thương chúng ta!

Đúng vậy, nhưng chúng ta rất muốn quan hệ thân mật với Thiên Chúa, chúng ta nhiệt thành tự nhủ như vậy. Và chúng ta sẽ… Không bao lâu nữa. Chúng ta vẫn trì hoãn. Thiên Chúa lại mời gọi chúng ta: “Hãy trở về với Ta bằng cả tấm lòng”.

Vâng, lạy Chúa, con sẽ trở về với Ngài. Con chỉ còn vài việc cần làm nữa thôi. Trước tiên cho con thêm thời gian để cầu nguyện. Rồi con sẽ hòa giải. Xin cho con lau chùi nhà bếp, dọn dẹp nhà cửa, bán bớt mấy thứ lặt vặt, chăm sóc miếng đất con mới mua,... Thiên Chúa nhắc lại: “Hãy trở về với Ta bằng cả tấm lòng”.

Đó là lời mời gọi đặc biệt dành cho mỗi chúng ta, theo cách riêng của mỗi người. Thiên Chúa mời gọi chúng ta đừng biện hộ vì điều đó là khoảng cách giữa chúng ta và Thiên Chúa. Những gì Thiên Chúa muốn là chúng ta nhận biết các tiêu chuẩn của mình, cách phê bình và cách yêu thương của chúng ta cũng rất khác cách của Thiên Chúa. Ngài cho chúng ta cả mùa Chay, cả cuộc sống, vì yêu thương chúng ta vô điều kiện, dù chúng ta làm gì hoặc nghĩ gì mà chúng ta giấu giếm Ngài.

Từ thứ Tư lễ Tro, ngày khởi đầu mùa Chay, các bài đọc đều nhắc lại lời Chúa: “Hãy trở về với Ta bằng cả tấm lòng”. Tv 51 cũng nhắc nhở: “Lạy Chúa, xin tạo cho con trái tim trong sạch. Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ”. Đó là chính xác những gì Thiên Chúa muốn trao ban cho chúng ta, đó chính là niềm vui ơn cứu độ.

Ở Bắc Mỹ, mùa Chay rơi vào mùa Đông, những ngày này lạnh lẽo và tối tăm, hoàn toàn phải giấu mình trong nhà, hoàn toàn ẩn mình khỏi Thiên Chúa – chúng ta nghĩ vậy. Nhưng Thiên Chúa vẫn kiên trì, yêu thương, nhân hậu. Thiên Chúa là Người Cha của Đứa Con Hoang Đàng, nhẫn nại chờ đợi, tha thiết muốn đứa con trở về, chờ suốt ngày thâu đêm. Không hề khép vòng tay, không hề có ánh mắt xét đoán, chỉ có đôi mắt mỏi mòn chờ đứa con trở về. Thiên Chúa khao khát được ôm choàng lấy chúng ta và vui mừng thấy chúng ta trở về.

Nhưng chúng ta vẫn quan ngại tìm cách nào để trở về và đắn đo lời nói, tìm cách để đối thoại. Đó chỉ là lúc chúng ta còn ở xa, lúng túng và lẫn lộn, nhưng chúng ta không cần phải nói chi cả, chúng ta chỉ cần cho Ngài nhìn thấy chúng ta.

Hãy nhìn con đường phía trước: Thiên Chúa yêu thương đang vui mừng khi nhìn thấy chúng ta trở về. Lời mời gọi của Ngài đã được chúng ta nghe thấy và đáp lại: “Chúng ta phải mau về nhà thôi!”.

Nhưng điều gì cản trở chúng ta về đoàn tụ với Cha? Điều gì khiến chúng ta không đáp lại lời mời gọi để trở về sống với Thiên Chúa? Đó là sự trì hoãn, lần lữa, so đo: “Từ từ… Chờ chút… Vì không biết Thiên Chúa có biết mình hay không…”.

Tất cả không thành vấn đề. Chỉ cần biết rằng chúng ta phải trở về với Thiên Chúa, Ngài đang mỏi mòn chờ đợi chúng ta trở về để được ôm hôn mỗi chúng ta. Vậy chúng ta phải mau trở về! Tiếng Chúa vẫn âm vang: “Hãy trở về với Ta bằng cả tấm lòng”.

Chấp nhận lời mời gọi này là điều đơn giản nếu chúng ta có thể vượt qua nỗi sợ hãi. Những gì chúng ta cần làm là thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con đây. Con phải bắt đầu từ đâu? Vâng, con muốn được ở bên Ngài”. Lòng chúng ta đã mở ra và chúng ta đã bắt đầu bước về phía người cha đang đứng ở phía trước. Không cần giải thích chi hết, chỉ cần vui mừng trong yêu thương mà nhìn vào ánh mắt nhân từ của Thiên Chúa đang nhìn chúng ta.

Bước kế tiếp trên đường về nhà là gì? Chúng ta có thể dùng những giây phút đầu ngày, trước khi ra khỏi giường, để tạ ơn Chúa đã dành cho chúng ta lời mời gọi yêu thương như thế, và xin Ngài mở lòng chúng ta để chúng ta có thể đón nhận. Hãy bắt đầu từ hôm nay, đang là thời gian mùa Chay. Suốt ngày, chúng ta có thể nhớ lời mời gọi của Chúa khiến lòng chúng ta lay động: “Hãy trở về với Ta bằng cả tấm lòng”. Và chúng ta có thể cùng vui mừng với Thiên Chúa.

Đó là lời mời gọi mỗi ngày trong mùa Chay. Hôm nay là ngày chấp nhận lời mời gọi của Thiên Chúa.

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ onlineministries.creighton.edu)

 

Lịch sử mùa Chay

Mùa Chay là thời gian đặc biệt để cầu nguyện, sám hối, hy sinh và làm việc lành để chuẩn bị mừng lễ Phục sinh. Muốn canh tân phụng vụ Giáo hội, Hiến pháp về Phụng vụ Thánh của Công đồng Vatican II nói: “Hai yếu tố là đặc tính của mùa Chay – nhớ lại Bí tích Thánh Tẩy hoặc chuẩn bị cho Bí tích này, và sám hối – nên được nhấn mạnh trong phụng vụ và giáo lý. Qua đó, Giáo hội chuẩn bị cho các tín hữu về việc cử hành lễ Phục sinh, trong khi họ lắng nghe Lời Chúa nhiều hơn và dành thời gian cầu nguyện nhiều hơn” (số 109). Chữ Lent (mùa Chay) được rút ra từ chữ Lencten trong ngôn ngữ Anglo-Saxon, nghĩa là “mùa Xuân”, và Lenctentid không chỉ có nghĩa là “mùa Xuân” mà còn có nghĩa là “tháng Ba”, vì mùa Chay thường rơi vào tháng này.

Từ thời Giáo hội sơ khai, có chứng cớ về mùa Chay để chuẩn bị lễ Phục sinh. Chẳng hạn, Thánh Irênê (qua đời năm 203) đã viết cho Thánh Giáo hoàng Victor I, nói về việc cử hành lễ Phục sinh và sự khác nhau giữa hai việc cử hành này trong Giáo hội Đông phương và Tây phương: “SỰ tranh luận không chỉ về ngày này, mà còn về đặc tính của việc ăn chay. Một số người nghĩ rằng họ nên ăn chay một ngày, một số người nghĩ nên ăn chay hai ngày, một số người khác lại nghĩ nên ăn chay nhiều ngày hơn; một số người khác lại nghĩ nên ăn chay 40 giờ cuối cùng. Sự khác nhau trong cách giữ luật như vậy đã không có nguồn gốc như ngày nay, mà rất khác trước, từ thời xa xưa” (Eusebius, Lịch sử Giáo hội, V, 24). Khi Rufinus dịch đoạn văn này từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Latin, có dấu phẩy giữa số 40 và chữ “giờ” khiến ý nghĩa hóa thành 40 ngày, mỗi ngày 24 giờ. Do đó, tầm quan trọng của đoạn văn vẫn là từ thời tổ tiên xa xưa – luôn được diễn tả là thời các tông đồ, và thời gian 40 ngày mùa Chay đã xuất hiện. Tuy nhiên, việc thực hành thực sự và thời gian mùa Chay vẫn chưa tương ứng trong cả Giáo hội.

Mùa Chay trở nên phổ biến hơn sau khi Kitô giáo được công nhận năm 313 (sau công nguyên). Công đồng Nicê (325), trong giáo luật ghi rằng hai công nghị nên được tổ chức hằng năm, “một công nghị trước 40 mùa Chay”. Thánh Athanasiô (qua đời năm 373) trong các “Lễ Thư” (Festal Letters) kêu gọi giáo đoàn ăn chay 40 ngày trước khi ăn chay nghiêm ngặt hơn trong Tuần Thánh. Thánh Cyril thành Giêrusalem (qua đời năm 386) nói trong các bài giảng giáo lý, ngày nay gọi là RCIA (Rite of Catholic Initiation for Adults, nghi thức khai tâm Công giáo cho người lớn), trong đó có 18 điều hướng dẫn trước khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội được trao cho các tân tòng trong mùa Chay. Thánh Cyril thành Alexandria (qua đời năm 444) viết trong một loạt “Lễ Thư” cũng cho biết rằng việc thực hành đó trong mùa Chay chú trọng thời gian 40 ngày ăn chay. Cuối cùng, Thánh Giáo hoàng Leo (qua đời năm 461) đã giảng rằng các tín hữu phải “hoàn tất việc ăn chay 40 theo luật”, đồng thời chú ý nguồn gốc mùa Chay. Có thể kết luận rằng, vào cuối thế kỷ IV, thời gian 40 ngày ăn chay chuẩn bị lễ Phục sinh được coi là mùa Chay như ngày nay, cầu nguyện và ăn chay đã tạo nên các bài luyện tập tâm linh thời sơ khai.

Dĩ nhiên, con số 40 luôn có có ý nghĩe tâm linh đặc biệt quan tâm sự chuẩn bị. Trên núi Hô-rép (núi Sinai), chuẩn bị nhận Mười Điều Răn, “Môsê ở đó với Đức Chúa 40 ngày và 40 đêm, không ăn không uống, và ông viết trên những bia các điều khoản của giao ước, tức là Thập Điều” (Xh 34:28). Êlia đi bộ “40 ngày và 40 đêm lên núi Hô-rép để gặp Thiên Chúa” (1 V 19:8). Quan trọng nhất là Chúa Giêsu ăn chay và cầu nguyện “40 ngày và 40 đêm” trong hoang địa trước khi Ngài công khai sứ vụ (Mt 4:2).

Khi 40 ngày chay được thiết lập, việc kế tiếp là quan tâm mức độ ăn chay. Chẳng hạn, tại Giêrusalem, người ta ăn chay 40 ngày, các ngày từ thứ Hai tới thứ Sáu trong tuần, nhưng không ăn chay vào thứ Bảy hoặc Chúa nhật, do đó mùa Chay kéo dài 8 tuần. Tại Rôma và Tây phương, người ta ăn chay 6 tuần, các ngày từ thứ Hai tới thứ Bảy trong tuần, do đó mùa Chay kéo dài 6 tuần. Cuối cùng, người ta ăn chay 6 ngày mỗi tuần trong 6 tuần, thứ Tư lễ Tro được thiết lập để tăng số ngày cho đủ 40 ngày trước lễ Phục sinh. Luật ăn chay có khác nhau.

Thứ nhất, một số vùng kiêng cữ các loại thịt và các sản phẩm làm từ động vật, một số vùng lại trừ các thức phẩm như cá. Chẳng hạn, Thánh Giáo hoàng Grêgôriô (qua đời năm 604), viết cho Thánh Augustine thành Canterbury, nói về quy luật này: “Chúng ta phải kiêng những đồ tươi như thịt, và các loại tươi khác như sữa, bơ và trứng”.

Thứ nhì, luật chung cho mọi người là mỗi ngày chỉ ăn một bữa, buổi tối hoặc lúc 3 giờ chiều.

Luật ăn chay trong mùa Chay cũng thay đổi. Cuối cùng, được phép ăn nhẹ trong ngày để giữ sức khỏe mà làm việc. Được phép ăn cá, và sau đó cũng được phép ăn thịt suốt tuần, trừ thứ Tư lễ Tro và thứ Sáu. Rồi được phép ăn các sản phẩm làm từ sữa, và cuối cùng luật này được hoàn toàn nới lỏng. Tuy nhiên, kiêng cữ cả các sản phẩm sữa cũng dẫn đến việc ăn trứng Phục sinh và ăn bánh kẹp vào thứ Ba béo (Gras Mardi, Shrove Tuesday), trước thứ Tư lễ Tro.

Thời gian trôi qua, luật được thay đổi dần, thế nên ngày nay việc ăn chay không chỉ đơn giản mà còn quá dễ. Thứ Tư lễ Tro vẫn là khởi điểm mùa Chay, từ đó kéo dài 40 ngày, không kể Chúa nhật. Luật ăn chay và kiêng thịt ngày nay rất đơn giản: Chỉ giữ vào thứ Tư lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh, các tín hữu ăn chay (một bữa no, hai bữa nhẹ) và kiêng thịt; còn các thứ Sáu khác trong mùa Chay chỉ phải kiêng thịt. Giáo hội khuyến khích “từ khước cái gì đó” để hy sinh trong mùa Chay. Có điều thú vị vào các Chúa nhật và lễ trọng như lễ Thánh Giuse (19 tháng Ba) và lễ Truyền Tin (25 tháng Ba), người ta “được miễn trừ” và có thể tận hưởng bất cứ thứ gì phải kiêng trong mùa Chay.

Hãy hy sinh từ khước điều gì đó vì Chúa. Làm thật lòng chứ đừng như người Pharisêu (giả hình) để được người ta “chú ý”. Hãy chú trọng hoạt động tâm linh, như tham dự đi Đàng Thánh Giá, Thánh lễ, chầu Thánh Thể, cầu nguyện, đọc sách thiêng liêng, xưng tội và rước lễ. Hãy tập trung vào hoạt động mùa Chay: Sám hối, canh tân đời sống, thể hiện đức tin và chuẩn bị cử hành mầu nhiệm cứu độ.

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ CatholicEducation.org)
Mùa Chay 2013

 

Thời giờ đã gần đến !

Mùa Chay về. Tiếp theo là Tuần Thánh và mùa Phục Sinh. Đây là Mùa Hồng Ân, là Mùa Cứu Độ. Bạn đã xưng tội chưa? Có vẻ như không thể mùa Chay nào cũng trọn vẹn nếu không xưng tội. Nhiều nơi thường xuyên có giải tội, nhất là vào mùa Chay. Xưng tội và rước lễ trong mùa Chay cũng là giáo luật: “Xưng tội trong một năm ít là một lần” và “rước Mình Thánh Chúa mùa Phục Sinh”.
Kinh thánh xác định: “Dù tội đỏ như son cũng ra trắng như tuyết, dù như vải điều thẫm cũng hoá trắng như bông” (Is 1:18).
Có nhiều lý do khiến người ta trì hoãn hoặc từ chối xưng tội. Có lẽ đây là vài lý do phổ biến:

1. Tôi không cần xưng tội. Thật vậy không? Chắc chắn là nói dối, vì “ai cũng phạm tội” (x. Rm 5:12), như người ta thường nói: “Nhân vô thập toàn”. Mới sinh ra người ta đã có tội nên mới cần rửa tội. Hằng ngày, mỗi khi dâng lễ, ai cũng thú nhận: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”, và rồi tiếp tục “xin Chúa thường xót chúng con” 3 lần và “lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con” 2 lần nữa. Chúa không muốn chúng ta “nói nhỏ” với riêng Ngài mà muốn chúng ta công khai thú tội: “Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát. Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực” (Gc 5:16). Công khai thú tội để được công chính hóa: Lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực. Như vậy xưng thú tội lỗi là điều cần thiết, vì đó là một phần không thể thiếu trong đời sống của người Kitô giáo.

2. Tôi ngại vì bỏ xưng tội lâu rồi. Đừng quên lời thánh Phaolô: “Ở đâu nhiều tội lỗi thì ở đó nhiều ân sủng” (Rm 5:20). Hãy cầu nguyện bằng kinh Ăn Năn Tội để có thể cảm nghiệm được Hồng Ân Chúa dành cho chúng ta. Thật vậy, Chúa Giêsu đã xác định: “Con Người đến để cứu cái gì đã hư mất” (Mt 18:11), và Ngài nhấn mạnh: “Cha của anh chị em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18:14). Có lẽ chúng ta chưa đủ tin nên mới thấy ngại. Tuy nhiên, đừng coi xưng tội chỉ là một nghi thức, vấn đề là thành tâm. Nghĩa là tội lỗi chúng ta có được Thiên Chúa tha thứ hay không là do chúng ta, vì “nhờ đức tin mà được cứu” (x. Mt 9:22; Mc 5:34; Mc 10:52; Lc 7:50; Lc 8:48; Lc 17:18; Lc 18:42) và “người công chính nhờ đức tin sẽ được sống” (Rm 1:17). Biết vậy rồi thì đừng ngại gì hết!

3. Tôi không có thời gian và không thuận tiện. Người muốn thì tìm ra phương tiện, người không muốn thì tìm ra lý do. Đó là loại triết lý dễ hiểu. Chúa Giêsu thiết lập chức linh mục để hối nhân có thể dễ dàng giao hòa với Thiên Chúa, đồng thời cũng để chúng ta có Chúa ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28:20). Có những xứ có linh mục giải tội hàng ngày trước hoặc sau giờ phụng vụ, có những nhà dòng giải tội cả sáng và chiều các ngày trong tuần. Như vậy, nếu không tiện giờ này thì xưng tội giờ khác, không tiện ở nơi này thì xưng tội ở nơi khác. Có nhiều nơi để chọn lựa, đừng viện cớ mà biện hộ cho sự lười biếng của mình. Chúa luôn mong chờ tội nhân ăn năn sám hối, vì Ngài sẵn sàng bỏ 99 con chiên ngoan mà đi tìm 1 con chiên lạc (x. Mt 18:12-14; Lc 15: 4-7). Chúng ta có thời gian rảnh rỗi hoặc làm những thứ khác, sao lại không có thời gian giao hòa với Thiên Chúa?

4. Tôi không có tội trọng nên không cần xưng tội. Có những vị thánh xưng tội hằng ngày. Đã đành chỉ phải xưng những tội trọng, nhưng đó là “điều kiện ắt có và đủ”. Đối với những tâm hồn đạo hạnh, tội nhẹ cũng khiến người ta cảm thấy “xa cách” Thiên Chúa. Tội trọng là những tội “nặng ký” thì dễ hiểu và dễ thấy, nhưng nhiều tội nhẹ cũng có thể làm tăng trọng lượng. Hãy tưởng tượng tội nhẹ như trái bong bóng hoặc nắm bông, một vài trái bóng hoặc một vài nắm bông không thấm vào đâu, nhưng nhiều trái bóng hoặc nhiều nắm bông có thể làm thay đổi trọng lượng rất rõ. Một bên là 1kg sắt và một bên là 1kg bông, có người có thể nghĩ ngay là sắt nặng hơn, nhưng thực sự hai bên bằng nhau vì đều là 1kg. Không thể nói hết thần học về tội lỗi, nhưng có những thứ tội “nổi cộm” như làm tổn thương người khác, tự dễ dãi với mình với những tư tưởng xấu, xem phim ảnh “đen”, bỏ lễ Chúa nhật, kiêu ngạo, tự ái thái quá, lạm dụng Thánh Danh Chúa, từ chối bác ái với người nghèo,… Nhiều thứ trong số đó có thể là tội trọng hoặc biến thành tội trọng. Tục ngữ cổ nói: Nemo judex in sua causa (không ai là thẩm phán trong vụ án của chính mình). Chúng ta thường không thấy cái đà trong mắt mình mà lại thấy cái rác trong mắt người (x. Mt 7:3-5; Lc 6:41-42). Ca dao Việt Nam cũng có câu:

Chân mình còn lấm bê bê
Lại cầm bó đuốc mà rê chân người

Thật là nhiêu khê! Nhưng đừng lấy cớ “tôi không có tội trọng” mà thoái thác. Xưng tội thường xuyên (hàng tuần hay hàng tháng) là động thái khiêm nhường, đem lại lợi ích cho chúng ta là nhận lãnh thêm hồng ân và tránh được dịp tội trong tương lai.

4. Tôi không biết xưng tội gì. Ngày nay, đây là vấn đề phổ biến, vì việc đào tạo luân lý trong văn hóa của chúng ta, thậm chí cả những người Công giáo, không được chú trọng và có vẻ mơ hồ. Vả lại, ngày nay người ta muốn loại bỏ Chúa ra khỏi cuộ đời mình nên không còn cảm giác tội lỗi. Nếu thẳng thắn và nghiêm túc xét mình thì chúng ta sẽ thấy mình phạm nhiều tội hằng ngày. Vì không xét mình rõ ràng nên mới cảm thấy “không có tội gì để xưng”. Cơ bản là xét mình theo Mười Điều Răn và Sáu Điều Răn Hội Thánh, nếu cần thì dùng Kinh thánh – chẳng hạn đoạn Kinh thánh này:

Vậy anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: Đó là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam, mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng. Chính vì những điều đó mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống trên những kẻ không vâng phục. Chính anh em xưa kia cũng ăn ở như thế, khi anh em còn sống giữa những người ấy. Nhưng nay, cả anh em nữa, hãy từ bỏ tất cả những cái đó: nào là giận dữ, nóng nảy, độc ác, nào là thoá mạ, ăn nói thô tục. Anh em đừng nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi, và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá, để được ơn thông hiểu. Vậy không còn phải phân biệt Hy Lạp hay Do Thái, cắt bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng chỉ có Đức Kitô là tất cả và ở trong mọi người. Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: Đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Ước gì ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân. Ước chi lời Đức Kitô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha (Cl 3:5-17).

Chắc hẳn chúng ta không thấy “thoải mái” khi đọc những đoạn Kinh thánh như vậy, do đó mà cảm thấy… ngại xưng  tội! Chúa Giêsu nói: “Ai phạm tội là làm nô lệ cho tội” (Ga 8:34). Không ai muốn mình làm nô lệ cho người khác, huống chi là làm nô lệ cho tội lỗi!

Vậy hãy quyết tâm dành thời gian đi xưng tội, càng sớm càng tốt. Hãy quyết tâm sống mùa Chay theo lời thánh Phaolô: Chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Kitô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người. Quả thật, Chúa nói: “Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ”. Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ (2 Cr 5:20-21 & 6:2).

Đến với Bí tích Hòa giải là đến với Tình Yêu của Thiên Chúa, đến ản náu trong Thánh Tâm Chúa Giêsu, được tắm gội trong Nguồn Hồng Ân của Lòng Chúa Thương Xót. Đừng chần chừ, đừng lần lữa, vì “thời giờ đã gần đến!” (Kh 1:3 & 22:10). Nếu chúng ta “hâm hẩm, chẳng nóng chẳng lạnh, Chúa sẽ mửa chúng ta ra khỏi miệng Ngài” (x. Kh 3:16).

TRẦM THIÊN THU
Chuẩn bị Mùa Chay 2013

 

TẤM LÒNG

Triết gia Pascal nói: “Con người là cây sậy có lý trí”.  Một cách diễn tả dung dị dễ hiểu.  Điều đó mặc nhiên rằng con người là sinh vật bất túc, bất trác và bất toàn, với một số phận mong manh không khác đóa phù dung.  Và vì thế, con người cứ miệt mài ngày đêm đi tìm Chân-Thiện-Mỹ theo lệnh truyền của Thiên Chúa: “Hãy hoàn thiện như Cha trên trời” (Mt 5:48).  Nghĩa là phải chiến đấu và vươn lên không ngừng, với khát khao tìm về cái gọi là “nhân chi sơ tính bổn thiện” sau những ngày (có thể) sa chân lầm lạc hoặc lỡ để bàn tay nhúng chàm.

Con người yếu đuối nên dễ “nhiễm” cái xấu hơn cái tốt, nhưng hẳn là khôn hơn khi chưa vấp ngã. Phêrô, một ngư ông chất phác, được Chúa Giêsu chọn làm Tông đồ, và dù đã “thẳng thừng” chối Thầy mình, ông vẫn được Ngài cất nhắc lên làm Giáo hoàng tiên khởi, làm “hoa tiêu” đưa Con thuyền Giáo hội vượt qua ngàn trùng sóng gió, vì chính ông đã có kinh nghiệm bản thân.  Vấn đề không phải là tốt hay xấu, giỏi hay dốt, mà là biết thành tâm sám hối, biết sửa sai và phục thiện, để sống tốt hơn và lợi ích cho tha nhân.

Thật vậy, đời người là một chu-kỳ-ăn-năn không ngừng.  Hết lỗi lầm này đến sai lầm khác.  Rồi ăn năn. Rồi tái phạm.  Và rồi lại hối hận… Vậy đó, hứa nhiều mà chẳng giữ được bao nhiêu.  Càng nhiều tuổi càng “nói dối” nhiều: Ai càng sống lâu càng xưng tội nhiều lần mà vẫn chưa chừa được!  Chúng ta chỉ là những kẻ nói dối Chúa!  Ai cũng quyết lên án nhưng rồi không ai dám ném đá người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình (x. Ga 8:2-11), thế nên họ đều lần lượt bỏ đi, người lớn tuổi đi trước, kẻ nhỏ tuổi đi sau, vì không ai thấy mình sạch tội.  Vâng, đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán!

Nói vậy không có nghĩa là không cần hoàn hảo vì không thể hoàn hảo.  Vẫn phải cố gắng tìm sự hoàn hảo: Hoàn hảo ngay trong cái chưa hoàn hảo.  Nếu tưởng mình hoàn hảo tức là chưa hoàn hảo.  Thật vậy, “ai tưởng mình là gì mà kỳ thực không là gì hết, đó là lừa gạt chính mình” (Gl 6:2-3).  Những người theo chủ-nghĩa-hoàn-hảo, gọi là cầu toàn, luôn làm ra vẻ hoàn hảo để mong được tiếng khen, dễ nóng giận với chính mình và luôn chê trách hoặc ghen ghét người khác.  Thực ra đó chỉ là cách che giấu cái bất toàn của mình.

Quả thật, con người quá yếu đuối và luôn đầy tham vọng.  Nhưng không vì thế mà ỷ lại hoặc cố chấp, biện hộ cho những gì mình làm.  Ngược lại, phải tự biết chấp nhận mức độ hữu hạn của mình để luôn biết làm việc tận tụy bằng tất cả tâm lực mà không đòi hỏi gì thái quá nơi người khác.  Đức Giêsu đã nói: “Ai trung thành trong việc nhỏ sẽ trung thành trong việc lớn” (Lc 19:12-27).  Hãy tự giành cho mình những việc khó và dành cho người khác những việc dễ, nhưng không hề miễn cưỡng hoặc tỏ vẻ khó chịu.

Mùa Chay là thời gian cần thiết để suy gẫm, tĩnh tâm, vì đời người như một cỗ máy, thỉnh thoảng vẫn cần được tu sửa – dù tiểu tu, trung tu hoặc đại tu.  Mùa Chay cũng là dịp “nhìn lại” số km mình đã đi qua để biết phải cố gắng thêm ít hay nhiều, như máy móc phải châm thêm hoặc thay dầu nhớt, chứ không thể tự mãn.  Ăn chay phải gắn liền với cầu nguyện, vì “bao lâu ta chưa thôi cầu nguyện là dấu chắc chắn Chúa đang thương” (Thánh Augustinô).  Cầu nguyện là mãnh lực khả dĩ chiến thắng tất cả!

Ăn chay song song với tịnh tâm.  Không nhất thiết phải làm điều gì vĩ đại mà chỉ cần “chấn chỉnh” hoặc “cởi bỏ” một thói xấu hoặc một động thái nào đó…  Thiết tưởng đó mới là cách “trở về” hữu ích và đẹp lòng Chúa.  Có thể là hy sinh không đi chơi, bớt hoặc bỏ hút thuốc, giảm uống cà-phê, bớt uống rượu, thôi cờ bạc, ít tán gẫu, không xét đoán, chăm học hơn, quan tâm nhau hơn, sống hòa đồng hơn, nghiêm túc hơn,… Đó chính là những Vị Ngọt làm cho ly-cà-phê-không-đường đời mình thêm đậm đà hương vị, để không chỉ cho riêng mình “thưởng thức” mà còn cho cả những người xung quanh cùng “nếm thử”. Và còn mãi dư vị làm sảng khoái…

Trở về là hành-trình-vui nếu biết trở về với cả tấm lòng sau những năm tháng hoang đàng.  Thiên Chúa luôn nhân hậu và đại lượng vẫn từng giây mong chờ tội nhân trở về nương náu Tình Yêu Thiên Chúa. Dù tội lỗi đến đâu, dù thất vọng nhưng đừng tuyệt vọng, Thiên Chúa vẫn nhân hậu vô cùng, chỉ cần chúng ta biết thành tâm sám hối, vì chính Chúa Giêsu đã nói với nữ tu Josefa Menendez (1890–1923, Dòng Thánh Tâm): “Sự khốn nạn của con lôi cuốn Cha”.  Thật là may mắn và hạnh phúc cho mỗi người chúng ta có một Vị Thiên Chúa từ bi ngoài sức tưởng tượng của loài người!

Tình Yêu Chúa là thế, yêu đến cùng, yêu đến chết, yêu đến giọt máu và giọt nước cuối cùng, vì vậy mức độ yêu Chúa của chúng ta phải theo cách thức của Thánh Bernard: “Mức độ yêu Chúa là yêu vô hạn”.  Con người với nhau rất cần một tấm lòng thì với Thiên Chúa, Ngài cũng chỉ cần chúng ta dành trọn cho Ngài một Tấm Lòng mà thôi!

***

Lạy Chúa, chúng con thật yếu đuối, “điều con muốn thì con không làm, điều con không muốn thì con lại làm” (x. Rm 7:19).  Thật trớ trêu thay! Nhưng Ngài vẫn không chấp, vẫn sẵn sàng tha thứ tất cả, tha thứ vô điều kiện chỉ vì Tình Yêu Ngài dành cho con luôn trọn vẹn, trước sau như một.  Có nhiều lúc con cô đơn và thất vọng ê chề, xin Ngài thương độ trì, vì con xác tín “Ngài là Đấng đã gọi con, Ngài đang ở với con, Ngài không để con cô đơn một mình” (Ga 8:29) và “xin thêm đức tin cho con” (Lc 17:5).  Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa của chúng con. Amen!

Trầm Thiên Thu

 

THẬP GIÁ

Thập giá – đau khổ và nhục nhã

Thập giá là dụng cụ nhục hình dành cho các tội nhân thời đó. Thập giá là biểu tượng của sự thử thách, của nỗi khổ đau. Trong cuộc sống, dù muốn dù không, chúng ta vẫn gặp và chịu đựng nhiều thứ trái ý. Thật vậy, bị áp bức hoặc không làm gì được người kia thì đành phải chịu thua. Đó là “bị” vác thập giá, bị nhục nhã. Người Việt có câu: “Một sự nhịn, chín sự lành”. Nhưng người ta thường “nói đùa” là “một sự nhịn, chín sự… nhục”.

Tuy nhiên, Thập giá cũng chính là dụng cụ nhục hình mà Chúa Kitô đã chịu đóng đinh vào, và Ngài đã chết trên đó để cứu chuộc nhân lọai. Ngài đã bị nhục nhã ê chề, vì hình phạt đóng đinh vào Thập giá chỉ dành cho những tên tội phạm “khét tiếng”. Không chỉ là bị đóng đinh vào Thập giá mà Ngài còn bị lột trần. Vô cùng nhục nhã. Thậm chí các môn đệ chí thiết cũng tìm cách rời xa Ngài vì sợ bị liên lụy. Chúa Giêsu đã bị liệt ngang hàng với cỡ tội phạm nguy hiểm như Baraba hoặc Osama bin Laden. Có lẽ không còn sự nhục nhã nào hơn nữa!

 

Thập giá – hy vọng và quang vinh

Thập giá còn có nghĩa là bất cứ thử thách đau khổ nào mà Kitô hữu phải chịu, và tự nguyện chấp nhận, để được kết hợp với Chúa và cộng tác với Ngài trong việc cứu rỗi chính mình và các linh hồn. Như thế, Thập giá không còn là nhục hình mà lại trở thành một mầu nhiệm được mặc khải, được Chúa dạy khi Ngài nói: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Thầy” (Mt 16:24; x. Mt 10:38 và Lc 14:26-27). Mầu nhiệm Thập giá là một trong các chủ đề chính yếu của các thư thánh Phaolô (Rm 5:8; I Cr 1:17; Gl 4:16 và Pl 2:6-11).

Trên Cây Thánh Giá, Chúa Giêsu là Đấng vô tội nhưng đã bị vu cáo, là Đấng Công chính nhưng đã bị kết án, là Đấng Chí Thánh nhưng đã bị đày ải, là Vua Trời Đất nhưng đã bị hành hạ nhục nhã và bị đóng đinh chết tức tưởi, là Con Thiên Chúa toàn năng nhưng đã bị thóa mạ, bị chà đạp và bị từ chối, là Ánh Sáng nhưng đã bị tối tăm vây phủ, là Đấng vô cùng cao sang nhưng đã bị trần truồng tủi hổ, chịu chết treo trên hai miếng gỗ, là Sự Sống nhưng đã phải trút hơi thở cuối cùng, là Sự Chết nhưng cũng là Sự Sống Lại.

Thánh Jean Chrysostome (Gioan Kim khẩu) suy niệm: “Cây Thánh Giá là hy vọng của các Kitô hữu, là sự sống lại của kẻ chết, là sự hướng dẫn cho kẻ mù, là cây gậy cho người què, là sự an ủi cho kẻ nghèo khổ, là sự kềm hãm của kẻ giàu sang, là sự hành hạ đối với kẻ xấu xa, là sự chiến thắng ma quỷ, là kẻ chỉ đạo cho người thanh niên, là bánh lái cho những người vượt sóng, là cửa biển cho những kẻ đi xa, là thành lũy cho những kẻ bị vây hãm”.

Thập giá là chìa-khóa-Nước-Trời, là chìa-khóa-vạn-năng giúp chúng ta xử lý bất kỳ trường hợp nào trong cuộc sống. Khi cô đơn, đau khổ, vất vả, thất vọng, lo sợ, tủi nhục,… cứ ngước nhìn Thập giá Đức Kitô thì người ta sẽ tìm được ủi an, nâng đỡ và bình an. Thánh Jean Chrysostome nói: “Hiểu đau khổ, đón nhận đau khổ, tiến dâng đau khổ, đó là nguồn sống hạnh phúc hoan lạc. Chiến đấu với tội lỗi là chiến đấu với đau khổ”. Với Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu: “Có Chúa, tất cả đau khổ thế trần là thần lương bổ dưỡng, và tất cả an ủi thế trần trở nên cay đắng”.

LM Anton Torès viết: “Vác Thánh giá mà không có gì an ủi, đó là lúc ta đang bay bổng trên đường trọn lành; khi cầu nguyện mà không nghe động tình vui thú an ủi, đó là cách cầu nguyện rất hữu ích cho linh hồn”. Một Saolê hung hãn bắt đạo đã trở nên một Phaolô hăng say rao giảng về Thập giá: “Lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (I Cr 1:18, 25).

Cứ ngỡ Thập giá là nhục nhã nhưng lại là niềm hy vọng và vinh quang. Bác học Voltaire đã thốt lên: “Lạy Chúa, con đã chiến đấu sáu mươi năm vì vinh quang Ngài” (Mon Dieu, j’ai combattu soixante ans pour Ta gloire). Chiến đấu thì phải đau khổ, có đau khổ mới có vinh quang. Trong một chương trình phát thanh, đài Nguồn Sống xác định: “Chúa không cần người có tài, nhưng Ngài cần người mà Ngài có thể dùng”. Đó là những người xả thân vì Đức Kitô, không có tài sẽ được Ngài hỗ trợ – như Samuel, thánh nữ Faustina,… Có tài thì vẫn tốt, nhưng Chúa cần có đức trước, như người Việt thường nói: “Tiên học lễ, hậu học văn” vậy. Chúa Giêsu có những cái “ngược đời”, nhưng đó lại là những điều tối cần thiết để sống hữu ích cho chính mình, cho tha nhân, cho Giáo hội, cho tổ quốc, cho xã hội – hôm nay và ngày mai. Chúa Giêsu bị treo trên Thập giá và Ngài kéo chúng ta lên. Ngài lên cao và vinh quang qua con đường Thập giá thì chúng ta cũng nhờ Thập giá mà hy vọng được lên cao và chung hưởng vinh quang với Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thật lòng yêu mến và say mê Thập giá để khả dĩ là khí cụ của Ngài, dám sống “ngược đời” như Ngài, và như mong muốn “không giống ai” của Thánh Phaolô: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì ngoài Thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6:14). Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

 

 

 

- dongcong.net

 

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)